(BBĐ – Từ đèo An Khê xuôi xuống hạ đạo, men dọc sông Côn, là một miền đất lịch sử. Mỗi tên núi, khúc sông là một câu chuyện, một truyền thuyết, một dấu tích liên quan đến người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ…
Kỳ 8: Trên đất “thang mộc”
Võ sư Trần Quốc Phi Long, nhà ngay dưới chân đèo An Khê, sát chân hòn ông Bình, thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, cho biết: “Cách đây mười năm, tôi thường đi tìm cây cảnh, nên dẫn theo một toán học trò, cơm đùm cơm nắm, lang thang hết các ngọn núi ở đây. Bởi vậy, không con suối, ngách núi nào ở đây tôi không biết. Ngày trước, tôi cũng nghe chuyện Nguyễn Nhạc chôn hài cốt song thân nơi núi Ngang (Hoành Sơn), nhưng quả thật, lên đến đó thì chỉ thấy cây và đá núi, không có chút dấu tích nào.
Nhưng cũng thuộc dãy Hoành Sơn, tôi rất ấn tượng nhất là Hòn Dựng, phía hữu trạch sông Côn. Thật ra, trên núi cũng chỉ có một hòn đá dựng đứng và một khoảnh đất nhỏ bằng phẳng, kế bên có một vũng nhỏ, người dân bảo xưa là một cái giếng”.
Miền đất của những truyền thuyết
< Miếu Xà, đầu đèo An Khê, nơi gắn với sự tích chém rắn đề cờ của nghĩa quân Tây Sơn trong ngày xuất binh xuống vùng hạ đạo.
Ngọn Hoành Sơn (ranh giới Bình Tường và Tây Giang) trong lời võ sư Phi Long là chốn đại địa, bởi ở đấy, có hòn Trưng Sơn (thôn Phú Lạc, thị trấn Phú Phong) làm bút, hòn Dũng (thôn Hội Khánh, xã Bình Tường) làm nghiên. Hai hòn núi này đối nhau qua sông Côn. Rồi trước mặt lại có núi Một (nơi có Trạm Thuỷ văn sông Côn) làm chuông, hòn Giải làm trống, hòn Kiếm Sơn làm kiếm….
Trước mặt Hoành Sơn có sông Đá Hàng nhập nước cùng Côn tại đầu cầu Phú Phong làm thành thế long bàn ôm lấy cuộc đất Hoành Sơn. Và có lẽ bởi vậy mà từ xưa đến nay, người ta vẫn truyền tụng rằng, vào nửa cuối thế kỷ XVII, có một thầy địa lý Tàu thường qua lại nơi vùng đất này để tìm mạch đất. Nguyễn Nhạc theo dõi, hoán đổi hai cây trúc là hai huyệt khí mà thầy địa Tàu trồng thử. Thấy hai cây trúc đều héo, thầy địa lý bèn bỏ đi. Nguyễn Nhạc bèn táng mộ thân sinh vào. Nhờ vậy mà phát đế nghiệp. Cũng do vậy mà nhiều người, dựa vào câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho Nguyễn Hoàng, vận vào thời đại Tây Sơn mà nói rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại đồ vương”.
Tìm huyệt mộ của song thân ba anh em Tây Sơn là chuyện bất khả, bởi ngay Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi, tận lực kiếm tìm, cũng không thấy, huống chi… Chỉ biết, trước đây, ở làng Phú Lạc cũng từng tìm thấy tấm bia cổ và dựa vào đó mà nhiều người cho rằng ngôi mộ cổ ở Phú Lạc là mộ ông nội vua Quang Trung. Vậy còn mộ song thân Quang Trung có liên quan gì đến địa danh Gò Lăng? Tất cả đều là những giả thuyết. Tuy nhiên, có điều chắc chắn: vùng Tây Sơn hạ vẫn còn ẩn giấu rất nhiều bí ẩn cùng những di tích gắn với phong trào Tây Sơn, cần tiếp tục được giải đáp.
< Di tích Gò Lăng của nhà Tây Sơn ở làng Phú Lạc.
