(TQĐT) – Thăm vườn lan của gia đình anh Lưu Quang Hích, thôn Bản Mèo, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa), trước mắt chúng tôi là cả một “rừng” lan các loài đang đua nhau tỏa hương, khoe sắc. Đó là thành quả 20 năm anh mải mê đi từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, tìm trên những vách đá cheo leo quanh năm mây mù bao phủ để tìm kiếm các giống lan quý hiếm… Bởi vậy, người ta đặt cho anh biệt danh “vua lan” ở xứ này cũng chẳng sai.

Đi tìm hoa núi

Dẫn chúng tôi thăm vườn lan đang nở hoa, khoe sắc, anh Hích chia sẻ, để có được vườn lan như thế này là những lần trèo đèo, lội suối đến nơi rừng sâu, núi thẳm đấy các anh ạ! Khó khăn là vậy, nhưng mỗi lần tìm được khóm lan quý, thì mọi mệt nhọc dường như đều tan biến. Gần 20 năm đi rừng kiếm lan, cũng nhiều lần bị ngã, bị lá han đánh, muỗi đốt, vắt cắn… nhưng cũng có biết bao kỷ niệm đáng nhớ.

Anh kể: Tôi vẫn nhớ mãi cái lần đi tìm lan ở khu vực huyện Lâm Bình, lang thang trong khu rừng già, thấy khóm lan đuôi cáo hoa vàng rực rỡ, tỏa hương thơm ngát lơ lửng trên ngọn cây cao 10 m. Hì hục leo trèo, cuối cùng khóm lan cũng nằm gọn trong tay. Thế nhưng lúc xuống, chẳng may tôi bị trượt chân ngã, sợ lan bị dập cố giữ nên lộn mấy vòng. Kết quả là bị bong gân, phải nghỉ đi rừng mất hơn 1 tháng. Sau lần đó, tôi cẩn thận hơn trong mỗi lần đi rừng tìm kiếm phong lan.

Mỗi loại phong lan thường mọc ở một khu vực nhất định. Lan đuôi cáo, phi điệp, da báo… mọc ở những khu rừng già, nơi có khí hậu mát mẻ trong lành thuộc huyện Lâm Bình, Nà Hang, Chiêm Hóa. Còn những giống lan như: Hài, tai trâu, thủy tiên… anh lấy ở tận trên vùng biên cương Mèo Vạc (Hà Giang). Để có được vườn lan phong phú và đa dạng đòi hỏi người chơi lan phải kiên trì tìm kiếm ở nhiều nơi thì mới có được nhiều giống lan quý. Với kinh nghiệm nhiều năm lên rừng tìm lan, theo anh Hích, người đi rừng sợ nhất là gặp những cơn mưa rừng. Có lần đi rừng tìm lan, gặp phải cơn mưa rào, dù anh đã chuẩn bị đầy đủ bạt và đồ dùng để dựng lều nhưng do mưa to quá, địa hình lại dốc, dựng lều lên mà gió cứ thổi, nước tràn vào đe dọa cuốn phăng cái lều nhỏ. Anh sợ không an toàn đành phải dỡ lều đội mưa tìm kiếm hang đá trú qua đêm.

– Vậy là, kiếm lan rừng cũng nhiều hiểm nguy quá, anh nhỉ?

Nghe tôi nói vậy anh cười vui vẻ: – Nhiều người bảo tôi là thích ăn hang, ở lỗ nhưng tôi thấy rất thú vị, nhất là mỗi lần đi rừng được sở hữu các khóm lan quý thì những vất vả đó có đáng kể gì.

Anh Hích cho biết, nhiều khi đi cả tuần cũng không kiếm được khóm lan nào, về nhà nhìn vợ con đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng cũng thấy chạnh lòng. Đã có lúc anh nghĩ: “Hay mình từ bỏ thú chơi lan, từ bỏ khát vọng xây dựng vườn lan?”. Thế nhưng, niềm say mê đã nhận được sự chia sẻ, động viên của vợ: “Vạn sự khởi đầu đều gian nan, ông cứ làm những gì ông thích, mẹ con tôi luôn ủng hộ”, đã tiếp “lửa” cho anh quyết tâm phải gây dựng bằng được một vườn lan bậc nhất nơi này.

