Pu Nhi (Điện Biên Đông) không chỉ là vùng thiên nhiên hùng vỹ, địa hình hiểm trở của Tổ quốc mà còn là miền đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng là miền di sản giàu tiềm năng đang thu hút các nhà nghiên cứu khám phá và khai thác phục vụ du lịch…
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn bất lực, đầu hàng nhục nhã. Căm thù hành động cướp nước của giặc Pháp, bất bình trước thái độ nhu nhược của triều Nguyễn, hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy đánh Pháp. Ngày 6 tháng 6 năm 1884 triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ (Hiệp ước Patonốt) buộc lực lượng kháng chiến phải triệt thoái. Mặc dù vậy, nghĩa quân Thập Châu vẫn dựa vào rừng núi Hưng Hóa để chống Pháp.
Đầu năm 1886 quân Pháp huy động lực lượng tiến lên Tây Bắc nhằm dập tắt phong trào nổi dậy tại đây. Năm 1888 quân Pháp đã đặt xong nền móng cai trị trên đất Điện Biên (Lai Châu xưa). Chúng ra sức nuôi dưỡng bọn thổ ty, cường hào làm tay sai, lập ra “Xứ Thái tự trị”, “Vùng Mèo tự quản” để lừa bịp, bóc, giam hãm nhân dân trong vòng ngu muội. Không cam chịu áp bức bóc lột phong trào nổi dậy chống Pháp của các tù trưởng, thủ lĩnh nổ ra khắp phủ Hưng hóa, quân Pháp đi đến đâu bị chặn đánh tới đó; Nhân dân căm phẫn nội dậy chống lại chế độ thuế khóa nặng nề và sự cướp đoạt trắng trợn ruộng đất nông dân của bọn tay sai.
Lớn lên chứng kiến cảnh cơ cực của những người dân địa phương dưới ách thống trị của bọn phìa tạo và giặc Pháp, Giàng Tả Chay- người thanh niên người HMông có tài bắn nỏ giỏi nhất vùng Pu Nhi (huyện Điện Biên xưa, nay là huyện Điện Biên Đông) đã kêu gọi nhân dân trong bản, trong vùng nổi dậy phất cờ khởi nghĩa chống ách thống trị của giặc Pháp.
Theo dân gian lưu truyền, địa điểm đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Giàng Tả Chay tại hang Thẳm Én cách thị xã Lai Châu (cũ) nay là thị xã Mường Lay 03km . Lúc đầu nghĩa quân chỉ có 375 người, thời điểm cao nhất lên tới 6000 người hưởng ứng. Trong lễ uống rượu ăn thề, nghĩa quân bày tiệc rượu quang đống lửa trong hang, chủ tướng Giàng Tả Chay chúc rượu từng người và nhất tề xin thề cùng binh sỹ “quét sạch tây trắng, chống thuế giành quyền tự chủ” vào tháng 10 năm 1918, tiếng hò reo vang động hang sâu, rừng thẳm. Ngay đêm đó nghĩa quân đã tấn công giết chết em trai tri châu gian ác ở Mường Mùn (Tuần Giáo) rồi ào ào tiến về Điện Biên. Nghĩa quân đi đến đâu cũng được bà con hưởng ứng, ủng hộ thóc gạo để nuôi quân, nhiều chàng trai HMông tình nguyện nhập ngũ mang theo súng, nỏ săn làm vũ khí trang bị cho mình.
Nghĩa quân đã dựa vào địa thế rừng núi chiến đấu gây cho địch nhiều phen điêu đứng khiến thực dân Pháp phải thú nhận chúng không chỉ đang phải đương đầu với một lũ giặc cỏ 80-100 tay súng mà thực ra đang phải đối phó với cả một dân tộc. Chỉ trong thời gian ngắn phong trào khởi nghĩa phát triển rộng khắp Lai Châu, Sơn La và Thượng Lào. Quân Pháp vô cùng hoảng loạn đã điều quân đến đàn áp phong trào tìm cách tiến sâu vào căn cứ nghĩa quân ở Pu Nhi, Điện Biên. Long Hẹ (nay là Thuận Châu, Sơn La).
