Chúng tôi lên đến đỉnh Mẫu Sơn thì đã thấm mệt. Ngọn núi cao tới 1.541 mét này được bao bọc xung quanh bởi núi Cha và hơn 80 ngọn to nhỏ sum vầy. Bỗng thấy choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ của một vùng đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Từ đỉnh Mẫu Sơn, chỉ thấy bốn bề rừng núi trùng điệp xanh ngút ngàn, gió lồng lộng thổi mang theo mùi vị ngai ngái lạ lùng từ đại ngàn…
Trải nghiệm hương rừng, gió núi
Đỉnh Mẫu Sơn nằm cách trung tâm TP Lạng Sơn 30km về phía Đông Bắc. Từ Hà Nội, có thể bắt xe bus tuyến Hà Nội – Lạng Sơn tại Cửa Đông hoặc bến xe Mỹ Đình có tuyến đi Lạng Sơn. Đến Lạng Sơn, chúng tôi chọn cách thuê xe máy để tới thăm khu du lịch Mẫu Sơn. Đoạn đường lên núi dài 15km được xem là gian nan và khó khăn nhất với những khúc cua lượn, gấp khúc liên tục. Với những tay lái cừ khôi nhất cũng chỉ dám đi với tốc độ 15-20 km/giờ.
Là điểm du lịch được nhiều người biết tới từ lâu nên dịch vụ du lịch ở Mẫu Sơn cũng đã hình thành tuy chất lượng chưa được cao. Điều đó hầu như chẳng có nghĩa gì khi bạn được tận hưởng một cảnh quan, một bầu không khí đậm chất văn hoá bản địa của vùng núi này.
NISAVA
Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Tháng 5, đỉnh Mẫu Sơn thêm phần lãng mạng với vẻ đẹp của những vườn hoa cẩm tú cầu rực rỡ, lung linh trong buổi sớm mai. Loài hoa này được đưa lên trồng ở Mẫu Sơn từ những năm đầu thế kỷ XX khi người Pháp phát hiện và cho xây dựng những khu biệt thự nghỉ dưỡng dành cho các quan chức Pháp và thuộc địa. Cùng với đó là mùa đào bắt đầu chín, du khách đã lên Mẫu Sơn khó có thể cầm lòng trước những quả đào căng mọng, ngọt lịm ấy…
Đỉnh Mẫu Sơn không có chợ, lẻ tẻ từng nhóm bà con dân tộc thiểu số quây quần bán những sản vật địa phương. Từ mật ong rừng, vài nhánh lan rừng, chanh rừng, lá thuốc, mắc mật, đào… thứ gì cũng rất tươi ngon và được bày biện giản đơn. Không chèo kéo khách, cũng chẳng nói thách như những người bán hàng ở chợ dưới phố. Người bán hàng nơi đỉnh núi mang lại cảm giác tin tưởng và dễ chịu.
Nhà nghỉ ở Mẫu Sơn khá nhiều, vị trí đẹp mắt và được trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cả vừa phải, dao động từ 300 -500 ngàn đồng/phòng đôi. Thức ăn ở Mẫu Sơn không có sẵn, bạn nên đặt trước với nhà nghỉ hoặc mang đồ ăn từ dưới phố lên. Các món ăn đặc sản nên thưởng thức là lợn sữa quay, vịt quay Lạng Sơn, ếch hương, gà thả rong nướng trên than cỏ tranh, cơm lam hay thịt kho lá mắc mật. Rau rừng ở đây rất ngọt và tươi, có nhiều loại như su su, rau ngót rừng hoặc hoa chuối.
Không chỉ có núi non hùng vĩ, Mẫu Sơn còn có con suối Long Đầu chừng 10km chảy trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái của huyện Lộc Bình. Suối được bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có độ cao trên 1000m chảy theo hướng Bắc Nam qua những triền dốc, những khu rừng già của thôn Lặp Pịa về vùng thấp hơn. Trừ mùa mưa lũ dòng suối có vẻ hung dữ, còn thời điểm này suối Long Đầu mang một vẻ đẹp hiền hòa với dòng nước trong vắt mát lành.
