(VNE) – Ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương lập dự án khôi phục hệ thống khai thác nước cổ ở xã Gio An (Gio Linh), có niên đại khoảng 2.000 năm.

Hệ thống giếng cổ này bao gồm hơn 30 giếng nước sử dụng chất liệu đá xếp, có kiến trúc độc đáo, đa chức năng, nằm rải rác hai bên đường 75 (Km 7,8), ở 5 thôn: An Nha, An Hướng, Hảo Sơn, Long Sơn, Tân Văn thuộc địa phận xã Gio An, huyện Gio Linh; cách nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn khoảng 4 km về phía Đông Nam. Đây là một loại hình di tích độc nhất vô nhị, không chỉ của Quảng Trị mà còn đối với cả nước. Người địa phương thường gọi giếng cổ, sử dụng nước giếng phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận 14 giếng tiêu biểu là di tích quốc gia vào năm 2001.

Có 3 loại giếng riêng biệt, gồm giếng máng, ao và bi. Người dân cho biết giếng nước trong vắt, ngọt lành, đông ấm hè mát. Nhiều người vẫn múc nước giếng để uống.

Giếng máng gồm một bể lắng ở trên cùng, nước được dẫn ra bằng hai máng dài, phía dưới là bể chứa rộng 20-40 m2, sâu một m, hình tròn để người dân sinh hoạt, phía ngoài có bể nhỏ cho trâu bò, súc vật, cuối cùng là mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. NISAVA

Giếng ao được đào sâu ngang mạch nước ngầm rồi kè đá xung quanh theo hình vành khăn, không có bể lắng và máng dẫn nước. Nước ngầm đổ ra bể chứa rồi theo hệ thống mương ra ruộng đồng. Do chỉ có một bể chứa nên sát họng nước ngầm, một tảng đá lớn hình chữ nhật được đặt vào để tạo dòng nước chảy hai bên, ngăn nước chảy ngược vào trong, làm ranh giới quy ước để bên trong chỉ sử dụng cho ăn uống.

Loại cuối cùng là giếng bi với các bi giếng hình trụ tròn khum giống tang trống, được chế tác từ đá bazan nguyên khối, đường kính khoảng 0,5 m. Mỗi giếng có khoảng 3-4 bi, sâu hơn một m.

Điều đặc biệt là các giếng này lợi dụng mạch nước ngầm, tự chảy cả nghìn năm nay. Chủ nhân sáng tạo ra hệ thống khai thác nước đặc biệt này là người bản địa cổ Chămpa. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, họ đã xây dựng hệ thống dẫn thủy liên hoàn với giếng, mương, hồ, đập nước…, dùng đá xếp ở vùng đồi đất đỏ bazan phục vụ thiết thực cho sinh hoạt và sản xuất.

Đây là di sản văn hóa có một không hai ở Quảng Trị, minh chứng về nền văn minh nông nghiệp cổ của cư dân Chămpa, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác tốt tiềm năng của vùng đất họ gắn bó.​ NISAVA

Nhờ nguồn nước giếng này, người dân địa phương trồng rất nhiều rau liệt, biến nó trở thành món đặc sản riêng ở đây. Rau liệt được chuyển đi nhiều tỉnh ở miền Trung, giúp người dân mỗi năm bình quân thu khoảng 30 triệu/sào. Rau được trồng từ tháng 10 âm lịch và kéo dài khoảng 4-5 tháng.

Trải qua chiến tranh và sử dụng của con người sau này, nhiều giếng bị thay đổi kiến trúc, một số bị thiên nhiên tàn phá. Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị đang lập dự án để khôi phục nguyên trạng các giếng này.

Riêng giếng Đào ở thôn An Nha sẽ được khôi phục khẩn cấp để chống lại tác động của thiên tai. “Giếng Đào tiêu biểu cho loại hình giếng máng, nhưng nguồn nước hiện không chảy qua máng dẫn do bể lắng bị sói lở”, ông Nguyễn Quang Chức, Phó giám đốc Trung tâm cho hay.

Từ 3 năm qua, ông Chức đã liên hệ với các mỏ khai thác đá tại Gio An đặt đá nguyên liệu cho công tác khôi phục.

“Chất liệu xây dựng các giếng phải là đá bazan nguyên khối, có hình thù và kích thước theo yêu cầu như máng nước phải tạo từ khối đá hình trụ tròn dài khoảng 1,5 m, hay trong các giếng ao phải đặt khối đá hình chữ nhật kích thước lớn. Hệ thống mương dẫn nước cũng phải khôi phục bằng đá tự nhiên, không sử dụng đá chẻ”, ông Chức thông tin.

Do các giếng nằm ở khu vực không có đường cho phương tiện cơ giới nên việc khôi phục phải làm hoàn toàn sức người. Dự kiến kinh phí khôi phục các giếng khoảng 3 tỷ đồng.

Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị cũng đang lập hồ sơ để nâng cấp hệ thống khai thác nước cổ thành di tích đặc biệt quốc gia. Về lâu dài, ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị hướng đến đưa giếng cổ thành di sản thế giới.

Theo Hoàng Táo (NISAVA)
NISAVA TRAVEL!

Độc đáo hệ thống khai thác nước cổ ở Gio An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *