(BKT) – Ting Pêng có thể được tổ chức bất cứ khi thời điểm nào trong năm, khi có điều kiện, kéo dài từ 2- 4 ngày… 
Kết quả khảo sát điền dã cho thấy, hiện nay chỉ còn vài làng ở xã Đăk Ui và xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) còn lưu giữ được lễ thức Ting Pêng độc đáo này…

Ting Pêng là lễ thức tín ngưỡng của người Xê Đăng Tơdră. Theo tiếng Tơdră thì Ting là cúng, tế, Pêng là bắn. Tên gọi này đã thể hiện được 2 đặc thù cơ bản của hoạt động này: cúng thần linh và bắn gia súc. Lễ thức này xuất phát từ quan niệm trả nợ thần linh – một khi “có của ăn, của để” là lúc phải thực hiện lời hứa trước thần linh. Ting Pêng có thể được tổ chức bất cứ khi thời điểm nào trong năm, khi có điều kiện, kéo dài từ 2- 4 ngày… Kết quả khảo sát điền dã cho thấy, hiện nay chỉ còn vài làng ở xã Đăk Ui và xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) còn lưu giữ được lễ thức Ting Pêng độc đáo này.

Việc chuẩn bị cho Ting Pêng cần thời gian dài, có thể 1 tháng, có khi nhiều hơn. Theo người Tơdră, vật hiến sinh có thể là trâu, dê, heo… chủ yếu do các gia đình tự đảm nhiệm, việc chung của làng không nhiều. Với điều kiện kinh tế gia chủ khá giả và con cái thành đạt thì vật hiến tế thường là trâu; riêng làng chuẩn bị 1 con trâu lớn, kèm 2 con heo lớn để cúng thần nhà Rông (Yang T’chuông). Tất cả các con vật đều phải là con đực và mạnh khoẻ. NISAVA

Các gia đình thường tiến hành chuẩn bị vật hiến sinh trước đó rất lâu, bởi hầu hết là vật nuôi trong nhà. Nhiệm vụ của phụ nữ là lo củi đốt, nồi niêu, ống lồ ô để nướng thịt, rau rừng để làm món ăn; công việc quan trọng của nam giới là lo chuẩn bị dao, đặc biệt là nỏ và tên, vì đây là công cụ chủ đạo có trong lễ Ting Pêng. Ngoài ra, việc bện dây bră (dây buộc súc vật) là việc chung của nam và nữ.

Về việc làng, tại nhà Rông, dàn trống thiêng (ieng hgâr) được huy động để đánh suốt đêm trước ngày lễ chính. Dân làng được huy động làm hàng rào, rào kín khu vực cư trú trong thời gian 2 ngày, không cho người lạ vào làng trong thời điểm diễn ra lễ hội– đây là một trong những tập tục nhằm giữ gìn sự trong sạch đối với vật hiến tế, cảnh quan, môi trường và đặc biệt là con người khỏi những sự chung đụng, va chạm trong, ngoài làng, quan hệ nam nữ khiến thần linh nổi giận… Vật hiến sinh được giữ gìn cẩn thận, tránh không cho người ngoài sờ tay vào, người lạ nhìn vào; người Tơdră thường chọn một bãi đất cao ráo, vắng vẻ để làm nơi tổ chức Ting Pêng.

Vào phần lễ, thường 8h sáng, vật hiến sinh được đưa vào bãi bắn. Trâu làng được bắn trước, tiếp theo là trâu của gia chủ tổ chức Ting Pêng và sau nữa là dê của các gia đình trong làng. Sau khi cột trâu, dê vào dây, mỗi gia đình đều có tên, nỏ riêng của gia đình mình. Ông chủ gia đình bắt đầu lắp tên bắn thử, sau đó là bắn thật. Đây cũng là một nghi thức quan trọng, để không phật lòng Yàng mà mang tai hoạ cho gia đình mình, người bắn không được bắn trật hay làm gãy tên, gãy nỏ. Mỗi con vật chỉ bắn 1 phát duy nhất. Người ta lấy máu của vật hiến sinh cúng Yàng.

Vào lễ cúng, ngoài bãi, già làng (đối với làng) và các ông chủ gia đình mang tất cả các ống lồ ô thịt, lòng con vật đã nấu chín ra bãi bắn, nơi cột keang đã treo sẵn ống lô ô máu và đầu con vật. Các món có nước được đổ vào các cây pe, các món thịt nướng cột chặt vào khung keang, gan đặt lên mảnh lá trên cao. Già làng và các ông chủ lễ dùng 2 bàn tay huơ lên các thức ăn, rồi cầm lấy ống lồ ô máu bôi lên khắp nơi, gọi tên các Yàng, tổ tiên (yang pôya) và khấn (tạm dịch):

Nay làm lễ bắn cúng nhà Rông, nỏ chúng tôi bắn con trâu, con dê, con heo, dâng cúng con trâu, ống nước của cả dân làng chúng tôi. Chuyện gì không phải, không đúng của dân làng xin được bỏ qua. Xin thỉnh các Yàng, tổ tiên, đây là gan chúng tôi cúng, mong được làm tốt cái rẫy, tốt cái nương, no cơm ấm áo. Sau đó, mọi người tập trung tại cột keang của làng rồi nhà nào về nhà ấy tiến hành lễ cúng y như thế.

Sau phần nghi lễ là phần hội. Đầu trâu, dê cúng sống được tháo xuống, luộc chín. Dân làng trở về nhà cõng rượu ghè tới. Rượu không được dùng để cúng nên dân làng chuẩn bị không nhiều. Số rượu này được uống với thịt đầu trâu, dê đã luộc chín.

Chiều đến, khoảng 17h, hoạt động thú vị nhất trong phần hội là pêng hlă (bắn lá): Làng đã chuẩn bị 2 cây lồ ô còn nguyên lá cắm xuống đất, bắt chéo nhau ở phần nóc tạo hình thù cái cổng làng (kno) ở cuối bãi bắn. NISAVA

Bước đầu, đàn ông, thanh niên tập bắn thử ở ngay cột nêu (loong keang) của riêng mình. Họ bắn vào các ống thịt được buộc ngang trên cột nêu khoảng vài ba phát tên, sau khi đã lầm rầm khấn vái. Nếu 3 phát trúng được 2 thì tức là yàng cho phép bắn thật, nếu trật 2 hoặc cả 3 phát, người bắn tự động bỏ cuộc (vì không có ai giám sát bắn thử cả).

Tiếp đến là bắn thật- đây là phần chủ yếu của hoạt động này. Từng người một, trước sự cổ vũ của dân làng, thay nhau đúng vào vị trí định sẵn. Mũi tên được chẻ làm tư để vướng vào lá nhiều hơn. Mục tiêu bắn là lá trên một cây gạo có lá nhỏ như lá xoan, nhưng dày hơn. Ai bắn rụng được nhiều lá hơn được dân làng hoan hô và được già làng thưởng những miếng thịt từ ống lồ ô đã cúng Yàng. Trong quan niệm của dân làng, người bắn rụng nhiều lá là người được các Yàng chiếu cố sẽ nhiều may mắn trong thời gian tới.

Bắn lá là hoạt động vui nhộn nhất trong lễ Ting Pêng; và đây cũng là hoạt động cuối cùng trong lễ Ting Pêng trước khi nhường chỗ cho phần hội tiếp tục diễn ra tại nhà Rông cho đến khi “sức tàn, rượu nhạt”…

Theo Khánh Lễ – Nguyễn Đang (Báo Kontum)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *