(BBĐ) – Một buổi sớm đầy sương ở vùng núi Vĩnh Sơn, chúng tôi đã được ngắm những cánh hoa vốn chỉ có được ở vùng ôn đới. Từ sắc hoa rực rỡ giữa núi rừng, nghĩ đến những công trình, dự án đang hiện dần bên bờ sông, trở thành nơi thu hút khách du lịch gần xa…
Kỳ 11: Nối những đôi bờ
Bấy lâu đã nghe nhiều thông tin về “vườn hoa Đà Lạt” – cách gọi đầy hình ảnh của khu vực trồng thí nghiệm của đề tài “Nghiên cứu, thăm dò khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số cây trồng mới (rau và hoa ôn đới)” trên vùng đất bazan tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Lên Vĩnh Sơn, nhờ một cán bộ của xã dẫn đường, chúng tôi tìm đến với khu vực trồng thí nghiệm. Giữa vườn, ba người đang miệt mài bên những luống đất.
< Dòng sông lặng chảy soi bóng bờ tre.
Đó là hai kỹ sư trẻ Trần Minh Hải, Phan Ái Chung và người chăm sóc Nguyễn Tây Anh. Họ đang trồng ly ly cho vụ thứ tư, kịp ra hoa vào dịp Tết năm nay. Trò chuyện với chúng tôi, nhưng tay họ vẫn thoăn thoắt đào xới, gieo những củ ly ly xuống những vồng đất tơi xốp.
Đây là đề tài được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai thực hiện từ đầu năm 2007, do TS. Hoàng Minh Tâm, Viện trưởng làm Chủ nhiệm; thời gian thực hiện 24 tháng (đến tháng 3.2009). Triển khai đề tài, từ tháng 1.2007 các cán bộ nghiên cứu của Viện đã tiến hành thu thập thông tin thị trường, thị hiếu về rau, hoa ôn đới của người dân ở các địa phương: An Nhơn, Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn; đồng thời, thu thập các giống rau, hoa có nguồn gốc ôn đới từ Đà Lạt và Hà Nội, với hơn 30 giống rau (xà lách, ớt ngọt, cải bắp, su lơ, su hào, cà rốt…) và 21 giống hoa (hồng, đào, cúc, ly ly, đồng tiền, layơn…).
< Nay mai, cầu An Thái sẽ hoàn thành, nối hai bờ hai làng võ An Thái và An Vinh.
Đề tài đưa vào trồng thử nghiệm sáu loài rau: su hào, su lơ, bắp cải, xà lách xoăn, ớt ngọt, cà rốt; mỗi loài từ ba đến sáu giống. Tính ra có đến gần 30 giống rau trồng thử nghiệm. Mỗi loài rau trồng mỗi lần trên diện tích khoảng 240m2. Tương tự, cũng có sáu loài hoa được trồng thử nghiệm: đào, hồng, lay ơn, đồng tiền, cúc, ly ly.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Luy, người triển khai đề tài, kết quả bước đầu của dự án cho thấy một số giống rau ôn đới như xà lách thuỷ tiên, su hào Hà Giang, cải bắp, su lơ… có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu ở đây, sinh trưởng khá tốt và cho năng suất đáp ứng được mục tiêu đề tài đặt ra. Cụ thể, sau các vụ trồng trong năm 2007 và vụ hè 2008, ba loài rau có triển vọng nhất là: cây cải bắp giống đỏ TN198 đạt năng suất 9,36 tấn/ha; cây su lơ có ba giống đạt năng suất từ 6,942 đến 8,127tấn/ha, thấp hơn lý thuyết nhưng chấp nhận được với điều kiện Vĩnh Sơn; cây xà lách có ba giống cho năng suất từ 1,8 – 2,9 tấn/ha, sinh trưởng, phát triển tốt.
< Trên cầu Trường Thi.
Hầu hết các giống hoa trồng thử nghiệm tại Vĩnh Sơn đều thích ứng tốt và cho năng suất cao; đặc biệt, chất lượng và màu sắc các loại hoa như layơn, đồng tiền và ly ly được đánh giá là không thua kém các loại hoa được trồng ở Hà Nội và Đà Lạt. Quá trình trồng thử nghiệm cũng cho thấy có một số giống rau, hoa như: cà rốt, hoa cúc không thích ứng được với điều kiện tự nhiên ở Vĩnh Sơn. Kết quả trồng thử nghiệm này làm cơ sở để xây dựng các mô hình rau, hoa, hoàn thiện quy trình công nghệ chuyển giao cho nhà đầu tư và người dân có nhu cầu.
Tuy nhiên, việc trồng thử nghiệm mới tiến hành ngoài trời. Do điều kiện nhiệt độ trung bình ở Vĩnh Sơn chỉ thấp hơn vùng đồng bằng khoảng 5 độ C, ở độ cao khoảng 650m so với mặt nước biển, không có điều kiện lý tưởng như ở Đà Lạt, nên các loài rau, hoa ôn đới đem về trồng ở đây có hạn chế nhất định. Do vậy, theo các cán bộ nghiên cứu, một số loại hoa như ly ly, đồng tiền, cải bắp nếu được trồng trong nhà có mái che sẽ cho năng suất và chất lượng cao hơn.
