(BCT) – Trong những ngày này, công trình thi công cáp treo núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn, An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) đang gấp rút hoàn tất để chính thức đưa vào phục vụ du khách lên đỉnh núi vào ngày lễ Tình nhân 14-2-2015, trước Tết Ất Mùi, với hành trình mới, thú vị hơn.

Theo truyền thuyết, khi Nguyễn Ánh bôn tẩu đã đến Thiên Cẩm Sơn ẩn náu. Muốn giấu kín tông tích, cận thần của ông phao tin có ác thú, yêu quái để cấm dân chúng lên núi. Từ đó, ngọn núi có tên dân gian là núi Cấm. Khi Nguyễn Ánh giành lại cơ đồ với vương hiệu Gia Long, núi Cấm đã “mở” cho người dân lên sinh sống và khai thác lâm sản. Lúc bấy giờ, ngọn núi tọa lạc giữa một vùng đất hoang vu, giặc cướp, thú dữ hoành hành. Sau năm 1975, đường lên đỉnh núi vẫn phải vẹt cây rừng mới có lối đi. Đi lả mồ hôi dù lúc nào trên núi cũng có sương mù.

Những năm 2005, lên núi là con đường mòn có nơi dốc khoảng 40o lượn quanh sườn, một bên vách đá thẳng đứng, một bên vực sâu hun hút. Từ năm 2011, đường lên núi Cấm mở rộng, trải nhựa, xe hơi lên thuận tiện.

Từ năm 2003, Ban quản trị chùa Phật Lớn thiết kế, thi công tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á (33,60m) sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, rộng trên 2 ha, Đây là một công trình nghệ thuật, kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất vùng Bảy Núi. Điều thú vị là khi đứng ở bất cứ vồ nào trên núi cũng đều nhìn thấy tượng phật trắng sáng. Ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”. Mặt tượng Phật Di Lặc uy nghi với nụ cười bao dung, an nhiên hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm. NISAVA

Núi Cấm đang mở với hệ thống cáp treo lên núi do MHB Châu Đốc hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển Du lịch An Giang (Cty CPPTDLAG), tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng. Dự án quy mô lớn, với chiều dài 3.461 mét, được xây dựng bằng công nghệ Pháp, đảm bảo tiêu chuẩn của Hiệp hội cáp treo châu Âu. Toàn tuyến cáp có 16 trụ, 89 cabin cáp đôi, mỗi cabin chứa 8 khách, công suất phục vụ 2.000 khách/giờ.

Sau một năm thi công, cáp treo núi Cấm vận hành kỹ thuật trong một tháng, từ đầu tháng 1-2015. Cáp treo núi Cấm không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách lên xuống núi (8 phút/chuyến) với bốn bề mây phủ mà còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Hiện tại, ngoài tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, các điện và vồ…, núi Cấm còn thu hút khách tham quan, tìm hiểu Cao Đài Tự. Cao Đài là một giáo phái được thành lập ở Việt Nam vào năm 1926. Cao Đài Tự trên núi Cấm là một thánh thất cổ với nhiều điều hấp dẫn khách du lịch phương xa. Theo chiều hướng đó, núi Cấm sẽ có thêm nhiều điểm du lịch trong tương lai với núi non hùng vĩ, vùng sơn địa đặc thù độc đáo của cả vùng đồng bằng Nam Bộ, hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú, khí hậu quanh năm dịu mát (được mệnh danh “Đà Lạt phương Nam”).

Để núi Cấm thêm sắc xanh của nước biếc bên cạnh màu rừng núi, sẽ có một hồ lớn là hồ Thanh Long do Cty CPPTDTDLAG và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư. Hồ là một thung lũng lớn rộng 30,6 héc-ta, lớn gấp 3 lần hồ Thủy Liêm. Bờ kè và đường lót đá xanh quanh hồ đã hoàn chỉnh. Hồ sẽ tích nước từ các mạch nước ngầm trong lòng đá len lỏi đổ qua các khe đá, cung cấp nước sinh hoạt cho dân núi, điều tiết khí hậu, giúp khu vực lúc nào cũng lãng đãng sương mù. Khi đầy nước, nước từ hồ sẽ theo đập tràn đổ xuống suối Thanh Long bên dưới, khiến thắng cảnh này vốn đẹp càng thêm quyến rũ. Bốn mùa lúc nào suối cũng ầm ào dòng nước cuộn, là nơi tắm mát của khách theo đường bộ lên núi.

Cùng với công trình hồ Thanh Long là các công trình khác như khu tái định cư 8,9ha, đường lên khu định cư, bãi giữ xe và đường đến Cao Đài Tự. Đặc biệt, để giữ chân khách, Cty CPPTDLAG, Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn, Công ty Dịch vụ lữ hành sẽ tiếp tục đầu tư 6 dự án mới: khu biệt thự sinh thái, khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ hành hương 3, với tổng diện tích trên 70ha. Riêng khu nghỉ dưỡng được xây trên diện tích 8,4ha, kết hợp khu hội nghị (21ha), được thiết kế xây dựng dạng resort, tạo thành quần thể công trình cao cấp, mang đậm bản sắc dân tộc. Song song đó, khu du lịch hành hương 1 (4ha) bố trí cạnh đường lên chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, động Thủy Liêm sẽ tổ chức lại các điểm bán những mặt hàng truyền thống phục vụ tuyến đường đi bộ… Tất cả sẽ làm thay đổi diện mạo núi Cấm theo hướng tích cực. NISAVA

Núi Cấm đã, đang và sẽ “mở” để xứng đáng là “đệ nhất danh sơn miền Tây”. Đặc biệt, với cáp treo độc nhất vô nhị vùng ĐBSCL, đỉnh núi thiêng nhiều huyền tích nầy sẽ giúp du khách “mở rộng” tầm nhìn từ trên cao.

Theo Phù Sa Lộc (Báo Cần Thơ)
NISAVA TRAVEL!

ĐGD: Mình cho rằng khi nào xe cá nhân được tự do chạy lên xuống đường lên núi Cấm thì mới gọi là ‘mở’ được. Cả nước có biết bao ngọn núi thuộc địa danh du lịch đều cho xe chạy lên thoải mái thì hà cớ gì núi Cấm lại ‘cấm’ xe của khách? Có phải đây là cách tận thu vì chỉ có xe ôm hay xe 7 chỗ của ban quản lý (mua vé) được hưởng quyền này?
Bao ngọn núi có đường, bọn mình đều lên sất nhưng bán vé để lên núi thì mình không lên. Không phải ngại tốn chút tiền nhưng lái xế lên núi là một điều tuyệt thú, vậy tại sao lại bỏ cái thú ấy cho người khác mà còn phải móc hầu bao trả cho họ? Trả phí, ta sẳn sàng chi trả trên ấy, ví dụ như ăn uống, phòng nghỉ… còn phí xe lên thì… tuyệt đối không!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *