(ĐSPL) – Với những bạn trẻ đã trót coi phượt như một niềm đam mê không giới hạn thì dịp nghỉ lễ dài chính là cơ hội vàng cho những chuyến đi xa. Trong số những địa danh sáng giá cho những chuyến phượt dài, phố núi Hà Giang là lựa chọn tuyệt vời hơn cả.
Mọi con đường đều dẫn đến Đồng Văn
Là một trong những mảnh đất địa đầu thiêng liêng nơi cực Bắc của tổ quốc, Hà Giang còn quá nhiều hoang sơ và bí ẩn để những bước chân bao đời nay cứ mải miết kiếm tìm. Không biết từ bao giờ, cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, chợ tình Khau Vai – Mèo Vạc… đã trở thành những cái tên “thần thánh”, những mục tiêu chinh phục hàng đầu của dân phượt không chỉ trong nước mà của cả du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Mấy ai không đem lòng ao ước dù chỉ một lần được tự hào đứng dưới bóng cờ tổ quốc tung bay phần phật trên đỉnh Lũng Cú, vượt gió, cưỡi mây trên đèo Mã Pì Lèng hay lạc bước giữa phiên chợ vùng cao Mèo Vạc đầy màu sắc…
Nhưng để có thể tận hưởng tất cả những hạnh phúc đó theo đúng cách trải nghiệm của dân phượt bằng cách lăn lóc từ ngày này sang ngày khác trên những chiếc xe máy lấm lem bụi đường là điều không hề đơn giản.
Một khi đã đến Hà Giang, người ta sẽ không dễ dàng bỏ qua bất cứ một địa danh nào bởi vẻ đẹp hoang sơ đầy bí ẩn, sự hùng vĩ đến mê hoặc không thể cưỡng lại của vùng đất kỳ lạ này. Chính vì thế, mỗi khi đến Hà Giang mọi người luôn cần rất nhiều thời gian để đi, thấy và cảm nhận. Nếu đi theo cách của dân phượt thì mỗi chuyến đi như vậy ít nhất cũng phải cần đến 5 ngày trở lên.
Chính vì thế, kỳ nghỉ kéo dài gần 1 tuần lễ trong dịp 30 – 4 và 1 – 5 tới là một cơ hội hiếm hoi để họ thực hiện giấc mơ cao nguyên đá của mình. Nhất là dân phượt ở các tỉnh phía Nam do sống ở nơi chủ yếu là đồng bằng nên luôn coi vùng núi phía Bắc là một đích đến quan trọng trong đời. Với họ, hai tiếng “Tây Bắc” luôn là “niềm mơ tưởng” khôn nguôi để trước mỗi kỳ nghỉ dài, tâm hồn lại xốn xang và đôi chân lại muốn dịch chuyển.
Theo Tuấn Zippo, một cái tên quen thuộc trong làng phượt với nhiều năm kinh nghiệm thì ngay từ đầu tháng 4, trên các trang mạng xã hội, nhất là các diễn dàn du lịch, dân phượt đã xôn xao bàn luận kế hoạch lên đường. Anh cho biết “Đối với dân phượt, họ có thể đi quanh năm suốt tháng, tận dụng tối đa những kỳ nghỉ cuối tuần để lang thang đây đó nhưng chỉ có thể đi những địa điểm không quá xa như Mộc Châu, Tam Đảo, Hòa Bình…
Riêng Hà Giang luôn khiến họ mê mẩn nhưng hiếm khi đủ thời gian để có thể đi đến nơi về đến chốn. Chính vì thế, họ sẽ không bỏ lỡ dịp nghỉ lễ 30 – 4, 1 – 5 rất có khả năng sẽ kéo dài gần 1 tuần lễ để “đặt gạch” một chỗ trong những đoàn phượt đến Hà Giang.
Càng gần ngày lễ, không khí chuẩn bị của các đoàn phượt càng trở nên tấp nập với số lượng lớn các bạn trẻ đăng ký trong các nhóm “thẳng tiến Hà Giang”, hướng về cao nguyên đá. Chỉ cần dành 10 phút lướt qua các diễn đàn cũng đủ để người ta thấy cái tên “Hà Giang” được nhắc đến nhiều như thế nào trong các chuyến đi của dân phượt trong dịp này.
Gian khổ nhưng vẫn vui
Hầu hết các đoàn phượt một khi đã đến Hà Giang đều muốn nghỉ lại một đêm ở phố cổ Đồng Văn để sáng hôm sau đi chợ Đồng Văn hoặc vượt Mã Pì Lèng thăm chợ Mèo Vạc. Trong khi đó, đây chỉ là một thị trấn nhỏ cho nên các nhà nghỉ, khách sạn thường xuyên ở trong tình trạng hết phòng.
Ông Nguyễn Quang Bình (Chi hội trưởng chi hội VHNT huyện Đồng Văn), người trực tiếp tham gia việc tổ chức, đón tiếp các đoàn khách đến Đồng Văn cho biết: “Ngay từ đầu tháng 4, tất cả các khác sạn, nhà nghỉ bình dân ở Đồng Văn đã kín hết chỗ do khách đặt trước cho dịp nghỉ lễ 30 – 4. Tính đến thời điểm này, lượng khách đăng ký qua điện thoại đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả những đoàn khách không đặt trước, số lượng có thể sẽ vượt xa con số 1000 người. Bởi vậy việc thiếu chỗ nghỉ cho khách trong dịp 30 – 4 sắp tới là điều rất khó tránh khỏi”.
Ông Bình cho biết thêm, ở Đồng Văn hiện có 3 khách sạn thì cả 3 đều đã được đăng ký hết. Các đối tượng ở khách sạn hầu hết là khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài thường rất khó tính trong việc ăn, ngủ. Giá phòng ở các khách sạn này thường dao động từ 300 – 400 nghìn/ngày tùy theo phòng to hay nhỏ. Ngoài các khách sạn trên, ở thị trấn còn khoảng 7 – 8 nhà nghỉ bình dân chủ yếu phục vụ cho dân phượt bởi nhóm đối tượng này tương đối dễ tính, có nhu cầu ăn ngủ đơn giản hơn. Tại các nhà nghỉ này, chủ nhà thường tính giá cho khách theo đầu người. Theo đó, giá tiền cho mỗi người sẽ ở trong khoảng 50 – 60 nghìn/ngày.
Trước việc lượng khách đến Đồng Văn ngày một đông, đặc biệt là dịp lễ 30 – 4 sắp tới, lãnh đạo thị trấn đã khuyến khích huy động một số nhà dân trong khu phố cổ tham gia việc đón khách. Nhờ đó, các đoàn phượt đông người hoặc khách phương xa không tìm được chỗ dừng chân có thể đến nghỉ tạm ở các nhà dân, sinh hoạt cùng gia đình chủ nhà với một khoản chi phí rất nhỏ.
Tuy điều kiện sinh hoạt ở đây chắc chắn sẽ rất bất tiện, thiếu thốn nhưng đối với những người chậm chân, tìm được một chỗ nghỉ giữa phố thị Đồng Văn vào dịp lễ đã là quá may mắn đối với họ. Theo lời kể của ông Bình, chuyện khách phương xa đến Đồng Văn không tìm được chỗ nghỉ, phải ngủ ngoài trời không phải là chuyện hiếm. Nhưng đối với một số người, nhất là dân phượt mạo hiểm, đó lại là một trong những thú vui mỗi khi đặt chân đến thị trấn nằm cheo leo giữa lưng chừng trời này.
Chị Nguyễn Thị Minh (nhân viên maketing, công ty thiết bị điện ABB), một người trẻ mê phượt vừa trở về từ Đồng Văn cho biết, chưa từng thấy ở đâu đông đúc như ở thị trấn này. Tất nhiên, sự đông đúc ấy chủ yếu được tạo nên bởi khách du lịch và dân phượt từ các nơi đổ về. Biết trước khả năng sẽ phải chen chúc nhau ở Đồng Văn khi hàng nghìn người từ các nơi đổ về trong dịp lễ nên nhóm chị đã tổ chức đi trước vài ngày.
Vì đường khó đi nên đoàn đến Đồng Văn khá muộn. Mặc dù đã đi gõ cửa tất cả các khách sạn, nhà nghỉ trong thị trấn nhưng không một nơi nào còn chỗ. Đói, khát, mệt nhưng lo không có chỗ nghỉ qua đêm nên cả đoàn nháo nhác chia nhau đi tìm.
Cuối cùng, họ cũng xin được chỗ nghỉ tạm cho cả đoàn 6 người ở một cửa hàng ăn ngay trung tâm thị trấn, cạnh quán cafe Phố Cổ. Đêm hôm ấy, cả đoàn phải đi ngủ với bộ dạng nguyên xi bụi đường không được tắm rửa vì không có nước. Cánh đàn ông được ngủ cùng mấy anh chủ quán trên gác xép còn phụ nữ thì ngủ dưới bếp cùng cô giúp việc. Góc bếp ẩm ướt, sộc lên toàn mùi phân gián, phân chuột hôi rình khiến các chị dù mệt phờ sau một ngày trèo đèo, leo dốc nhưng vẫn không sao ngủ được.
Trong khi đó, cô bé giúp việc vừa đặt lưng xuống đã ngáy như kéo gỗ giữa những chậu bát đũa bẩn đầy có ngọn đang được lũ gián bu đen kịt. Cánh đàn ông trên gác xép có vẻ như cũng không được ngon giấc. Nhưng cả đoàn vẫn thấy vô cùng vui vẻ vì được ngắm vẻ đẹp lung linh đêm phố cổ dưới ánh đèn lồng và có những kỷ niệm thú vị không thể nào quên.
Không chỉ việc ngủ nghỉ mà ngay cả việc ăn uống nhiều khi cũng không đủ phục vụ cho nhu cầu của một lượng khách quá lớn. Nhiều đoàn vừa phải ngủ ngoài đường vì không tìm được chỗ nghỉ, vừa phải ăn qua quít mấy món đồ khô mang theo hoặc mua trong những quán cóc bên đường. Ngay cả khi đã tìm được cho mình một chỗ nghỉ trong nhà dân, nhiều người cũng chỉ có thể ăn mì tôm qua bữa vì chỉ cần chậm chân một chút các quán sẽ bán hết đồ ăn và sẽ không còn gì để phục vụ khách cho đến sáng hôm sau.
Chuyện tắm rửa ở Đồng Văn dường như luôn được hạn chế tối đa vì nước ở thị trấn vùng cao này vô cùng khan hiếm nhất là trong những tháng mùa khô. Bởi vậy, một khi đã phượt Đồng Văn, hầu hết đều phải thích nghi với việc… ở bẩn. Chỉ một số chị em phụ nữ nằm trong diện ưu tiên mới được chủ nhà dành cho nước tắm. Do ở đây ít người có khái niệm nhà tắm cho nên họ sẽ được tắm tiên trong sự che chắn của màn đêm và sự canh gác của những người phụ nữ trong nhà.
Theo Dương Dung (Đời Sống Pháp Luật)
NISAVA TRAVEL!