(VTC) – Quán Hàu nổi tiếng với những con hàu ngọt lịm, béo ngậy đang dần biến mất, thay vào đó là những con hàu Huế để lấp đầy khoảng trống ẩm thực…

Từ lâu vùng đất này đã nổi danh với nhiều món ăn được chế biến từ con hàu lấy từ sông Nhật Lệ. Điều đặc biệt, cũng trên con sông này nhưng hàu ở những khúc sông khác không nhiều và không thể ngon bằng hàu ở đoạn qua thị trấn này.
Từ thành phố Đồng Hới đi ngược vào Nam chừng 10 km, chỉ khoảng 15 phút sau là chúng tôi có mặt tại Quán Hàu. Quán Hàu là làng thuộc đất Văn La, một làng văn hóa cổ nằm trong “Bát danh hương” của Quảng Bình. Nơi đây được gọi là thôn Phú Bình, nay là Tiểu khu 3, thị trấn Quán Hàu. Người dân nơi đây đã sinh sống với nghề lặn sông tìm hàu. Đời cha rồi đời con, lặn hàu trở thành nghề truyền thống của địa phương.

Đến Quán Hàu, chúng tôi rẽ vào đường nguyên thể ngày xưa là đường đi vào phà Quán Hàu, tuyến đường này ngày xưa là khu vực đắt đỏ, nhộn nhịp hàng quán, làm ăn phát đạt lắm vì khi ấy phà Quán Hàu đang còn hoạt động. Vừa chạy xe vào tuyến đường này chừng 500m, chúng tôi đã thoáng thấy trước mắt thấp thoáng những nhóm người ngồi tách hàu tại chỗ.  “Mua đi chú, hàu ngon và tươi lắm, chồng tui mới đi lặn về sáng nay đó…”

< Những con hàu ngọt lịm, béo ngậy được lấy từ dòng sông nơi đây.

Ngồi nghe kể chuyện tách Hàu …

Địa danh Quán Hàu có từ xửa từ xưa, lâu lắm rồi không ai còn nhớ, có nhẽ từ khi người ta thấy ở đây rất nhiều hàu, và nghề tách hàu cũng bắt đầu từ đó.

Dừng tay lại lau mồ hôi trên vầng trán vẫn còn in hình của đôi găng không còn nguyên vẹn được đeo vào cho khỏi rách tay, chị Lành nhanh nhảu: “mấy chú lấy tui lấy rẻ cho, 60 nghìn một ký nha, tui cạy khi sáng đến giờ mới được từng này đó”. Ba mẹ con cùng ngồi tách hàu, chị Lành cho biết, chồng con chị đi lặn bắt hàu rất cực khổ, chị ngồi tách như vậy cũng cực không kém. Nhìn đôi găng tay đã rách nát chắc vì được sử dụng quá lâu, chúng tôi hỏi: “thế có bao giờ chị cạy… vào tay chưa?” – Chị và cả nhóm cùng cười “chuyện đó như cơm bữa, nhưng lâu rồi cũng quen, cực khổ quen rồi, như vậy có đáng là bao”. Các chị cho biết nếu không cẩn thận là thanh sắt nhọn hoắt sẽ đâm vào tay – “đã có lần tui suýt mất ngón tay rồi đó chú”.

Tôi nhìn ngọn dao nhọn hoắt, sắc lẹm, cán dao dài gấp đôi thanh sắt đầu dao để tỳ vào khuỷu tay cho có lực khi tách. Đeo đôi găng tay bảo vệ, các chị thoăn thoắt lách mũi dao vào khe hàu tách từng con hàu ra khỏi vỏ và bỏ chúng vào chậu nước bên cạnh. Thân hàu xù xì và sắc lạnh như dao lam, nếu không có tất tay bảo hộ thì chỉ cần chạm khẽ vào nó thôi là máu tay sẽ túa ra ngay.

< Hình ảnh những tốp người ngồi tách hàu để bán là hình ảnh quen thuộc nơi này.

Sau khi tách ra, vất vỏ là sẽ lấy được hàu nhân. Nhân hàu trắng đục, căng tròn. Nghĩ đến việc ăn bát cháo hàu, đưa thìa cháo vào miệng, răng khẽ chạm vào nhân hàu và cảm nhận một tiếng vỡ bục thật khẽ, vị thơm ngậy cứ lẩn quất mãi trong vòm miệng mà chúng tôi cứ nuốt nước miếng ừng ực…
Các chị cho biết, cứ khoảng 15-20 kg hàu vỏ mới tách được 1kg hàu nhân. “Lấy cho mấy chú 60 nghìn 1 kg, cách đây mấy năm mỗi kg hàu có giá khoảng 25 – 30 ngàn đồng chứ bây giờ giá cả lên cao quá nên giá mới như vậy – chị Lành giải thích. NISAVA

Theo tìm hiểu, mỗi ngày mỗi người tách được khoảng 2 kg nhân hàu, mỗi kg hàu hiện tại được nhập cho thương lái hay nhập cho các quán với giá từ 50-55 ngàn một kg. “Mấy chú về có thể chế biến nhiều món ngon khác nhau như nấu cháo gạo, xào với hành kẹp bánh tráng ăn hoặc nấu canh chua, canh rau. Mấy chú nhớ xào um sẵn với gia vị như hành, ớt, tiêu cùng một ít muối, bột ngọt đủ vừa thấm nha” – chị Lành vui vẻ nói vọng theo.