Trong năm 1918 nghĩa quân tiến đánh quân Pháp ở khu vực Mường Phăng, tên thiếu á Pháp Đex cai quản đạo quân thứ 4 phải đich thân cầm quân đánh dẹp. Lợi dụng thế trận của núi rừng nghĩa quân phục kích chặn địch tại bản Nặm Ngàm. Bị đánh bất ngờ quân Pháp không kịp chống trả nên bị giết chết 50 tên, những tên sống sót chạy vội về Mường Thanh. Nghĩa quân còn tổ chức tấn công vào các cơ quan của quân Pháp ở Thuận Châu gây cho chúng nhiều tổn thất.
Tháng 10 năm 1920 tên đại tá Puypâyru chỉ huy quân từ đồng bằng lên bao vây căn cứ nghã quân ở dãy núi Sen Chi Ta gần Mường Ngòi. Sau 9 ngày đêm giao chiến không phân thắngbại, do lương thảo cạn nghĩa quân đã mở đường máu thoát vòng vây của quân thù. Năm 1921 nghĩa quân củng cố lại lực lượng, tấn công đồn bốt, doanh trại địch, quân Pháp bao vây, càn quét nhưng Giàng Tả Chay vẫn thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù. Được sự che chở, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân nghĩa quân cơ động đánh du kích, vừa đánh các trận giao tranh lớn để bảo toàn lực lượng, vừa nhân lúc kẻ thù sơ hở tiến đánh làm cho chúng thiệt hại về người và vũ khí, phong trào lan rộng ra khắp vùng Điện Biên Phủ và thượng lưu sông Nậm U, Sầm Nưa, Long Hẹ, Pú Nhung, Tủa Chùa, Trấn Ninh. Phong trào không chỉ mang tính địa phương mà đã trở thành một cuộc khởi nghĩa rộng lớn với khí thế của cả một dân tộc đứng lên chống Pháp.
Theo những câu chuyện kể của người dân Pu Nhi: ngày đó gồm cả lính trai và lính gái thắt lưng vải điều, tay cầm binh khí như giáo mác, kiếm nỏ bắn tên tẩm thuốc độc, súng kíp tự chế, nghĩa quân còn có súng lớn mấy người mới khiêng nổi một khẩu, đó là những khẩu đại bác bọc da trâu, bắn bằng đạn chì trộn sỏi. Mỗi khi tiến quân, nghĩa quân la hét ầm vang như thác đổ. Họ chỉ tấn công, đột phá nhà giầu, cường hào ác bá, phìa tạo, tri châu lấy của cải chia cho dân nghèo nên nghĩa quân được nhân dân trong vùng hưởng ứng rầm rộ. Sách Truyện kể bản mường của dân tộc Thái còn ghi “Khoảng năm 1918-1922, đồng Mèo toàn Tây bắc do Giàng Tả Chay lãnh đạo, nổi dậy ở Tủa Chùa, Điện Biên (1019), Long Hẹ (1922) đánh Pháp mạnh mẽ”. Thơ ca của người Thai Mường Thanh còn kể lại
“…Tất cả trai Mèo đều vui mừng làm thuốc súng;
Tiếng rèn sắt, tiếng đập đe khiến đất chuyển rung..”.
Theo cuốn Sông núi Điện Biên của Trần Lê Văn, sau những trận càn quét lớn của quân Pháp Giàng Tả Chay trở lại đóng quân ở Pú Huổi Sáng, gần bản Xôm, xã Mường Phăng. Sau đó, thực dân Pháp lập mưu mua chuộc họ hàng thủ lĩnh và tìm cách làm hại, chặt đầu nộp cho quân Pháp vào năm 1922;
Tuy phong trào khởi nghĩa nổ ra và kết thúc chỉ trong 05 năm (1918-1922) mang tính chất tự phát, dù chưa thực hiện được khẩu hiệu đề ra song nghĩa quân đã gây cho quân Pháp nhiều hoảng loạn về tinh thần. Hoạt động của nghĩa quân đã hun đúc ngọn lửa đấu tranh kiên cường bất khuất chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai đối với nhân dân các dân tộc Điện Biên nói riêng và vùng Tây bắc nói chung.
Sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) chính ở những địa điểm nghĩa quân nổi dậy chống Pháp, đồng bào các dân tộc vùng cao đã góp phần xây dựng những căn cứ du kích: Pú Nhi, Điện Biên, Mường Phăng, Tuần Giáo, Long Hẹ, dân một lòng tin yêu theo Đảng khiến kẻ thù không thể phá vỡ được.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Pu Nhi hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày, người dân nơi đây vẫn một lòng thương nhớ người thủ lĩnh với lòng trân trọng, tự hào. Từng hốc đá, phản đá, cánh rừng, con thác, hang sâu nơi nghĩa quân tụ nghĩa, những bước chân của nghĩa quân rầm rập đất trời như vẫn in dấu trên những nẻo đường xưa. Pu Nhi giờ đây vẫn lưu giữ trong mình bao dấu tích lịch sử và danh lam thắng cảnh kỳ thú do thiên nhiên ban tặng: với những tên bản Na Ngàm (ruộng đẹp) bên núi là những tảng đá tròn nhẵn như kê lên, chụm vào nhau thành một công sự thiên nhiên vững chắc.