Mà quả thật, đi trên vùng đất “thang mộc” này, có ngọn núi nào mà không gặp truyền thuyết cùng những chuyện kể. Này nhé, phía trên An Khê thuộc Gia Lai, nay vẫn còn dấu tích miếu Xà, nơi tương truyền Nguyễn Nhạc tế rắn trước khi xuất quân xuống hạ đạo. Ngang hòn ông Bình, địa đầu huyện Tây Sơn hiện nay, trên đỉnh núi, vẫn còn hang Tối trời, nơi Nguyễn Huệ từng cất giấu binh khí; cùng một khu vực đất bằng rộng khoảng 12ha, nay vẫn được người dân Tây Thuận dưới núi lên trồng trọt, khai thác. Qua hòn ông Bình là Hoành Sơn với chuyện huyệt địa ở trên, rồi Trưng Sơn nơi có mả mẹ chàng Lía và chuyện Nguyễn Nhạc được trời sắc phong cho làm vua; Kiếm Sơn nơi Nguyễn Nhạc được trời ban kiếm… Còn các địa danh quanh Tây Sơn như Đồng Hưu, Đồng Vụ, Đồng Quan… đều là những chốn Nguyễn Nhạc mộ dân binh khai hoang.
Lăng Bà Nghĩa và câu chuyện Ngọc Hân
Bên sông Đá Hàng, một chi lưu quan trọng của sông Côn, trên địa phận làng Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, có hòn Núi Đất; ở đó, có một cái lăng. Người địa phương gọi đó là lăng Ông Chín, dựa theo tên người giữ lăng; có người gọi chùa Núi Đất theo địa danh nơi đặt lăng; có người gọi lăng Bà Nghĩa, theo nhân vật vốn được thờ phụng trong lăng.
< Lăng bà Nghĩa, nơi ẩn chứa bao câu chuyện truyền kỳ hấp dẫn.
Lăng hoá ra chỉ là một ngôi nhà nhỏ, nằm sau một gò đất thấp với cây cối rậm rạp, mà thoạt trông, như một cánh rừng nhỏ. Mà quả là rừng thật, vì người địa phương vẫn gọi vậy. Và ngọn đồi nhỏ ấy được gọi là Núi Đất. Ngôi nhà xưa chỉ trét đất, lợp tôn; từ sau năm bảy lăm mới được xây gạch, lợp tôn lại, đến năm 1993 được sửa chữa thành nhà ngói như bây giờ, diện tích đâu chừng 50m2.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Đặng Thiếp, người kế nghiệp ông nội và cha, phụng thờ lăng, cho biết: người phụng thờ lăng trước đây là ông Chín Tần, nên lăng được gọi là lăng Ông Chín. Sau khi ông Chín Tần mất, con ông là Đặng Thiếp, tức chồng bà, kế tục trông coi lăng. Năm 1997, ông Thiếp cũng qua đời, giờ bà Liên và con trai thứ năm Đặng Ngọc Hải hằng ngày lên mở cửa lăng, nhang đèn và trồng dâu tỉa bắp ở khu vực dưới chân Núi Đất, tối lại về nhà trong xóm.
Điều lạ lùng là tuy sở hữu cả một cánh rừng, nhưng xưa nay, ngay những người giữ lăng và dân chúng trong làng cũng không ai dám phạm, dù chỉ một nhát cuốc lên nền đất, nhát rựa vào thân cây. Bởi vậy, bước chân vào cánh rừng, trước mắt chúng tôi, cây cối um tùm chẳng khác rừng tự nhiên là mấy. Những gốc cây lớn, dễ bốn, năm người ôm, cùng cây cối và gai mọc rậm rịt, chỉ có lối đi nhỏ lên mộ bà Nghĩa. Chẳng là bao đời rồi, người dân trong vùng vẫn tin rằng khu rừng trên gò đất này rất linh, không được xâm phạm. “Xưa nay đều truyền lại vậy, chúng tôi chỉ theo lời vậy mà làm”- bà Liên nói.
< Bà Liên, người coi sóc lăng sau khi ông Đặng Thiếp qua đời, cho biết việc tảo mộ và dọn dẹp khu vực quanh lăng chỉ được dùng tay.
Sẽ không có gì đáng nói về lăng Bà Nghĩa nếu không có câu chuyện vẫn truyền tụng về bà Nghĩa, người mà mộ hiện vẫn nằm trên cánh rừng. Theo lời bà Liên thì bà chỉ được nghe nói lại là từ rất lâu rồi, có hai người đàn bà, một là bà Nghĩa, lớn tuổi hơn không rõ họ, từ thôn An Lợi (nay thuộc xã Phước Thắng, Tuy Phước) đến và một là bà họ Lê từ Phú Yên ra. Họ cùng lập nên lăng này và thờ phụng. Sau khi mất, bà Nghĩa được chôn cất trên núi, còn bà họ Lê được chôn phía dưới hòn Núi Đất. Từ đó đến nay, cứ ngày dẫy mả (mồng hai tháng Chạp), lại có những người từ nhiều nơi như An Nhơn, Tuy Phước, Phú Yên… tới thắp nhang, cúng vái và làm cỏ xung quanh lăng cũng như mộ của hai bà. Điều đặc biệt là họ không hề dùng cuốc để dẫy mà chỉ dùng tay để nhổ.
