(DNSG) – Từ phố cổ Hội An qua cầu Cẩm Kim, chúng tôi gặp ngay con đường men theo lạch nước Bến Quế dẫn vào thôn Triêm Tây. Một miền xanh mát hiện ra bên bến sông quê. Dưới hàng tre lao xao gió, những ngôi nhà mái ngói ẩn hiện bên những lối đi có tên Chè Tàu, Me Xanh…
< Làng Triêm Tây nhìn từ trên sông.
Mới chỉ ba năm trước, làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) còn đứng trước nguy cơ bị xóa tên trên bản đồ hành chính do nạn sạt lở quá dữ dội, may nhờ một kiến trúc sư Việt kiều Pháp tiếc ngôi làng xinh đẹp nên đã làm kè sinh thái bảo vệ Triêm Tây trước những con nước lớn. Tiếp đó, UNESCO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phối hợp đào tạo cho dân làng những kỹ năng cần thiết để phát triển bền vững du lịch cộng đồng.
< Làng nhìn từ trên cao.
Cũng như phần lớn làng mạc miền Trung, Triêm Tây chỉ còn người già vì giới trẻ đã ra thành phố gần hết. Nhưng không sao, du khách nước ngoài lại tỏ ra thích thú khi được các lão nông tri điền dẫn đi thăm thú.
NISAVA
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà treo biển gỗ Thủy Tạ Sông Quê. Lối vào nhà men theo con đường nhỏ trồng cây chè tươi xanh mướt. Bà chủ tuổi đã ngoài 60 tiếp khách bằng cái niềm nở rất chân thành. Với chất giọng đậm chất Quảng Nam, bà thong thả giới thiệu hơn chục địa điểm đặc trưng về văn hóa, lịch sử của làng.
< Dòng sông chảy qua làng.
Mấy năm trước, Triêm Tây còn cách biệt hẳn với Hội An do chưa có cây cầu Cẩm Kim. Một phần vì vậy mà làng còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc cổ cùng các ngôi nhà cổ Phó Ba, Miếu Thành Hoàng Làng, chùa Phú Thọ, giếng cổ ông Xã Chức… Du khách đến đây ngoài tìm hiểu kiến trúc và đời sống Quảng Nam xưa thì còn thích được trải nghiệm nghề dệt chiếu và ghé vườn hái rau hữu cơ. Các món ăn dân dã xứ Quảng tươm tất, nóng hổi cũng được những bàn tay gân guốc chế biến khá chuyên nghiệp.
< Du khách đến thăm Triêm Tây.
Đi đến tận cuối con đường bê tông, chúng tôi vào căn nhà ba gian có hai cụ bà đang túc tắc dệt chiếu. Trước chúng tôi đã có một đôi du khách đang tỉ mẩn trải nghiệm cảm giác ngồi dệt. Hai cụ vui vẻ khoe hồi trước mỗi ngày dệt chiếu miệt mài chỉ kiếm được ba mươi ngàn đồng, giờ đây có du lịch nên kiếm được gấp đôi, gấp ba. Thậm chí, từng có khách Hàn Quốc sau khi mua hết còn đặt hàng để gửi về Hàn làm quà.
NISAVA
Được biết các cụ ở đây được học cách kinh doanh du lịch cơ bản, học tiếng Anh, học cả cách tiếp đãi khách. Khi hợp tác xã du lịch cộng đồng ra đời, 25 hộ dân đã tham gia, đặc biệt các xã viên đều đã trên dưới 60 tuổi. Hợp tác xã chia thành các tổ ẩm thực, tổ dân ca, tổ chèo thuyền…
< Trên đường quê.
Những cụ ông, cụ bà tự tổ chức tour, tự hướng dẫn khách tham quan, tự nấu nướng, phục vụ ăn uống và các nhu cầu khác của khách… Vậy mà khách nước ngoài có vẻ thích thú. Hầu như không có ngày nào mà làng không có đoàn đến chơi.
NISAVA
Du khách trẻ Việt Nam cũng bắt đầu ghé Triêm Tây trong những chuyến đến Hội An. Làng đã có hai khu du lịch là Triêm Tây và Me Xanh với các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cơ bản, giá phải chăng. Dạo quanh làng ngắm trẻ tắm sông, người lớn gánh nước, du khách cảm nhận được sự nồng hậu, gần gũi thân thiện của người dân xứ Quảng…
Theo Thu Hoa (Doanh Nhân SG)
NISAVA TRAVEL!
Về chốn bình yên Triêm Tây
Khám phá làng Triêm Tây