(NLĐO) – Mặc dù nhiều khách du lịch có thể bị sốc khi lần đầu đến thăm, thành phố nhộn nhịp nhất Việt Nam… nhưng đây lại là nơi được người dân địa phương yêu mến vì sự bình lặng và trật tự đáng kinh ngạc.
Không phải tự nhiên mà đài BBC (Anh) gọi TP HCM là “thành phố bị hiểu lầm nhiều nhất châu Á”. Bên dưới sự ồn ã và đông đúc là một thành phố “trật tự và bình lặng”, theo nhận xét của nhiều người nước ngoài từng sống ở TP HCM.
“Giao thông thật hỗn loạn. Nhưng một khi hòa vào dòng xe trên đường, những chiếc xe lại di chuyển một cách khá chậm và ổn định. Ngoài ra, bạn còn hiếm khi thấy tình trạng “điên đường” xảy ra” – anh James Clark, một người Úc sống tại TP HCM kể từ năm 2012, viết về kinh nghiệm của mình tại Việt Nam trên trang blog du lịch cá nhân Nomadic Notes.
(“Điên đường” là thuật ngữ xuất phát từ phim ảnh Mỹ thập niên 50 của thế kỷ trước, dùng để mô tả tình trạng nóng giận không thể kiểm soát trong khi lái xe.)
Cô Kelsey Cheng đến từ TP Chicago – Mỹ, từng sống tại TP HCM khi làm tình nguyện viên, cũng đồng ý với ý kiến của anh Clark. “Sài Gòn là một nơi rất bình lặng bất chấp mọi sự hỗn loạn. Phong cách sống ở đây rất thoải mái và dường như mọi người luôn đến được nơi cần đến vừa kịp lúc” – cô Cheng chia sẻ.
Thành phố nhộn nhịp này là nơi các du khách có thể bắt gặp những gương mặt thân thiện, khung cảnh năng động và những món ăn ngon nhất (và cả rẻ nhất) trên hành tinh.
NISAVA
Tuy nhiên, theo anh Matt Barker, người chuyển đến sống ở TP HCM từ Anh vào năm 2015, thì những người mới đến “cần có một khoảng thời gian để thích ứng trước khi thật sự bắt đầu hiểu rõ thành phố này”.
Những đám đông hỗn loạn và hình ảnh xe máy chạy đầy đường tại TP HCM thường khiến nhiều du khách nhanh chóng nói lời tạm biệt và chuyển đến những thành phố khác của Việt Nam. Anh Barker cho rằng đây là một sai lầm. “Nếu có thời gian đi đây đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng thành phố này tràn đầy sự lịch thiệp, tự tin và thức ăn ngon” – anh Barker nhận xét.
Anh Barker cho rằng người dân TP HCM rất trung thực và thẳng thắn, đôi khi tạo cảm giác trái ngược với sự thân thiện ở miền Bắc hay những láng giềng Đông Nam Á khác, “đặc biệt là sự nồng hậu nổi tiếng của người Thái Lan”.
Mặc dù một số người có thể hiểu lầm sự thẳng thắn thành “thô lỗ” nhưng người dân Sài Thành lại cho rằng tính cách này có thể giúp mọi người dễ dàng hiểu được ý của người khác. Ví dụ như đối với người miền Bắc, “có” có thể mang nghĩa là “không” thì với người dân Sài Gòn, “không” chính là “không”.
Thế hệ trẻ của TP HCM là những người rất cầu tiến. “Dường như mọi người đều muốn trở thành doanh nhân” – trích nhận xét của ông Alan Murray, một người Anh đã sống ở TP HCM hơn 10 năm. “Tất cả đều nắm chặt smartphone và có vẻ vội vã” – ông Murray nói thêm.
Mặc dù nhịp độ sống rất nhanh nhưng người dân địa phương luôn sẵn sàng chìa tay khi có người cần giúp đỡ. “Trong những ngày đầu đến đây, tôi bị lạc ở quận 3 và phải dùng wifi miễn phí để gọi một chiếc Grab bike. Lúc này, vì khá hoảng sợ nên tôi đã đưa điện thoại cho người đàn ông đứng bên cạnh và ông ấy đã nói chuyện với tài xế giúp tôi” – cô Cheng kể lại.
NISAVA
“Tôi cứ nghĩ rằng người dân ở khu vực Trung Tây của Mỹ đã tốt bụng rồi nhưng người Việt Nam còn hơn thế nữa. Hầu như bất cứ ai cũng sẽ được người dân tại đây đối xử thân thiện” – cô Cheng nhận xét.
Anh An Duong, là người phụ trách mảng công nghệ tại công ty startup du lịch TourMega ở Việt Nam, cũng đồng tình với ý kiến này. “Người Sài Gòn là những người sẵn sàng cho mà không cần nhận lại bất kỳ thứ gì. Bạn sẽ thấy những thùng trà đá miễn phí đặt trên đường dành cho người nghèo như bác xe ôm hay chị bán hàng rong. Mọi người giúp đỡ nhau một cách tự nguyện và nhiệt tình như người trong gia đình” – anh An Duong tự hào nói.
Phương tiện tốt nhất để khám phá thành phố là xe máy vì có thể dễ dàng dừng xe, đi loanh quanh các quận khác nhau và tạt vào vô số quầy bán thức ăn phong phú.
Bún thịt nướng chính là một trong số những món ăn ưa thích của anh Barker. “Bạn có thể tìm được nơi bán tại phần lớn các góc đường rồi chỉ việc lấy ghế nhựa và ngồi xuống ăn thôi” – anh Barker nói.
NISAVA
Trong số 24 quận của TP HCM, phần lớn người nước ngoài thích sống tại quận 1, nơi có nhiều trung tâm thương mại lớn, chợ Bến Thành sầm uất và khu phố Phạm Ngũ Lão nhộn nhịp về đêm. “Phường Đa Kao của quận 1 là nơi yêu thích của tôi vì vừa có nhiều xe bán bánh mì và các món khác trên đường vừa gần với những khu vực khác” – cô Cheng chia sẻ.
Ngoài quận 1, quận 2 nằm dọc theo sông Sài Gòn – một trong những khu dân cư mới phát triển của thành phố – cũng là lựa chọn phổ biến đối với người ngoại quốc. Không những thế, nhiều gia đình người nước ngoài sinh sống lâu năm tại Việt Nam hay có con nhỏ còn khá ưa thích khu ngoại ô hiện đại ở quận 7, nơi có nhiều trường học quốc tế và biệt thự lớn.
Về khía cạnh du lịch, TP HCM cũng là một lựa chọn lý tưởng khi rất gần với biển Vũng Tàu (cách 93 km) hay đồng bằng sông Cửu Long (cách 200 km).
Những ai muốn thoát khỏi cái nóng bức của xứ nhiệt đới có thể tìm đến Đà Lạt, nơi được xem là thành phố có mùa xuân vĩnh cửu vì khí hậu ôn hòa hay tỉnh Đắc Lắk, nơi nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và là vùng trồng cà phê nổi tiếng thế giới.
Ngoài ra, các chuyến bay từ TP HCM tới những địa điểm du lịch nổi tiếng châu Á khác như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Hồng Kông hay Đài Loan đều có giá khá rẻ và không mất nhiều thời gian, chỉ từ 2-3 tiếng đổ lại.
NISAVA
Một điều đáng ngạc nhiên là giá cả sinh hoạt tại TP HCM lại hết sức phải chăng khi so sánh với các thành phố phương Tây khác, đặc biệt là trong phương diện ăn uống. Một bữa ăn bên ngoài chỉ tốn khoảng 80.000 đồng hoặc thậm chí rẻ hơn.
Theo thông tin của trang Expatistan.com, giá thuê một căn hộ studio ở TPHCM chỉ khoảng 6,8 triệu/tháng, rẻ hơn đến 85% so với căn hộ tương tự ở TP New York (Mỹ).
“Có rất nhiều cách để tiêu xài nhưng nếu thuê chỗ ở không được quảng cáo trên những trang dành cho người nước ngoài và ăn các món địa phương, bạn có thể sống tốt với số tiền dưới 1.000 USD/tháng” – anh Clark nói.
Theo Bảo Hạnh (Người Lao Động)
NISAVA TRAVEL!