Dấu tích của núi Đồn Xá (Pú Đồn Xả) cách bản Nặm Ngàm 1km, xung quanh dấu tích đồn binh với nền nhà hình chữ nhật tròn góc và xung quanh là đường hào sâu; núi Pha Lọm (Phên Dậu) sừng sững hiên ngang; địa danh Hua Cảnh, Loọng Chuông ghi trong sử thi Táy Pú Xấc của người Thái ghi dấu ấn lịch sử của Khun Lường (tướng người Khơ Mú) chống lại những cuộc giao tranh của chúa đất Lạng Chượng (người Thái). Quân Khun Lường đã dồn quân Lạng Chượng vào nơi tử địa trên đường Tuần giáo sang Pu Nhi xưa. Pu Nhi còn có hồ trên núi Noong U- “Ao thần” hoang vu hư ảo như có bàn tay của tạo hóa sắp đặt với những câu chuyện hoang đường kỳ thú về thế giới của Long Vương ở độ cao chừng 1600m so với mực nước biển cách bản Tìa Ló 3km.
Cách bản Nặm Ngàm 3km là hang Pha Bạt sâu chừng 100m, rộng chừng 30m từng là nơi trú quân của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với một hang trên cao và một hang dưới thấp, những nhũ đá như những rèm tua, thềm đá lượn hình bán nguyệt, bên trong có vách đá đỏ phẳng phiu như có bàn tay người gọt đẽo. Người dân ở đây kể rằng, hè sang ve rừng ca khúc nhạc ngựa Khun Chương; tục kể rằng, anh hùng Khun Chương ngày xưa tử trận, ngựa chiến của ông thương chủ chết theo hóa thành loài ve ấy.
Bảo tàng tỉnh hiện đã sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị duy nhất hiện vật chiếc nòng súng Pa Chay (Giàng Tả Chay) là minh chứng hào hùng cho cuộc khởi nghĩa Giàng Tả Chay thời kỳ đầu thế kỷ XX.
Sự kiện cuộc Khởi nghĩa Giàng Tả Chay là một mốc sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử của tỉnh vì vậy việc nghiên cứu, lập hồ sơ cho di tích Khởi nghĩa Giàng Tả Chay là hết sức cần thiết. Các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa nằm trên địa bàn tương đối rộng lớn nên việc nghiên cứu khảo sát điền dã, khai thác thông tin cho việc lập hồ sơ cần phải lựa chọn những địa bàn còn lưu lại sự kiện tiêu biểu hoặc những địa thế nơi xuất phát điểm, uống rượu ăn thề, nơi đóng quân, nơi diễn ra những trận đánh lớn của nghĩa quân để xác định tọa độ phục vụ cho việc lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng di tích, khoanh vùng cắm mốc và công tác tuyên truyền về di tích sau này. Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, lịch sử, văn hóa dân tộc là việc đưa ra những định hướng bảo tồn, phát huy những yếu tố tích cực trong dòng chảy văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước cũng như góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên từng tấc đất biên cương Tổ quốc thân yêu trước những “Diễn biến hòa bình” và “bạo loạn lật đổ” của kẻ thù.
Pu Nhi (Điện Biên Đông) không chỉ là vùng thiên nhiên hùng vỹ, địa hình hiểm trở của Tổ quốc mà còn là miền đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng là miền di sản giàu tiềm năng đang thu hút các nhà nghiên cứu khám phá và khai thác phục vụ du lịch; xã cách thành phố Điện Biên Phủ 25km, cách Khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 21 km, đường giao thông thuận tiện. Nhân dân nơi đây với tinh thần đoàn kết, yêu bản, yêu mường, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Từ bao đời nay với đức tính cần cù chăm chỉ những người dân vùng cao Điện Biên đã vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và phát triển.
Theo Nguyễn Phượng (Svhttdldienbien.gov.vn)
NISAVA TRAVEL!