Biết tôi mới ra Nha Trang, thằng bạn đã vội gọi “Đi chụp hình đèo Ô-mê-ga không?”. Vốn muốn biết thử đèo Ô-mê-ga như thế nào tôi liền đồng ý và chuẩn bị hành trang để lên đường.

Đèo Ô-mê-ga (Omega, còn gọi là đèo Hòn Giao, đèo Khánh Lê…) là một địa danh chưa được nhắc đến nhiều trong các cuốn guidebook của những công ty du lịch, với nhiều du khách đó là một cái tên rất đỗi lạ lẫm và ngay cả đối với người dân Nha Trang cũng vậy. Ô-mê-ga chỉ mới được biết đến trong thời gian gần đây kể từ khi con đường Khánh Lê- Lâm Đồng được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thông thương cho người dân giữa hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Nếu trước đây từ phía Khánh Hòa trở ra ngoài Bắc muốn đến được Đà Lạt thì phải chạy vào tận thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, từ đó theo Quốc Lộ 27 vượt qua đèo Ngoạn Mục mới đến được Đà Lạt. Nhưng từ khi con đường Khánh Lê-Lâm Đồng mở ra, khoảng cách đã được rút ngắn xuống rất nhiều.

Du khách chỉ cần đến ngã ba Thành của huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa, hỏi thăm đường lên Đà Lạt sẽ được người dân hướng dẫn nhiệt tình. Từ đấy, nếu chạy xe máy hoặc xe hơi chỉ mất trên dưới hai giờ đồng hồ là sẽ đến với thành phố mộng mơ. Con đường này được mở ra nhanh chóng thu hút được sự ham muốn khám phá của nhiều người, vì nó lạ lẫm. Bên cạnh đó lại là một con đường rất đẹp qua biết bao nhiêu là đồi núi. Trên suốt cả con đường, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy sự chuyển đổi giữa một vùng đất miền duyên hải nắng nóng đến vùng đất cao nguyên sương mù lạnh lẽo. Nhất là vào những tháng gần Tết, đi trên con đường này sương mù phủ kín cả lối đi. Song, cũng vì con đường này được lập ra mà số lượng du khách đến với tỉnh Ninh Thuận bị giảm sút, hoặc du khách không còn thích thú đối với Ninh Thuận.

Từ khoảng xế chiều, chúng tôi đã chuẩn bị cho mình thức ăn, nước uống và đương nhiên là phải có máy chụp hình. Trên chiếc xe máy hiệu Bonus do bạn tôi chở, vượt qua dốc Đá Lửa và Sải Me để đến với Khánh Vĩnh, nơi cư ngụ của đông đảo người sắc tộc Raglai để tìm đến đèo Ô-mê-ga.

Khánh Vĩnh cùng với Khánh Sơn là hai huyện miền núi nghèo của tỉnh Khánh Hòa, nơi đây tập trung nhiều người Raglai. Ở họ không còn giữ lại được nhiều những tính đặc trưng của văn hóa miền núi. Xét trên nhiều phương diện về xã hội thì người Raglai đã và đang bị Kinh hóa. Việc Kinh hóa không phải diễn ra từ từ mà một cách nhanh chóng đến chóng mặt.

Người Raglai ở Khánh Vĩnh không còn cư trú trong những ngôi nhà sàn mà chuyển sang ở hẳn trong những ngôi nhà được làm bằng bê-tông do chính nhà nước tài trợ được xây dựng theo những khuôn mẫu y như nhau. Họ không còn uống rượu cần mà chuyển sang uống rượu gạo hoặc uống bia như người Kinh. Những cô sơn nữ, anh trai người Thượng* không còn mặc váy, đóng khố mà sử dụng những chiếc quần tây, quần hai ống như người miền xuôi. Song, cái mà người Raglai không để mất đi đó chính là sự nghèo nàn, khù khờ từ bao đời nay truyền lại. Những đôi mắt bé con trong sáng và hiền lành không đủ để che giấu một bầu trời u ám cho một tương lai bất định.

