(VNN) – Sau ‘sự ra đi không trở lại’ của pho tượng Lê Lợi ở bùng binh Cây Gõ vào tháng 4/2013, sắp tới đây tượng Trần Nguyên Hãn – một bộ tướng của ông – cũng sẽ ra đi nhường lại vị trí trước chợ Bến Thành để thi công công trình nhà ga tàu điệm ngầm.
Nuối tiếc
Như vậy, sau nửa thế kỷ trơ gan cùng tuế nguyệt, thời gian di dời tượng tướng quân Trần Nguyên Hãn đến nay chỉ còn tính bằng giờ. Điều này khiến người Sài Gòn phải ngậm ngùi chia tay một hình ảnh quen thuộc đầy ắp kỷ niệm…
Tượng Trần Nguyên Hãn cùng nhiều pho tượng khác được đặt trên các bùng binh trong thành phố vào những năm cuối thập niên 1960.
< Ảnh xưa.
Từ đó đến nay, nói về Sài gòn không ai quên được hình ảnh một An Dương Vương cầm nỏ thần đứng trên cao chót vót, một Phù Đổng Thiên Vương mới 3 tuổi đã nhổ cây tre cưỡi ngựa sắt khạc ra đốm lửa, một Phan Đình Phùng mộc mạc chân quê cầm súng đánh quân Pháp xâm lược. Những hình ảnh đó luôn đi sâu vào tâm trí người Sài Gòn…
Sáng 30/7, chúng tôi rảo một vòng quanh bùng binh chợ Bến Thành. Một người phụ nữ trung niên tay cầm máy ảnh, đang cố chụp lại những hình ảnh của pho tượng. Chị nhìn vào pho tượng như muốn ghi đậm vào trí nhớ hình ảnh quen thuộc này. Chị đang là giáo viên Sử của một trường trung học cấp 2, ở quận 10.
“Người Sài Gòn đã một lần ‘chia tay’ với bức tượng Lê Lợi, người anh hùng áo vải 10 năm nằm gai nếm mật chống lại quân Minh. Nhìn pho tượng một tay phất cờ, một tay giương cao thanh kiếm đã từng làm tôi nhớ lại những chiến công hiển hách như vây hãm Vương Thông, chém Liễu Thăng ở ải Chi Lăng và một trận làm kinh hồn quân Minh ở Đông Bộ Đầu do tướng Trần Nguyên Hãn cầm quân…giờ đây sắp lùi vào dĩ vãng” – chị nói.
< Tượng tướng quân Trần Nguyên Hãn.
Thao thao như gặp tri âm, chị nói mà không cần tôi trả lời: “Anh có biết tượng Trần Nguyên Hãn với áo giáp sắt phi ngựa giữa sa trường trên tay có con chim bồ câu là lấy từ câu chuyện nào không ?”. Tôi ngớ người ra, chị nói tiếp: “Đó là chuyện ông bị vây hãm tại thành Võ Ninh. Nhờ có con chim bồ câu mang thư cầu cứu đến Bình Định Vương Lê Lợi, ông và đội quân của ông được giải vây…”.
Câu chuyện đang dở chừng, một nhóm học sinh còn mang trên người bộ đồng phục cấp 3 từ xa đi tới. “Nghe thầy giáo em nói pho tượng này sắp di dời nên chúng em đến thăm lần cuối, chụp vài tấm ảnh để sau này còn khoe với mọi người” – một em nói.
Phượng – nữ sinh trong nhóm – kể cho chúng tôi nghe về những bài báo, những trang sách về Trần Nguyên Hãn.
Em nói: “Nhìn lên pho tượng em thấy cả một niềm tự hào dân tộc. Tiếc quá thế hệ chúng em chỉ mới biết pho tượng này trong vài năm nay, giờ phải sắp chia tay…”.
Giá như…
Sự ‘ra đi’ của tượng Lê Lợi trước đây và sắp tới là tượng Trần Nguyên Hãn là điều tất yếu khi thành phố phát triển. Tuy nhiên, mất đi một hình ảnh đầy ắp kỷ niệm đã khiến cho hàng triệu con tim người Sài Gòn thổn thức. Ngậm ngùi lắm, bởi nó đã khắc sâu vào tâm khảm, vào lòng người niềm tự hào và sự kiêu hãnh của một thành phố năng động, phát triển nhất Việt Nam.
Chúng tôi vào chợ. Chợ Bến Thành đã hơn 100 năm nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Các tiểu thương ở đây cùng suy nghĩ, dường như ai cũng chung niềm nuối tiếc khi pho tượng phải di dời.
“Anh biết không, khi tôi vào buôn bán tại chợ thì pho tượng đã có từ lâu rồi. Mỗi ngày ngang đây, nhìn con chim bồ câu, nhìn ông tướng cỡi ngựa từ hàng chục năm nay đã trở nên thân thuộc. Bây giờ di dời đi thay vào đó là một công trình khác cảm giác, với chúng tôi là một sự lạ lẫm và trống vắng” – tiểu thương tên Hoa trải lòng.
Chị nói tiếp: “Giá như pho tượng được đưa về công viên 23/9 gần đó để mỗi ngày có dịp ngang qua chúng tôi còn nhìn thấy, cũng như những người đã biết đến pho tượng này còn có điều kiện ghé thăm thì hay quá”. Quả thật vậy. Nằm ở vị trí trung tâm, giữa những con đường luôn đầy ắp xe cộ, pho tượng Trần Nguyên Hãn nhìn về một bên là chợ Bến Thành đã trên 100 năm tuổi, một bên là con đường Hàm Nghi với những tòa nhà cũ xưa đã in đậm dấu ấn trong lòng người Sài Gòn.
Những đôi tình nhân trên chiếc ghế đá dưới chân tượng đài. Những đứa trẻ ngây thơ nhìn lên trên cao, con chim bồ câu trong tay người anh hùng vỗ cánh bay đi và cứ mùa hè đến những hàng lim xẹt hai bên đường Lê Lợi rơi hoa vàng… Tất cả, vốn đã là những hình ảnh thân yêu không thể một sớm một chiều có thể quên được.
Giờ đây, tượng Trần Nguyên Hãn sẽ không còn trụ lại nơi đây. Bức tượng sẽ được đưa vào công viên Phú Lâm, nơi cách chỗ cũ gần 10km. Thật xót xa…
Mỗi hình ảnh thân quen của thành phố giờ mất đi luôn làm cho người Sài Gòn day dứt. Và dường như, trong tiềm thức của họ, luôn đọng lại những hình ảnh của một Sài Gòn đầy ắp kỷ niệm – kỷ niệm của một thời đã qua…
Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)
NISAVA TRAVEL!