Đêm trên Mẫu Sơn, trước tiên hãy thư giãn và ngâm mình trong bể tắm lá thuốc dân tộc của người Dao, ăn tối và thưởng thức trà San Tuyết – một loại trà chỉ sinh tồn ở trên vùng núi cao của 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Mua vài gánh củi của người dân tộc và đốt lên ngọn lửa trại ấm áp trên sườn núi. Giữa thiên nhiên hoang dại và gió núi, nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn được chưng cất từ nước suối trên núi với những vị thuốc gia truyền quả là một trải nghiệm khó quên.
Câu chuyện về phiến đá thiêng
Trong ánh lửa trại bập bùng, chúng tôi trò chuyện với một người Dao Đỏ và được nghe một truyền thuyết : Trong một chuyến đi săn thú rừng, một người đàn ông Dao Đỏ ở bản Lặp Pịa (huyện Lộc Bình) đã mang một phiến đá có hình thù kỳ quái trên đỉnh núi Mẫu về nhà để dùng cho việc bếp núc. Ngay sáng hôm sau khi tỉnh giấc, người đàn ông phát hoảng khi nhìn thấy những giọt máu đang loang đỏ chảy ra từ phiến đá… Sợ quá, ông liền vác phiến đá trả lại đỉnh núi và cầu xin thần linh tha thứ. Truyền thuyết ấy cứ lưu truyền trong tộc người Dao từ đời này sang đời khác. Họ kể cho nhau nghe như một lời cảnh tỉnh thế hệ sau không được phép lấy cái gì cũng như làm tổn hại núi Mẹ.
Với người Dao, nơi đặt phiến đá thiêng đó cùng với khu vực phụ cận đã trở thành lãnh địa linh thiêng bất khả xâm phạm. Và với người Dao Đỏ Mẫu Sơn, đó là một nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất đặc biệt. Cũng chính từ truyền thuyết trên, nhiều khu đền thờ bằng đá đã ra đời ở Mẫu Sơn.
Ở đây, các nhà khảo cổ học cũng đã tiến hành khai quật trên đỉnh Mẫu Sơn và phát hiện hai điều rất độc đáo về kiến trúc đá nơi đây là mộ đá lớn và đền thờ bằng đá. Ngoài ra còn có rất nhiều di vật lịch sử có giá trị khác. Nhiều công trình đá cổ ở đây có niên đại từ thời đồ sắt, trùng với thời kỳ đầu của nền văn minh sông Hồng. Đáng tiếc là công tác bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó là hệ thống biệt thự cổ cũng đang bị bỏ ngỏ.
Khoảng đầu những năm 1900, người Pháp tìm ra đỉnh núi Mẫu Sơn, nơi được coi là điểm cao nhất vùng Đông Bắc bộ, khí hậu quanh năm trong lành. Năm 1916 người Pháp bắt đầu mở đường lên núi Mẫu Sơn. Từ dưới chân núi lên đến đỉnh khoảng 16km. Mở xong đường, người Pháp xây tổng cộng trên 40 biệt thự rải rác trên đỉnh núi.
NISAVA
Đến nay, trong khoảng 10 ngôi biệt thự còn giữ được kiến trúc khá hoàn chỉnh, có đến quá nửa đang trong quá trình hoang hóa. Biệt thự 9 gian được đánh giá còn nguyên vẹn nhất hiện được dùng làm nơi làm việc của Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn. Đây là biệt thự được thiết kế một tầng, liền một khối, mang đậm kiến trúc Pháp. Điều đó đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa ở vùng núi Mẫu Sơn.
Theo Vũ Minh Duy (Đại Đoàn Kết)
NISAVA TRAVEL!