Từ Khánh Vĩnh, chúng tôi chỉ còn đi thêm khoảng 14km nữa là đến được đèo Ô-mê-ga. Trong cái gió lạnh được thổi lên từ phía biển của những ngày đầu đông, tôi cảm nhận được sự lạnh giá, hoang vắng tại một nơi mà đối với nhiều người trước đây gọi là rừng thiêng nước độc. Những con gió thổi vù vù xen qua hàng cây rậm rạp của một vùng rừng núi. Tôi bất chợt nổi da gà khi nghĩ về những điều ma quái mà trong những câu chuyện về Ma Hời, Óm-ma-lai mà ông ngoại kể cho tôi nghe trong những câu chuyện nói về những người Thượng.

Chúng tôi chọn tháp canh rừng của kiểm lâm để làm nơi ở tạm. Vì đó là lựa chọn tốt nhất mà chúng tôi có thể có được thay vì phải ngủ ở ngoài rừng vắng làm bạn với côn trùng, rắn rít cùng với muôn ngàn hiểm nguy có thể xảy đến. Ngôi tháp canh này được những người kiểm lâm dựng lên nhằm mục đích đề phòng những vụ đốt phá rừng làm nương rẫy của những người Thượng hoặc của những tên lâm tặc. Theo người bạn của tôi, công trình này chỉ xây dựng cho vui và để mấy chú kiểm lâm có thể kiếm chác được chút ít, chứ nó hoàn toàn bỏ không chẳng ai trông coi và chẳng sử dụng đúng mục đích bao giờ.

Sáng sớm, khi trời còn chưa rạng, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy chuẩn bị máy để có thể ghi lại được những thời khắc chuyển đổi giữa bóng đêm và ban ngày. Trong những thời điểm ấy, mọi chuyển biến dường như rất nhanh, chỉ cần thiếu sự chú ý là chúng ta sẽ bỏ lỡ một tấm hình vừa ý.

Trong lúc tranh tối tranh sáng, cảnh vật xung quanh tĩnh mịch đến sợ hãi. Từng cơn gió lùa ào ào vào tháp canh làm tôi run lên từng hồi. Bên ngoài, những con côn trùng đua nhau cất lên những bài ca muôn thuở. Chỉ xa xa nơi phía biển, hừng đông đang dần dần nhú lên làm ửng hồng cho cả một khoảng chân trời.

Từ phía dưới chân đèo, một vài ngôi nhà của người Raglai đã lên đèn, bếp đã được nhen lửa để chuẩn bị cho bữa cơm sáng. Mọi hoạt động của một ngày của người Thượng miền núi dường như được chuẩn bị từ bếp lửa. Tôi mường tượng đâu đấy là tiếng chó sủa, tiếng khua xoong, nồi…những cái âm thanh lanh canh mà từ lâu lắm rồi trong một xã hội hiện đại đã không còn được nghe.

Gió dường như không ủng hộ chúng tôi trong một buổi sáng như thế này, mây không tụ lại mà chỉ thành những tảng mỏng bay là là qua những ngọn đồi ở phía dưới. Anh bạn tôi an ủi: “Để hôm nào biển ít gió, tụi mình lại lên để chụp hình bảo đảm sẽ đẹp hơn”. Tôi không thấy phiền hà gì, dù mây không tụ lại để cho tôi có thể có những tấm ảnh đẹp, thế nhưng tôi cũng đã có được những thời khắc quý giá mà chưa bao giờ được cảm nhận, hoặc gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm xa xưa. Đó không phải là quá quý giá ư?

Mặt trời lên, ánh nắng chan hòa của buổi sáng làm biến đổi cảnh vật. Tôi nhìn thấy ngôi làng xa xa dưới chân đèo, những làn khói bếp từ phía các ngôi nhà bay lên nặng nề trong một buổi sáng đầy sương lạnh. Ánh sáng làm cho cảnh vật trở nên rõ ràng, tươi tắn.

Lúc mặt trời lên cũng là khi chúng tôi lục đục dọn dẹp hành trang để trở về với thành phố biển, tạm rời xa xứ núi sương mù.
Trở về Nha Trang thôi, tôi bỗng thèm một ly café bên phố biển ồn ào náo nhiệt. Dường như tôi có duyên chụp những cô gái với chiếc áo Bikini khoe những đường cong tuyệt mỹ hơn là chụp đèo Ô-mê-ga trong mây mù. Tự nhủ lòng vậy nhưng vẫn còn hẹn với anh bạn tôi sẽ quay lại Ô-mê-ga trong một ngày trời không gió.

NISAVA TRAVEL! – Theo Thanh Tú (Báo Trẻ), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *