(Vietnamnet) – Với không gian tĩnh lặng, nước suối trong lành hòa quyện với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của núi rừng, suối Đa Nhông luôn là điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, nghĩ dưỡng mỗi dịp cuối tuần.
< Toàn cảnh khu vực suối Đa Nhông.
Suối Đa Nhông còn có tên gọi khác là Gia Nhông theo tiếng dân tộc Raglai, nằm cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 70km xuôi về hướng quốc lộ 27 đi Đà Lạt, đến ngã ba quốc lộ 27B rẽ phải theo hướng Tây Bắc. Suối Đa Nhông nằm trong hệ thống vườn thực vật Vườn Quốc gia Phước Bình – nơi lưu giữ sự đa dạng của nhiều loài động thực vật quý hiếm.
< Vườn thực vật Vườn Quốc Gia Phước Bình.
Suối Đa Nhông được thiên nhiên ưu ái ban tặng những giá trị tuyệt tác không chỉ về mặt du lịch sinh thái mà còn có giá trị về mặt nghiên cứu sinh học, góp phần làm phong phú hệ thống du lịch tỉnh nhà và tạo nên nét độc đáo riêng cho hệ thống Vườn Quốc Gia Phước Bình.
Đến với suối Đa Nhông, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ cùa dòng suối mát lạnh để chìm đắm lòng mình, du dương trong không gian thanh bình, vắng lặng của cảnh lạc núi rừng. Ngoài ra, nơi đây thích hợp cho các buổi dã ngoại, cắm trại, đi bộ trekking khám phá núi rừng, tìm hiểu về cuộc sống cư dân bản địa hay hòa mình vào dòng suối mát lạnh kia, tai văng vẳng theo tiếng nhạc của những cô gái Raglai vang vọng hòa trong tiếng suối róc rách len lỏi chảy qua từng phiến đá.
< Con đường dẫn du khách đến với suối Đa Nhông dài gần 2km.
Con đường dẫn du khách vào khu vực suối dài gần 2km, du khách phải trải qua các bậc thang đường rừng, lúc lên cao, lúc xuống thấp, hai bên là những hàng cây to vươn cao lên đón ánh nắng mặt trời, những nhành lan rừng khoa sắc dưới những tán cây rậm rạp.
Du khách có dịp trải nghiệm khám phá nét độc đáo của loài hoa này. Càng đến gần khu vực suối, tiếng suối càng vang vọng rõ hơn, mỗi lúc một lớn dần. Tiếng suối chảy trong khu rừng vắng hòa trong tiếng nói cười của du khách, tạo nên bản hòa âm thật đặc sắc.
< Du khách ghi lại những khoảnh khắc cùng với khung cảnh núi rừng.
Suối Đa Nhông cao khoảng 3m, nơi có độ sâu cao nhất là 5m, nhiệt độ nước vào buổi sáng khoảng 5-100C. Nơi đây thích hợp cho du khách tắm tiên vào buổi trưa và hấp dẫn du khách với các màn lộn nhào từ trên đá xuống khu vực sâu nhất của suối.
< Du khách tắm trên dòng suối Đa Nhông.
Vào mùa mưa dòng suối Đa Nhông tung bọt trắng xóa, những chỗ sâu nước chảy cuồn cuộn kêu rít lên như muốn tranh giành để chảy nhanh về phía hạ nguồn, nơi có dòng sông Cái đón nhận. Du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn thỏa thích dòng suối chảy, chụp những bức hình đẹp cho nhật ký du lịch của mình.
< Dòng suối Đa Nhông tung bọt trắng xóa.
Vào mùa khô, nước suối chảy nhẹ qua những vách đá, phiến đá lớn nhỏ sẽ thích hợp cho khách tham quan tắm tiên, đắm mình trong những dòng nước mát lạnh, du dương trong tiếng đàn Chapi vang vọng khắp núi rừng.
Suối chảy dài hàng km trước khi đổ về hạ nguồn là sông Cái, đứng trên khu vực núi cao, du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của dòng suối, như dải lụa mềm vắt ngang khu vực rừng núi Phước Bình. Dòng suối trắng xóa len lỏi qua từng khu vực đá, những hàng cây, bụi rậm theo từng tầng từng tầng trông rất đẹp.
Theo Xuân Lộc (Vietnamnet)
NISAVA TRAVEL!
Lưu ý: Trong mùa mưa, khu vực suối có thể có lũ cục bộ khá nguy hiểm. Vậy nên nếu thấy mưa ở khu vực thượng nguồn thì hãy cẩn thận khi qua ngầm đến suối và không tắm suối lúc này.
ĐGD