Gian khổ cùng … Hàu

Ra sát bờ sông, chúng tôi nhìn thấy cù lao giữa sông, được gọi nó là Cồn Hàu. Sông Nhật Lệ uốn mình chảy từ nguồn về đến địa phận Quán Hàu thì rẽ đôi tạo thành Cồn Hàu. Khi xưa nơi đây là nơi giao thương của những người buôn bán tấp nập đến từ Đồng Hới và các vùng lân cận. Thấp thoáng bến phải là cầu Quán Hàu, thay thế cho phà Quán Hàu xưa.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An ở thế kỷ 16, quyển 2 có viết về sản vật đã có nói đến đặc sản hàu. Ngót 500 năm, người dân vùng này đã nương tựa vào hàu để tồn tại và sống. Cứ thế, cha truyền con nối, nghề lặn hàu còn giữ mãi cho đến tận bây giờ.

Hàu chủ yếu sống vùng nước lợ, chúng bám chặt, sinh sôi trên những bãi đá rộng lớn và các chân trụ cầu cũ nát, và vì vậy miếng cơm manh áo, cuộc sống của người dân nơi đây từ xưa đều trông chờ vào đoạn sông Nhật Lệ này. Theo thống kê, cả vùng có khoảng 25-30 nhà chuyên lặn để bắt hàu.

Trên bờ sông, ngồi sát bờ là những nhóm người đợi hàu vớt lên được là ngồi tách tại chỗ, ngồi đợi những rổ hàu được chuyển lên bờ. Lân la hỏi chuyện, chúng tôi mới thấm thía được những con người lao động, gian khổ cùng hàu. Vật dụng không thể thiếu của thợ lặn hàu là một thanh sắt chừng 50 phân, một đầu uốn cong và đánh bẹt mũi. Đó là dụng cụ dùng để cạy hàu và móc neo người để nghỉ lấy sức bên mạn thuyền hoặc bên mố trụ cầu.

< Hàu được lấy lên từ đáy sông.

Mặc cho mùa hè bỏng rát, hay mùa đông giá rét cắt da, người dân vùng đất này vẫn gồng mình lặn xuống đáy sông để bắt hàu mưu sinh. Tuy nhiên lặn hàu cũng phải có giờ và phụ thuộc vào thiên nhiên, lặn bắt hàu phải tránh lúc thủy triều lên, nhưng cũng đừng để thủy triều xuống hẳn. Nếu thủy triều lên thì nước sẽ rất xiết, lặn sẽ nguy hiểm. Mỗi thợ lặn hàu trước khi xuống nước tay đều phải đeo găng, tay cầm dụng cụ để cạy hàu và đeo kính lặn, dụng cụ đơn giản là chỉ có vậy.

Cuộc sống mưu sinh của những con người nơi đây bắt đầu từ dòng nước xanh ngắt, lạnh lẽo. Các thợ lặn lão làng ở đây cho biết, phải lặn  ở độ sâu khoảng 3 sải (mỗi sải là 1,5m) mới bắt được hàu. Cứ 1-2 phút tìm hàu, họ lại ngoi lên thở và neo người bên mố trụ cầu nghỉ chừng dăm phút. Mỗi lần lặn như vậy, người nhiều thì được 50-70 kg, người ít thì 30-40 kg hàu vỏ. “Đó là xưa thôi, chú bữa nay hàu ít, không được bao nhiêu” – Anh Hùng vừa cầm bao hàu vừa được vớt lên cười nói.

Đi dọc con sông, chúng tôi thấy la liệt vỏ hàu, Hàu được đem bán để trang trải đời sống thường ngày, còn vỏ hàu chúng tôi lại được biết người dân dùng trộn với xi măng, cát trắng để làm nhà. Theo người dân ở nơi đây cho biết, những năm nay lượng hàu ở nơi đây giảm hẳn. Vì vậy chuyện thực khách về Quán Hàu để được thưởng thức vị ngon ngọt của con Hàu nơi đây mà phải ăn … hàu Huế (tức là con hàu bắt ở trong Huế đem ra) là chuyện không phải hiếm.

< Hàu được tách và bán dọc đường tại Quán Hàu, nhưng trong đó hàu… Huế chiếm số lượng không ít.

Chị Hoa – chuyên ngồi cạy hàu bán ở bên đường ra bến phà cũ thành thật cho biết: “Hàu Quán Hàu không có mô, năm nay mất mùa không ai đi bắt cả nên bọn tui đành phải lấy hàu Huế ra bán”. Ông Đoàn Xảo (thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) chuyên làm nghề lặn hàu buồn bã cho biết trước đây vào mỗi vụ hàu, 2 vợ chồng ông cũng kiếm được 30 triệu đồng. Vậy nhưng năm nay thì thì cố gắng mãi vẫn không lặn ra hàu mà bán.

Theo người dân nơi đây, bây giờ muốn có hàu thì chỉ có cách lặn hàu bằng máy. Tuy nhiên theo ông Võ Văn Đống (ở thôn Phú  Bình, thị trấn Quán Hàu) cho biết thì hiện cả huyện chỉ có 3 người làm nghề lặn hàu bằng máy như ông. Tuy nhiên theo ông Đống thì hiện chỉ có quanh khu vực chân cầu Nhật Lệ là còn có hàu, lượng hàu gần như đã cạn kiệt.

Chính vì vậy, nghề lặn hàu đã khổ, nay lượng hàu gần như cạn kiệt. Địa danh Quán Hàu xưa vốn nổi tiếng với nhưng con hàu ngọt lịm, béo ngậy khiến du khách một lần được thưởng thức là không thể nào quên nay lại đang bị mất dần đi bản chất thực của nó. Cũng có lẽ vì vậy mà khi chúng ta đến Quán hàu để ăn hàu mà lại ăn hàu Huế cũng là điều không quá xa lạ …

Theo Tâm Huyền (VTC New)
NISAVA TRAVEL!

Ăn cháo hàu ở Quán Hàu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *