“Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, không chỉ một tấm bảng khẳng định chủ quyền, một rừng dương vi vút hát trong chiều muộn, đứng ở mũi Sa Vĩ – điểm khởi đầu của dải đất hình chữ S – chúng tôi còn thấy cả một nỗi niềm bâng khuâng, tự hào về Tổ quốc.
Trà Cổ nằm ở cực đông bắc đất nước, cách thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 10km. Có thể đến Trà Cổ bằng nhiều cách: canô, tàu thủy chạy từ Hải Phòng đến Móng Cái với hành trình 200km, hoặc từ Hòn Gai (130km). Nếu đi đường bộ có thể lên ôtô từ Hà Nội, theo đường 18, Hà Nội – Hòn Gai đến Tiên Yên rồi rẽ đường số 4 đi thị xã Móng Cái để ra biển Trà Cổ.
Từ bờ vịnh Hạ Long, dù khó mua vé một chút, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có mặt trên chiếc tàu cao tốc thiếu thốn tiện nghi để vượt biển đến thị xã Móng Cái – nơi có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc.
Thị xã không ngủ
Người Việt và người Hoa ngày ngày có thể đi lại qua cây cầu Bắc Luân để bán mua tấp nập. Vì thế, du khách đến đây để tìm mua hàng hóa cũng có, mà để thử cảm giác lần đầu tiên được “xuất ngoại” cũng nhiều. Chỉ cần một tờ “giấy thông hành” mà bất kỳ khách sạn, nhà nghỉ, quán cà phê hoặc anh xe ôm cũng có thể lo trọn gói là du khách có thể đặt chân sang Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc).
Có cảm giác thị xã không ngủ. Nhà cửa san sát, xe máy, ôtô nườm nượp. Không chỉ các trung tâm thương mại, các cửa hàng, cửa hiệu cũng mở từ sớm đến khuya. Dòng sông Ka Long rộn rã những chuyến tàu chở hàng hóa ngược xuôi, những vải vóc quần áo, giày dép, đồ gia dụng, và hơn cả là hải sản đậm đà mùi biển cả, những tiếng nói dường như cũng nhuốm màu sóng gió để trở nên nặng hơn, lạ hơn nhiều vùng đất miền Bắc khác. Vì thế, gặp được anh xe ôm tên Đức nói rặt giọng Hà Tây cũ, tự dưng cảm thấy thân thuộc.
Bình yên Trà Cổ
Sáu năm trước, lần đầu đến đây với chiếc xe máy cũ, Đức không xác định gì ngoài mục đích kiếm cơm. Rồi từ chạy xe ôm, anh đã lấy vợ, sinh con và mua nhà ngay tại làng biển Trà Cổ. Ngồi sau tay lái thiện nghệ của Đức, khách thu vào mắt đủ sự lạ lẫm.
Chỉ ra khỏi thị xã vài cây số, tự dưng thấy trời như rộng ra, đất đai bằng phẳng đi. Cứ thế, hơn chục cây số đường nhựa thẳng tắp, chỉ thấy hai bên là bãi sú mênh mông. Hết đường, Đức khoát tay chỉ, rẽ phải là Mũi Ngọc, rẽ trái là đường đến Trà Cổ – ngôi làng biển cổ kính nằm dọc con đường nhỏ và vắng vẻ. Bên kia là rừng dương, là bãi biển, là bờ biển bao quanh vùng biên cương Tổ quốc. Đi qua Trà Cổ, hết con đường ấy là đã có thể cùng mũi Sa Vĩ hướng ra biển.
Lạ thế, chỉ cách Móng Cái hơn chục cây số, Trà Cổ dường như đứng ngoài sự náo nhiệt mua bán, vẫn giữ được vẻ yên bình hiếm có của riêng mình như bao đời nay vẫn thế. Những ngôi nhà nhỏ, thấp với gạch ngói rêu phong đặc trưng nơi hứng chịu nhiều bão tố. Con đường cũng nhỏ, người đi lại thưa thớt và chậm rãi. Làng chạy dọc đường đi nên có nhiều ngõ nhỏ, vì thế rẽ vào ngõ nào cũng gặp những điều bất ngờ. Nhiều ngôi nhà cũ, thẫm rêu, trên cổng còn ghi rõ năm xây dựng từ những thập niên đầu thế kỷ trước.
Chợt gặp một biển chỉ lối rẽ vào đình Trà Cổ – di tích lịch sử đã được xếp hạng, nơi đã khởi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên ca khúc Mái đình làng biển nổi tiếng. Đình được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 đời Hậu Lê (1462), thờ sáu vị thành hoàng đã có công lập nên làng Trà Cổ. Ẩn sau những mái đao cong vút là biết bao câu chuyện về lịch sử, chuyện đời, chuyện người. Đình vắng, mấy cậu bé say mê với trò chơi tự chế từ chiếc lốp xe máy hỏng bên gốc cây bàng, cây phượng. Bãi cát trắng sạch, nước biển trong xanh, biển Trà Cổ cũng thu hút nhiều người đến đây vui chơi. Nhưng với chúng tôi, đến Trà Cổ bởi nơi đây còn có điểm đầu tiên của nét bút tạo hóa vạch nên bản đồ hình chữ S.
Thiêng liêng Sa Vĩ
Rời làng biển, vẫn con đường thẳng tắp, tràn ngập vị mặn mòi của biển, Đức chỉ tay: “Trước mặt chính là mũi Sa Vĩ”. Tấm biển “Vành đai biên giới” nằm ngay cuối con đường, nơi nhô ra phía biển như ngón tay chỉ về đại dương xa ngút mắt. Ngay chót mũi Sa Vĩ, phía tay trái có một mảnh vườn nhỏ trồng rất nhiều cây. Đó là khu vườn do các nguyên thủ quốc gia trồng khi về thăm điểm đầu tiên của dải đất hình chữ S.
Chúng tôi đã uống một hớp nước ở điểm đầu này, ngắm những hoa sim, hoa mua như cũng tím hơn trong chiều biên giới, giẫm chân lạo xạo trong bùn cát và hưởng trọn nắng gió biển trời Sa Vĩ. “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Nhúm một nhúm cát, nhặt lên một hòn đá cuội, nắm chặt trong tay để thấy cát và đá cũng ấm tình Tổ quốc…
NISAVA TRAVEL! – Theo Dulich Tuoitre