(DTV) – Với người Chơ ro, tục “ngủ mèo” không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái có thêm cơ hội hiểu nhau trước khi đến hôn nhân, mà cao hơn thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của đồng bào nơi đây.

Từ xưa đến nay, người Chơ ro kết hôn dựa trên sự to do luyến ái giữa những người ngoài dòng họ. Vào những đêm trăng thanh gió mát, những ngày cúng thần lúa, thần rừng, ngày cưới của bạn bè trong tiếng công chiêng bên bếp lửa, những đôi trai gái trong làng lại có dịp giao lưu, tìm hiểu rồi bén duyên với nhau. Khi có tình cảm với nhau, chàng trai hẹn hò với cô gái và ngủ cùng cô gái vào ban đêm. Những đêm chàng trai ngủ chung bên cạnh cô gái trước khi cưới người Chơ ro gọi là tục “ngủ mèo”.

Khi chàng trai đến nhà cô gái, chàng trai thường ra hiệu để cô gái biết và xuống đón lên nhà. Tín hiệu thường là roi mây chọc vào phần sàn cô gái nằm ngủ hay lá cỏ tranh luồn qua khe sàn. Nếu cô gái đồng ý sẽ rút hoặc roi mây lên và xuống đưa chàng trai lên nhà cùng nhau tâm tình đến sáng. Cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng làm ngơ vì họ tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là ý trời.

Một điều đặc biệt là không phải ngẫu nhiên roi mây được chọn làm tín hiệu. Người Chơ ro quan niệm: Vì thời gian hẹn hò vào ban đêm, nên thanh niên thường sử dụng roi mây, vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí. Khi đi đường chàng trai quay roi mây tạo ra tiếng động “vun vút” trong gió nhằm xua các loại thú dữ. Vì thế, với người Chơ ro, roi mây không chỉ là một loại vũ khí khiến nhiều thú dữ phải sợ mà những tiếng vun vút của nó là tín hiệu của tình yêu.

Với người Chơ ro, tục “ngủ mèo” không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái có thêm cơ hội hiểu nhau trước khi đến hôn nhân, mà cao hơn thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, gia đình cô gái chỉ chấp nhận chuyện “ngủ mèo” này nhiều nhất là ba lần.

Sau đêm thứ ba chàng trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.

Nếu trường hợp “ngủ mèo” diễn ra quá ba lần mà không thấy tràng trai đả động gì đến chuyện cưới xin thì gia đình cô gái sẽ theo dõi và giữ lại. Lúc đó, gia đình cô gái qua bên nhà chàng trai, hỏi tế nhị, theo nghĩa bóng: “Hồi tối không biết con trâu nhà ai bị lạc, qua chuồng nhà tui.. Ông bà qua coi thử có phải con trâu của ông bà không?”.

Nghe như vậy gia đình chàng trai hiểu ngay ý tứ của gia đình cô gái, nhờ bạn bè, láng giềng qua nhà cô gái thăm dò xem sự thực con trai của mình có ở đó không. Khi chắc chắn con mình ở đó, nhà chàng trai mang rượu qua nhà cô gái, đáp lời hỏi của nhà gái: “Đúng rồi, trâu nhà tôi bị lạc ở đây” và nhà trai tiến hành các thủ tục cho đôi trai gái cưới nhau. (*)

Trong cuộc sống, người Chơ ro đặc biệt coi trọng chuyên hôn nhân và có nhiều phong tục thấm đẫm nét văn hóa của những con người đại ngàn. Trong đó, “ngủ mèo” là một phong tục lạ thể hiện sự phóng khoáng, tự do trong tình yêu nhưng vẫn đầy văn hóa, nhân văn.

Theo Dân Tộc Việt
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *