(TT.VN) – Với sự hiểu rõ và khai thác tối đa khả năng của camera điện thoại, cho phép người dùng có những khung ảnh ấn tượng.
< Hãy lau sạch camera trước khi chụp.
Camera điện thoại là công cụ chụp ảnh linh hoạt tiện dụng. Camera điện thoại cũng có những giới hạn nhất định và chúng vẫn không thể thay thế một chiếc máy ảnh đúng nghĩa. Nhưng, với sự cố gắng của người chụp, hiểu rõ và khai thác tối đa khả năng của nó, sẽ cho phép bạn có những khung ảnh ấn tượng. Một trong những điều đơn giản nhất khi bấm chụp tấm ảnh bằng điện thoại, đó là…
1. Lau sạch camera trước khi chụp
Camera điện thoại khá nhỏ, không có nắp đậy, chúng ta thường bỏ túi và sử dụng rất nhiều lần trong ngày, nên bụi thường bám trên bề mặt camera. Trước khi chụp hình, bạn nên lau nhẹ bằng vải mềm để lớp kính bảo vệ camera sạch sẽ, ảnh sẽ trong và rõ nét hơn.
2. Lấy nét
Bạn phải lấy nét trước khi chụp. Không ít người giơ điện thoại lên và bấm ngay nút chụp. Sau đó, xem lại bức ảnh và “Oh! máy chụp mờ mờ nhỉ!”. Bạn phải lấy nét trước khi chụp, dù đó là thiết bị chụp ảnh nào, bất kể điện thoại nào. Nếu bạn cứ khoán hết cho “sự thông minh” của điện thoại, đôi lúc nó tự vận hành lấy nét rất chậm (với một số dòng điện thoại) hoặc đôi lúc nó không tự thực hiện đúng ý muốn của bạn.
Có hai loại lấy nét trên điện thoại:
Một số dòng máy như Lumia, BlackBerry… có nút chụp cứng riêng biệt, bấm 1/2 nút để lấy nét trước khi bấm chụp. Các máy có nút chụp cứng riêng thế này thuận tiện rất nhiều trong một số trường hợp phải cầm 1 tay chụp.
Một số dòng điện thoại khác không có nút chụp cứng, như iPhone chẳng hạn, bạn hãy chạp vào một điểm trên màn hình mà bạn muốn để lấy nét trước khi chạm nút chụp. Các máy này đều có nút chụp bằng nút tăng giảm âm lượng và chỉ bấm chụp mà không có chức năng lấy nét nên vẫn phải chờ máy lấy nét tự động hoặc lấy nét bằng cách chạm vào màn hình. Nếu nút âm lượng gần camera thì chú ý ngón tay bấm dễ che mất một góc của khung hình. NISAVA
Đôi khi, bạn muốn khoá điểm lấy nét, tức là ảnh sẽ nét tại chủ thể đó khi bạn đưa máy qua lại một chút để bố cục lại khung hình mà máy không tự động lấy lại điểm nét. Cả hai cách lấy nét, bạn đều bấm giữ hoặc chạm điểm nét trên màn hình và giữ cho đến khi ô vuông lấy nét màu vàng xuất hiện chữ AE/AF LOCK. Để huỷ điểm khoá nét, bạn chạm vào điểm khác trong màn hình.
3. Ổn định camera
Cầm điện thoại đủ vững để ảnh chụp được nét. Điện thoại càng dao động nhiều thì nguy cơ ảnh mờ nhoè càng nhiều. Thường thường, máy ảnh sẽ bị tác rộng rung nhiều nhất khi bạn bấm nút chụp. Nếu là nút cứng, người mới chụp sẽ bấm mạnh tay và ấn luôn cả một bên điện thoại xuống; nếu là nút chụp mềm, thì động tác chạm dễ tạo ra tác động rung lắc máy.
Có một số dòng camera điện thoại có trang bị hệ thống ổn định hình ảnh, giữ cho bức ảnh sắc nét hơn. Nhưng, một số dòng khác không có hệ thống này, nên người chụp phải cố gắng giữ cho máy ít bị dao động nhất khi thao tác chụp.
4. Bố cục theo tỷ lệ 1/3
Khi đưa máy điện thoại lên, bạn sẽ phản xạ chọn khung ảnh theo bố cục phù hợp, để đối tượng cần chụp được nổi bật hoặc ấn tượng. Bước sơ khởi cho những người mới vẫn là tuân theo “Bố cục theo tỷ lệ vàng 1/3”. Khung ảnh được chia thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. Khi quen dần, điều này sẽ gần như trở thành thói quen khi mắt bạn đưa vào khung ngắm và lúc đó mới nghĩ đến các kiểu phá bố cục.
Nên bật tính năng Grid On. Hầu hết các điện thoại đều có chế độ bật lưới Grid để dễ cân chỉnh bố cục và tránh khung ảnh bị nghiêng lệch theo chiều ngang hoặc chiều đứng.
Với ảnh phong cảnh, Grid này giúp bạn hạn chế chụp bức ảnh có đường chân trời bị nghiêng lệch. Đường chân trời là đường chia khung ảnh thành 2 phần theo tỷ lệ 1/3 hoặc 2/3.
5. Dịch chuyển máy ảnh lại gần hơn
Dịch chuyển vị trí đứng để thay đổi góc nhìn sự vật. Nếu có thể, sau khi bấm chụp một khung ảnh, bạn tiếp tục dịch chuyển thay đổi vị trí đang đứng, bạn sẽ có thêm khung ảnh rất khác. Ống kính của camera điện thoại luôn cố định một góc nhìn và thường là khá rộng. Nên chụp ảnh bằng điện thoại, việc thay đổi vị trí chụp sự vật càng phải nhiều hơn.
6. Thay đổi góc nhìn
Các góc cạnh của vật thể đều có sức hấp dẫn riêng cho khung ảnh. Khi tập trung vào một sự vật, bạn có thể cắt bỏ không lấy những thành phần khác nhau để chuyển tải ý tưởng khác nhau.
7. Hướng sáng
Có 2 loại nguồn sáng: thiên nhiên và nhân tạo. Nguồn sáng thiên nhiên chủ yếu là ánh sáng mặt trời; nguồn sáng nhân tạo là các loại ánh sáng do con người tạo ra như các loại đèn điện chẳng hạn.
Khi có nguồn sáng rồi, xác định và chọn hướng sáng chiếu trực tiếp hoặc phản chiếu đến chủ đề chụp là quan trọng. Ánh sáng đi theo đường thẳng và vật thể sẽ phản chiếu ánh sáng đó để máy ảnh ghi hình. Đó có thể là hướng thuận hoặc ngược với chiều ống kính, có thể là nghiêng một góc bên trái hoặc phải, có thể là chênh trước hoặc sau, có thể là trên thẳng xuống như mặt trời giờ ngọ hoặc hất dưới lên. Mỗi hướng sáng đều tạo nên sự diễn tả sự ấn tượng về vật thể khác nhau khi bạn chụp hình nó.
Với điện thoại, thông thường chụp thuận sáng (nguồn sáng chiều từ sau lưng người chụp đến đối tượng trước ống kính) sẽ có ảnh no màu và chi tiết tốt; một số máy chụp ngược sáng tốt và môt số điện thoại không nên chụp ngược, ảnh sẽ không dùng được. Bạn phải biết rõ thiết bị của mình có khả năng chụp chênh sáng, lệch sáng, ngược sáng không.
8. Chỉnh sửa hậu kỳ
Camera điện thoại nào cũng tích hợp sẵn một ứng dụng chỉnh sửa ảnh sau khi chụp. Hầu hết ứng dụng này rất đơn giản và trực quan. Đó là những công cụ giúp bạn cắt cúp (crop) lại khung ảnh cho phù hợp với ý mình hơn, là công cụ tăng giảm lượng sáng 1 chút, độ tương phản ảnh hoặc độ sắc nét 1 chút, hoặc một số hiệu ứng giả lập màu.
Nếu bạn không thích ứng dụng cắt cup chỉnh sửa ảnh mặc định của máy, tùy theo mức độ và loại điện thoại mà bạn có thể cài đặt thêm các công cụ chỉnh sửa đơn giản đến phức tạp khác. Các ứng dụng chỉnh sửa cài đặt mình ưa thích: Trên Windows Phone: Có Fotor và Photo Express. Trên các máy chạy Android, cá nhân mình luôn thích Snapseed.
Và…
Bất kỳ ai, muốn tạo được những bức ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo thì phải dám vứt bỏ mọi “tiêu chuẩn” hàn lâm, từ chương, lý thuyết. Cách thể hiện ý đồ chụp ảnh sao cho hiệu quả phụ thuộc vào khả năng xử lý kỹ thuật của người cầm máy. Nhưng không nên cường điệu giá trị của kỹ thuật quá phạm vi của nó. Kỹ thuật chỉ là một bước trong cả quá trình sáng tạo. Đi tìm nghệ thuật trong sự hoàn hảo của kỹ thuật là một sai lầm buồn và lún sâu vào các “tiêu chuẩn”.
Theo Tuan_lionsg (Tinh Tế)
NISAVA TRAVEL!