Thành quả của đam mê

Từ niềm yêu lan tha thiết, anh Hích quyết tâm xây dựng vườn lan tại nhà để có điều kiện bảo vệ, chăm sóc và nhân ra những giống lan quý hiếm. Năm 2003, anh đầu tư mua lưới chắn, quyết sẽ gắn bó với nghề trồng lan để vừa thỏa nỗi đam mê, vừa phát triển kinh tế. Thấy vậy, nhiều người cho anh là rỗi hơi, là “chở củi về rừng”… Bỏ qua những lời bàn tán, ngày ngày anh dậy sớm, chăm bẵm những khóm lan mới trồng. Tuy nhiên, loài hoa “uống nước lã hít khí trời” này đôi khi cũng khó tính, đòi hỏi người trồng không những chịu khó chăm sóc mà còn phải có kinh nghiệm và sự hiểu biết đặc tính của từng loại phong lan.

Anh vẫn nhớ cái đận tháng 5 năm 2009 trời đổ mưa, những cây phong lan đang xanh tốt bỗng dưng bị thối ruột, chết đồng loạt vài chục khóm. Ngược xuôi khắp nơi hỏi bạn chơi lan, đọc sách, báo để tìm ra nguyên nhân cây chết, mới biết phong lan thối ruột do mưa axít. Từ đận ấy, anh thường xuyên dậy sớm, vuốt nhẹ lên những lá lan để kiểm tra hạt sương trên lá có gây bệnh cho lan không. Nếu phát hiện sương muối, hoặc mưa axít là phải tưới thật nhiều nước để rửa những hạt mưa axít còn đọng trên lá.

“Trăm nghe không bằng một thấy” – với phương châm ấy, anh luôn tích cực tìm đọc sách, báo nắm bắt đặc tính của từng loại lan, đồng thời trao đổi, học hỏi bạn bè yêu lan trong tỉnh, thậm chí xuống tận Hà Nội đến những nơi trồng lan rừng để được nhìn tận mắt cách làm nhằm rút kinh nghiệm trong cách nhân giống và chăm sóc phong lan tại vườn nhà. Anh bảo, nhiều “đại gia” lan ở Hà Nội cũng khó tính lắm. Để được ngắm vườn lan của họ, đôi khi mình phải đóng giả là người mua hoặc đi học việc để nắm bắt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách tạo dáng…

Anh Hích chia sẻ: Khi đã chơi phong lan và càng đi sâu tìm hiểu thì càng thấy thích thú và đam mê. Bởi loài hoa này sống giản dị, ẩn mình trong các tán lá, vươn cành nở hoa rực rỡ như các cô gái vùng sơn cước. Lan rừng không giống như lan công nghiệp, chăm sóc đúng kỹ thuật là ra hoa liên tục, màu sắc rực rỡ, lâu tàn nhưng lại không có hương thơm, ngắm một lúc sẽ thấy chán, vô hồn giống như cây nhựa. Chăm sóc lan rừng tuy khó hơn lan công nghiệp nhưng nếu yêu hoa, chịu khó tìm hiểu về phương thức sống của hoa thì sẽ trồng được.

Chỉ tay về phía những khóm lan xanh tốt, anh nói giọng hồ hởi: Mỗi loại lan lại có những nét đẹp riêng, như lan đuôi cáo hay còn gọi là bạch vĩ hổ là loại lan rất đẹp, nở hoa vào mùa hè, mọc từng chùm buông thõng xuống, có khi dài tới 40 – 50 cm, màu sắc từ hồng, tím, nâu, vàng, hương thơm dễ chịu; lan hương valy thơm man mác, ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh; lan hài gồm các loại hài mốc cho hoa màu hồng, hài hằng cho hoa màu xanh, hài vân hoa màu tím kẻ, nở được lâu nên được người chơi lan ưa chuộng…

Giờ đây, vườn lan của anh đã bước đầu tạo được thương hiệu với khách chơi lan trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách ở Hà Nội cũng đã tìm đến vườn lan của anh để chiêm ngưỡng và mua. Có khách chỉ mua một vài giò để chơi nhưng cũng có những khách mua tới vài chục triệu đồng. Năm ngoái, khách dưới Phú Thọ lên mua một lúc 20 triệu đồng… Giá tiền mỗi giò lan cũng khác nhau, phụ thuộc vào giò to, nhỏ và tùy thuộc vào từng loại lan. Nhưng trung bình giò nhỏ nhất có giá từ 150.000-200.000 đồng, loại đắt từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng… Hiện nay, từ trồng lan, trung bình mỗi tháng cho anh thu nhập khoảng 5 – 7 triệu đồng.

20 năm làm bạn với lan rừng, tình yêu và sự đam mê của anh giờ đây đã được đắp đổi bằng vườn lan rộng hơn 200 m2, trên 500 giò lan với trên 60 loài khác nhau, quanh năm đua sắc tỏa hương. Một tài sản lớn mà không phải ông chủ lan nào ở xứ này có được.

Theo Tô Dương (báo Tuyên Quang)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *