Từng được nghe nhiều, cũng như đã nghe và đọc nhiều về truyền thuyết về núi Xương Cá, nhưng mãi một ngày gần đây, tôi quyết một chuyến “phượt” để khám phá những điều kỳ thú của ngọn núi này.
< Núi Xương Cá nhìn từ hướng Tây.
Xuất phát từ TP Quy Nhơn, về thị trấn Tuy Phước, theo tỉnh lộ ĐT640 khoảng 4,8 km gặp dốc Cây Me – địa giới cuối xã Phước Thuận và đầu xã Phước Sơn – nhìn về hướng đông sẽ thấy núi Xương Cá. Đi chừng 1,7 km nữa là tới nơi.
< Núi Xương Cá nhìn từ hướng Đông.
Núi Xương Cá (có tên chữ là Ngư Cốt) là ngọn núi nhỏ nằm đơn độc giữa một cánh đồng rộng ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), tỉnh Bình Định. Từ hướng Tây nhìn xuống, núi có hình dạng giống một người đang nằm. Núi nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dài khoảng 200m. Núi không cao, gồm ba ngọn núi đá phía trên, trải dài theo hướng tây bắc – đông nam khoảng 200 m. Nhìn từ xa, núi có hình thù như một bộ xương cá: Đầu cá là đỉnh phía nam, lưng cá là đỉnh giữa, còn đuôi cá là đỉnh phía bắc.
< Eo Vược trên dãy núi Phương Mai, nhìn từ đỉnh núi Xương Cá.
Từ sách sử
Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết rằng:
“… thôn Lộc Hạ, có núi Ngư Cốt, tương truyền vị cao tăng đời Lí là Không Lộ ăn cá, xương cá tụ lại thành núi, nên gọi tên thế…”
(Tập 3, mục tỉnh Bình Định, trang 21, bản dịch của Phạm Trọng Điềm Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1999).
< Đỉnh ở phần đầu núi, khối đá xếp dựng cao hơn 10 m như một pháo đài.
Và trong Nước non Bình Định của Quách Tấn có nói đến truyền thuyết về núi Xương Cá. Quách Tấn viết rằng:
“Đứng tại Kỳ Sơn ngó thẳng xuống Đông, chúng ta thấy một hòn núi hình lăng kính, màu trắng xoá, như một bức bình phong quét vôi trắng. Đó là hòn Ngư Cốt tục gọi là Xương Cá.
Hòn Xương Cá nằm trong địa phận thôn Lộc Hạ, làm tiền án cho hòn Kỳ Sơn. Đó là một hòn núi đá vôi, không cây không cỏ. Đá mọc lởm chởm, và tất cả, hòn lớn cũng như hòn bé, đều có gai ốc, trông giống hệt xương cá.
Từ truyền thuyết dân gian
Nhiều sách vở ghi lại truyền thuyết dân gian rằng: Thuở khai thiên lập địa, có ông Khổng lồ sau khi gánh hai hòn Kỳ Sơn và Chớp Vung về yên vị tại địa điểm hiện nay rồi, ông ngồi nghỉ chân. Nhân đầm Thị Nại gần kề, ông Khổng lồ bèn tát nước bắt cá, ngon miệng ông ăn hết con nọ đến con kia, xương cá chất thành núi, gọi là núi Xương Cá (tên chữ là Ngư Cốt).
< Từ đỉnh ở phần giữa, thấy cầu vồng vắt ngang núi.
Có người thêm rằng, ông Khổng lồ to lớn như núi nên ăn chừng ấy cá vẫn chưa no. Bỗng có con cá Vược dài hơn một sải nhảy vọt qua Dốc Ngựa để ra biển Đông, ông nhảy theo chụp nhưng không được. Tức mình, ông dẫm chân, núi gãy sụp và tạo thành một vũng eo núi nằm trên bán đảo Phương Mai ngày nay, dân gian gọi là Eo cá Vược (Eo Vược).
Lại có người bảo rằng: Khổng Lồ ngon miệng ăn nhiều quá bị trúng thực bỏ mạng dưới chân đống xương cá kia.
< Đỉnh ở phần đuôi là hai hòn đá nhọn song đôi và phía dưới là những khối đá xếp chồng nhau như một bức tường thành.
Vẻ đẹp của núi
Núi Xương Cá gồm ba đỉnh, sườn dốc đổ về hướng đông. Mỗi đỉnh mang một vẻ đẹp khác nhau: Đỉnh đầu là những tảng đá xếp dựng đứng, cheo leo; đỉnh giữa bằng phẳng hơn và phình to hai bên sườn núi như thân hình cùa cá. Còn phần đuôi thì đá xếp chồng nhau như một bức tường thành và thoai thoải về cuối chân núi ở phía bắc. Trên đỉnh này có nhiều hòn đá nhỏ rải rác, dựng đứng như những lưỡi gươm bằng đá.
< Mẫu đá thạch anh phát sáng dưới ánh sáng mặt trời.
Đỉnh ở phần đầu núi, khối đá xếp dựng cao hơn 10 m như một pháo đài, có hai hòn đá nhọn kề nhau, xiên ngược lên như một cặp “xương ngạnh” trên đầu cá, trông lạ và hùng tráng. Dần về phía dưới là những đỉnh đá lô nhô như những chiếc xương nhọn, in trên nền xanh là những cánh đồng.
Đỉnh ở phần giữa vun lên như một chiếc nón úp, gồm hai khối đá đối xứng theo hướng đông – tây. Ở giữa, có một cột mốc bằng xi măng. Từ vị trí này, ta có thể ngắm nhìn bao quát toàn cảnh các xã khu Đông của huyện Tuy Phước.
< Những vân đá thạch anh của núi Xương Cá.
Đỉnh ở phần đuôi là hai hòn đá nhọn song đôi và phía dưới là những khối đá xếp chồng nhau như một bức tường thành, trông rất ấn tượng. Bên sườn đỉnh, một chú dê nằm nghỉ ngơi trên mỏm đá, khiến cho khung cảnh tĩnh lặng trở nên thi vị hơn.
“Đọc” trong chất đá
Sách “Nước non Bình Định” của Quách Tấn chép núi Xương Cá: “là một hòn núi đá vôi, không cây không cỏ”.
Thật ra, qua khảo sát thực tế, núi Xương Cá không phải là núi đá vôi mà là hòn núi kết hợp từ đá granite và đá thạch anh trắng (đá hoa cương) nên nhìn từ xa đỉnh núi có màu trắng như Quách Tấn mô tả: “Những buổi trưa nắng gắt, ở xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Còn những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương, thì đó là một núi kim cương long lanh lóng lánh. Ngôi thạch lăng của Hoàng hậu Mumtaz Mahal ở Ấn Độ tưởng không nhiều hào quang hơn”. Đó là những đặc tính của đá thạch anh chứ không phải đá vôi như Quách Tấn đã viết trong sách! NISAVA
< Ông Cận đang chế tác non bộ bằng đá núi Xương Cá.
Từ lâu, người dân sống cạnh núi Xương Cá đã đào trong lòng núi lấy một dạng đất sét trắng, dẻo để trát vách, đổ nền nhà. Chất đất sét trắng đó chính là cao-lanh – nguyên liệu dùng trong công nghiệp sản xuất mặt hàng sành sứ.
Có tài liệu nghiên cứu cho rằng, thành phần hóa học của đá núi Xương Cá gồm có nhiều thành tố của si-líc, tràng thạch si-li-cát, nhôm và niken. Nên qua quá trình bào mòn của tự nhiên (gió, mưa) đã để lại trên các tảng đá những vân thạch anh (Si02) chạy chằng chịt trong lõi như hình xương cá.
< Núi Xương Cá nhìn từ đường lộ.
Là một người chuyên chế tác non bộ và cây cảnh tại địa phương bằng chất liệu đá khai thác từ núi Xương Cá, ông Phan Văn Cận (65 tuổi) cho biết: “Chất đá của núi Xương Cá rất đẹp bởi đá thạch anh cứng, vân đá nhiều hoa văn và màu sắc, kết hợp giữa lớp đá bị phân hóa, mềm và giữ độ ẩm cao, nên rất phù hợp cho các hòn non bộ hay làm tiểu cảnh cho cây kiểng”.
Sau khi cố nán lại trên đỉnh núi để chụp tấm ảnh lúc ánh sáng trời cuối ngày chạng vạng tối và để chứng kiến cảnh tượng “tỏa sáng” kỳ thú nhất của núi Xương Cá, tôi xuống núi vừa lúc màn đêm ập đến trong cơn mưa tầm tã. Trên đường về, tôi chợt nghĩ, tổ chức một tour du lịch leo núi thưởng ngoạn và cắm trại trong một đêm trăng huyền ảo trên núi Xương Cá hẳn sẽ có sức thu hút bước chân của những du khách vốn ưa khám phá những điều mới lạ của thiên nhiên kỳ thú.
Tổng hợp từ báo Bình Định, Huynhchuonghung.com
NISAVA TRAVEL!