(PNO) – Ngoài Bến Tre, Tam Quan nổi tiếng là nơi có nhiều dừa ở Việt Nam.
Chuyến du lịch miền Trung vừa rồi, chúng tôi không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những rừng dừa bạt ngàn mà còn được thưởng thức những món đặc sản từ dừa khi qua Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
1. Nước dừa:
Đang giữa trưa khô khát, chúng tôi dừng lại một quán nhỏ ven đường, nằm giữa rừng dừa xanh ngắt. Nghe khách gọi nước dừa, cô chủ quán cầm rựa phạt nhẹ, đưa tay đỡ một trái. Tôi băn khoăn : “Làm luôn hai trái đi em, một trái sao đủ?”. Cô gái cười lỏn lẻn: “Dạ. Mấy chị uống hết, em làm thêm !”.
Bằng những động tác thành thạo, với vài nhát dao, phần đầu trái dừa đứt rời. Cô chủ quán nghiêng trái dừa, đổ nước ra cái ca nhựa trắng khá lớn. Một lần nữa, tôi lại nhủ thầm trong bụng: “Ui trời, nhiu nước mà lấy cái ca bự vậy?”, hóa ra tôi nhầm. Khi cô dốc ngược trái dừa, cũng là lúc nước gần tới miệng ca. Rồi, cũng chỉ làm một nhát phạt nhẹ, quả dừa bị chẻ đôi, phơi ra phần cơm trắng ngần. Cô múc chỗ cơm dừa rất vừa nạo ấy, cho vào ca. Lấy 3 cái ly đầy đá, cô chủ quán đặt lên bàn trước mặt khách, mỉm cười hết sức dễ thương: “ Em mời các chị!”.
Nơi chúng tôi sống cũng có dừa. Nhưng muốn uống nước dừa ngọt thì phải chọn lọai dừa xiêm, trái nhỏ nhưng nước rất ngọt. Còn đây là trái dừa thường, to quả, nhiều nước, lại uống với đá như thế này…. Vì vậy, ở nơi khác người ta hay thêm muối hay đường vào. Còn ở đây, tôi không thấy cô chủ thêm gì, chắc là nhạt thếch?
Hóa ra tôi lại nhầm. Hớp một ngụm nước dừa, vị ngọt rất thanh, hơi tê đầu lưỡi, mát lạnh, uống đến đâu thấm đến đó. Nhấm nháp từng miếng cơm dừa trắng trong như thạch, ngọt và dẻo, ngon tuyệt! Thật là sảng khóai! Bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Giá mỗi trái dừa 15 ngàn. Tính ra, mỗi ly nước dừa chỉ 2.500đ. Ngon, rẻ và bổ. Theo các nhà khoa học, nước dừa vô trùng và nhiều vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người.
2. Nước mắm dừa
Trong bữa cơm trưa cô bạn quê Tam Quan đãi khách hôm đó, chúng tôi được nếm một món ăn lạ từ dừa: nước mắm dừa. Nghe cô nói, chúng tôi ngạc nhiên thật sự vì tưởng đây là loại nước mắm được chế biến từ cá bởi cũng có màu vàng, vị mặn và thơm ngon.
Giải đáp thắc mắc của khách, bạn kể Để làm ra mẻ nước mắm dừa thường rất nhọc công, mất thời gian. Để chế biến được từ 2 đến 4 lít mắm dừa phải mất một ngày và khoảng 20 lít nước dừa già.
Dừa già đươc chặt lấy nước, cho vào xoong nấu sôi. Sau đó chụm lửa riu riu, mở vung. Đun đến khi còn khoảng 2 lít thì nước dừa ngả màu vàng, lúc ấy cho muối vào vừa đủ mặn rồi đặt xuống, để nguội, cho vào chai. Vậy là có món nước mắm dừa. Sản phẩm nước mắm này để lâu mấy cũng không hư, lại có mùi vị thơm ngon đặc biệt nên được xem như một món đặc sản của xứ dừa.
Ngày nay, nước mắm dừa rất ít được chế biến rộng rãi. Đây là nước mắm má cô bạn chế biến, chỉ để làm quà hay đãi khách đặc biệt.
3. Bánh tráng nước dừa
Cũng như nhiều người khác khi qua Tam Quan, chúng tôi mua mấy ràng bánh tráng nước dừa về làm quà. Theo bà chủ hàng, làm bánh tráng nước dừa khá đơn giản. Gạo sau khi xay đem trộn với nước cốt trái dừa và cả xác dừa, thêm vào ít mè, tiêu hột, vài củ hành tím xắt lát thật mỏng, chút muối… đem tráng trên bếp trấu nóng. Khi bánh chín thì phơi nắng đến khô.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan to và dày nên phải nướng bằng lửa than mới dòn và ngon. Khi nướng bánh phải lật đều, nướng kỹ. Bánh gặp lửa, phồng lên, vàng ươm. Mùi hành phi quyện với mùi dừa, mùi mè, mùi tiêu …thơm nức, ăn no mà không ngán.
Theo Giao Thủy (Báo Phụ Nữ)
NISAVA TRAVEL!