“Trước đây thì những ngày dẫy mả người rất đông, làm cỗ cũng lớn, cứ ba bữa chay, một bữa mặn. Nay, tuy có ít người, nhưng vẫn còn người nhớ và tìm về, chỉ làm chén cơm đĩa muối”- bà Liên nói. Năm nay đã bước qua tuổi bảy ba, nhưng bà Liên vẫn chăm chỉ hương khói cho lăng, đến ngày lại làm kỵ đàng hoàng, với sự tín cẩn hết mực. Bà còn cho biết, người con trai thứ ba của bà, Hoà thượng Thích Thanh Hiển đang có dự định xây lại lăng, nhưng giờ vẫn chưa tiến hành được vì thiếu kinh phí.
< Ngôi mộ Bà chỉ là nắm đất nằm giữa khu rừng.
Câu chuyện lưu truyền trong dân gian về lai lịch bà Nghĩa cũng có nhiều chi tiết khác nhau. Người thì nói bà là vợ một danh tướng Tây Sơn, sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, đã mang hài cốt người thân tới chôn giấu nơi đây, để khỏi bị kẻ thù khai quật. Người kể rằng bà vốn là con một vị quan trong triều Tây Sơn và cũng là người thân tín của Ngọc Hân hoàng hậu. Trước khi mất, Ngọc Hân đã trăng trối lại và nhờ bà chăm sóc hai con của mình. Khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, bà phải đưa hai người con Ngọc Hân chạy vào Quảng Nam rồi về Quy Nhơn. Tại đây, sau khi giao hai con của Ngọc Hân lại cho một dũng tướng của nhà Tây Sơn để đưa vào vùng An Giang, bà ở lại nơi này và mất ở đây.
Nhưng còn một câu chuyện khác, đáng lưu ý hơn, kể rằng: sau khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, hai người con của Ngọc Hân là công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Ngọc Đức không chạy theo kịp Nguyễn Quang Toản, nên đã dạt vào ẩn náu ở Quảng Nam, rồi bị bắt và cũng bị chém ở Phú Xuân. Sau đó, bà Chiêu Nghi Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Huyền (mẹ của công chúa Ngọc Hân) đã xin Gia Long cho lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân về táng ở làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi bà Chiêu Nghi mất, họ Nguyễn Đình của bà bị cáo giác là lập miếu thờ và xây lăng “nguỵ hậu”. Do vậy, trong đêm, họ Nguyễn Đình phải lấy cốt ba mẹ con Ngọc Hân giao cho một người giả làm thương khách, đưa đi. Vị thương khách này vào Thị Nại, rồi ngược dòng sông Côn, chôn cất ở tại làng Phú Mỹ, xã Bình Phú, tức lăng Bà Nghĩa hiện nay.
< Sông Côn đoạn qua Bến Trường Trầu (Thị trấn Phú Phong, Tây Sơn).
Hóa ra, những truyền tụng trên đây cũng khá trùng khớp với tư liệu lịch sử hay những ghi chép của các nhà nghiên cứu. Còn trong câu chuyện vẫn lưu truyền ở làng Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì trong cuộc truy bức trả thù của Gia Long, có một bà vợ của vua Quang Trung mang con trai chạy về quê chồng ở Bình Định tá túc, trong số đồ tuế nhuyễn mang theo có lá cờ đào Tây Sơn. Để che giấu thân phận, bà cất am tu hành. Ngày nọ, một quan chức nhà Tây Sơn nay theo Gia Long phát hiện ra bà, không nỡ tố cáo mà khuyên bà trốn đi xa. Bà trốn vào Nam, trú bên sông Tiền. Nay ở rạch Cái Nai thuộc huyện Chợ Mới, cũng có một chiếc lăng với ngôi mộ mà người ta cho là mộ của Ngọc Hân. Chữ “nghĩa” trong tên “Lăng Bà Nghĩa” liệu có phải tình cờ hay một ẩn ý và có liên hệ nào với tín ngưỡng Tứ ân tứ nghĩa ở vùng An Giang?
Bà Nghĩa là ai? Dẫu những chuyện kể trên vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn, thực hư khó phân giải, nhưng chí ít nó cũng chứng tỏ rằng: Người anh hùng áo vải Quang Trung và Bắc cung Hoàng Hậu Ngọc Hân đã sống trong niềm kính ngưỡng của người dân Bình Định.
Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ 5 – Kỳ 6 – Kỳ 7 – Kỳ 8 – Kỳ 9 – Kỳ 10 – Kỳ 11 – Kỳ 12
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
NISAVA TRAVEL!