< Cầu tre bắc qua Bến Thùng.
Ông Luy khẳng định: “Tôi tin vào hiệu quả kỹ thuật và kinh tế của việc trồng các giống ra hoa ôn đới ở Vĩnh Sơn”. Hiện tại, Ban Chủ nhiệm đề tài đang tính tới khả năng tổ chức các mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện; đồng thời, tìm đối tác liên kết để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trồng rau, hoa trong nhà lưới… để có được sản phẩm sạch và chất lượng cao.
Từ những lời nói chắc chắn, thuyết phục của một người làm khoa học, cộng với những gì quan sát được ở vườn hoa, chúng tôi nghĩ đến một tương lai không xa, những chuyến xe chở rau và hoa từ Vĩnh Sơn sẽ toả đi khắp nơi trong tỉnh, vươn ra thị trường trong nước và quốc tế…
Nghĩ về tiềm năng du lịch của dòng sông
Tiềm năng du lịch của sông Côn không còn là vấn đề mới mẻ. Nhiều năm trước, cán bộ và nhân dân sống dọc dòng sông đã ấp ủ những dự định. Trong lần gặp mới đây, ông Trần Đình Ký, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cũng trò chuyện rất cởi mở với chúng tôi về vấn đề này. Trong câu chuyện của mình, ông Ký đề cao giá trị du lịch của các địa danh lịch sử và tự nhiên của vùng cao Vĩnh Thạnh.
< Bến Thanh Giang giờ chỉ là một bờ đất sạt lở…
Trong những ngày len lỏi giữa núi rừng tìm dấu tích của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn, ông Ký đã được tiếp cận với nhiều địa điểm, như thành Tà Kơn, hang Dơi, núi Nguyễn Huệ… tiềm ẩn nhiều điều chưa khám phá hết. Đặc biệt, nơi đây còn có điều kiện khí hậu mát mẻ trong lành, với rất nhiều khu rừng già và thác nước kỳ vĩ. Ông bảo, nếu được đầu tư tốt thành một hệ thống liên hoàn, cùng với Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn, đập Định Bình, vùng cao Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du lịch.
Dọc sông Côn, từ vùng cao Vĩnh Thạnh xuống Tây Sơn, những dấu tích lịch sử liên quan đến anh hùng Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn như Bảo tàng Quang Trung, đền thờ Bùi Thị Xuân, bến Trường Trầu… rồi di tích Huyện đường Bình khê, nơi thân sinh của Bác Hồ từng sống và làm việc, nơi in dấu chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong lần đến thăm cha trước khi tiếp tục vào Nam và ra đi tìm đường cứu nước, đều sẽ là những điểm dừng chân không thể thiếu của du khách trong hành trình về nguồn.
< Trên dòng nước lũ, cầu Nhạn Tháp chỉ còn mấy nhịp chơ vơ.
Bên cạnh đó, dọc sông Côn, còn biết bao cái tên mà mỗi lần nhắc đến lại gợi nhớ trong mỗi chúng ta biết bao miền hoài niệm. Đó là mảnh đất Gò Bồi gắn liền với thời thơ thiếu nhỏ của nhà thơ Xuân Diệu. Trong tương lai Gò Bồi sẽ là một điểm trong tour du lịch của tỉnh trước khi đến Núi Bà, Nhơn Lý. Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu bên sông Gò Bồi thơ mộng sẽ là điểm dừng của những khách yêu thơ.
Đó là đất An Thái với hội Đổ Giàn, nơi một thời hội tụ lòng người trong tinh thần thượng Võ. Khi lễ hội này được tổ chức đều đặn, bài bản hơn, sẽ là một điểm đến của không chỉ người Bình Định mà của cả những du khách trong và ngoài nước…
< Ông Lê Lan lái đò đưa khách sang sông. Rồi đây, hình ảnh này chỉ còn trong quá vãng…
Cuối hạ nguồn, “nơi sông trở về” bên đầm Thị Nại, đã là Khu Kinh tế Nhơn Hội với nhiều công trình đã và sẽ được dựng xây. Cùng với những dự án đầu tư công nghiệp, những dự án du lịch mới cũng được ấp ủ cũng với tuyến du lịch biển Nhơn Hội – Cát Tiến…
Và biết đâu, chỉ vài năm nữa, khi những công trình này hoàn thành, sẽ có một tour du lịch dọc sông Côn. Trên con sông, nước vẫn chảy như mọi ngày, nhưng nghe như trong bài ca của sóng vọng về khát vọng đổi thay…
Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ 5 – Kỳ 6 – Kỳ 7 – Kỳ 8 – Kỳ 9 – Kỳ 10 – Kỳ 11 – Kỳ 12 – Kỳ 13 – Kỳ 14
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
NISAVA TRAVEL!