(ĐĐK) – Điểm đến Tây Nguyên đầy mời gọi với lịch trình: Ghé thăm “đôi mắt Pleiku”, nghe cồng chiêng, thưởng thức cà phê chồn tại “thủ phủ cà phê”, ngắm sao đêm ở Măng Đen, chinh phục ngã ba Đông Dương, cưỡi voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn… Và đặc biệt là tháng Ba này, Tây Nguyên đang khoác lên mình một màu trắng tinh khiết của hoa cà phê, những thảm hoa trắng bồng bềnh đẹp mê đắm.

Cái gì cũng… lạ

Quả thật, Tây Nguyên lạ lùng từ lúc chúng tôi đặt chân xuống vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió này. Từng mê mẩn ca khúc “Đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, vậy nên điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Gia Lai để háo hức ghé Biển Hồ (hồ T’Nưng). Theo người dân kể lại thì hồ nước này được hình thành từ một miệng núi lửa và rất rộng.

Người ta ví Biển Hồ như đôi mắt của người dân Gia Lai và người dân thành phố Pleiku. Đứng trên bờ nhìn ra xa, bạn sẽ thấy một màu xanh thăm thẳm của nước biển. Hồ nằm trên núi, nên khi đứng trên bờ, gió từ hồ nước với gió rừng tạo cảm giác mát rượi. Băng qua những cánh rừng là cách bạn nên làm để khám phá vẻ đẹp bí ẩn trong “đôi mắt Pleiku”.
NISAVA
Và cũng tại nơi này, chúng tôi được thưởng thức tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn. Có một điều thú vị là bạn phải nghe tiếng cồng chiêng trong chính không gian phóng khoáng của Tây Nguyên thì mới lý giải được tại sao đó là di sản văn hóa phi vật thể được thế giới chọn lựa vinh danh. Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Với người dân Tây Nguyên thì cồng chiêng xuất hiện trong tất cả lễ hội, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… đều phải có tiếng cồng chiêng. Thứ âm thanh đó như để nối kết mọi người trong cùng một cộng đồng.

Rồi chúng tôi di chuyển tới Kon Tum, qua thị trấn Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, thuộc huyện Kon Plong. Địa danh này được coi như dải phân cách chính giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, nhiệt độ thường dưới 22 độ C. Rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh và rừng thông cổ thụ rộng lớn nằm dọc theo quốc lộ 24. Thị trấn Măng Đen còn có nhiều hồ thác, suối và cảnh quan đẹp. Xin “bật mí”, Măng Đen còn được mệnh danh là nơi ngắm sao trời đẹp nhất tại Việt Nam. Chúng tôi may mắn gặp được thời tiết khô và quang mây, trải nghiệm ngắm sao trời từ ban công một khách sạn có lẽ cũng là điều hiếm gặp trong những chuyến xê dịch đã thực hiện trong đời.NISAVA

Ngắm hoa cà phê ở Đăk Lăk

Tháng Ba này, cả vùng đất Tây Nguyên như được đánh thức bởi mùa hoa cà phê. Và thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk từ lâu được xem như là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam. Đến đây, chúng tôi được phiêu du trong những rẫy cà phê trổ bông trắng muốt tỏa hương thơm ngào ngạt. Ngồi uống một ly trong làng cà phê chồn vào một buổi chiều lất phất mưa. Có lẽ, đó cũng là ly cà phê đáng nhớ nhất mà tôi từng nhâm nhi.

Khi chúng tôi thắc mắc về sự ra đời của cà phê chồn, ông chủ quán Ngô Văn Hùng kể: Cà phê chồn xuất hiện một cách tự nhiên vào nửa đầu thế kỷ 20, khi cây cà phê được người Pháp du nhập sang và trồng thành những đồn điền rộng lớn.

Tới mùa cà phê chín, vào ban đêm, những con chồn hương lẻn vào lô cà phê để thưởng thức những trái cà phê chín mọng trên cành mà chúng lựa chọn rất kỹ. Con chồn chỉ nhằn phần ngoài hạt cà phê, nhả vỏ mềm bên ngoài và nuốt nguyên trái gồm phần thịt và hạt. Sau quá trình tiêu hóa, phần hạt cà phê được thải ra. Nhân cà phê vẫn được bao bọc nguyên vẹn trong vỏ trấu.

Theo ông Hùng, hồi đó, những người nông dân đi thu hái cà phê cho chủ đồn điền đã thấy những đống phân chồn trộn lẫn hạt cà phê. Họ xin các ông cai mang về phơi khô, chà vỏ và rang chế biến chúng thành thức uống. Sau đó ông cai biết, rồi chủ người Pháp cũng biết đến và đều cho rằng nó có hương vị thơm ngon hơn cà phê bình thường. Từ đó cà phê chồn trở nên nức tiếng.

Cách Buôn Ma Thuột 40 km về phía Tây Bắc là Vườn quốc gia Yok Đôn, nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Du khách đến đây để tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cưỡi voi, đi bộ, xe đạp địa hình trong các cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, ban đêm, bạn có thể đi xem các loài thú hoang dã, ban ngày đi du thuyền độc mộc trên dòng Sêrêpok thơ mộng.
NISAVA
Ngoài ra, tham quan buôn làng, thưởng thức rượu cần với nhiều món đặc sản hấp dẫn đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên cũng là ý tưởng hay. Một thổ dân gợi ý, nếu muốn những món quà đậm chất Tây Nguyên thì đừng quên các đặc sản: cà phê chồn thơm ngon, mật ong rừng nguyên chất, chuối hột rừng phơi khô dùng để ngâm rượu, măng khô rừng, chiếc khăn thổ cẩm dệt truyền thống, hay ché rượu cần…

Giờ cũng là lúc Buôn Đôn đang sôi động với Lễ hội đua voi diễn ra từ  ngày 12 đến 14/3. Đây là lễ hội đề cao tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của người dân Tây Nguyên. Nếu thích cảm giác sống chậm thì thị xã Đắk Mil, tỉnh Đắc Nông là điểm thích hợp. Nếu chịu khó lang thang trên những con đường đất đỏ, làng của đồng bào Ê Đê, hẳn bạn sẽ có những bộ ảnh  đẹp và độc… Có lẽ, điểm đến nào trên vùng đất Tây Nguyễn cũng khiến bạn say lòng.

Theo Bùi Hiền Khôi Nguyên (Đại Đoàn Kết)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *