(BTA) – Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hàng trăm ngôi chùa được xây dựng trong nhiều thế kỷ nay, trong đó có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc kết hợp với thiên nhiên tươi đẹp tạo nên thắng cảnh. Có những ngội chùa gần biển, gần sông, có chùa nằm cheo leo trên đỉnh núi hoặc khuất trong rừng rậm hay ở tận đảo xa v.v…

Nghệ thuật trang trí điêu khắc tại các chùa, nhất là ở các chùa cổ là một trong những vốn văn hóa Phật giáo được lưu giữ qua nhiều thế hệ thể hiện trên những pho tượng, các mảng phù điêu đến các bài vị, hoành phi, câu đối đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Có thể thấy một bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Bình Thuận là những ngôi chùa.

1. CHÙA NÚI

Còn gọi là Chùa Tà Cú, xây dựng chính thức vào năm 1879 do nhà sư Trần Hữu Đức trụ trì, tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao 475m (hiện nay thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam). Trước kia ngôi chùa chỉ là một thảo am nhỏ bằng gỗ, tranh, nứa. Mãi sau này, từ ngôi chùa cổ ban đầu tách thêm một ngôi chùa ở bên dưới gần đó. Để phân biệt, chùa trên có tên là Linh Sơn Trường Thọ, chùa dưới gọi là Linh Sơn Long Đoàn và dân gian gọi chung là Chùa Núi.

Năm 1872 nhà sư Trần Hữu Đức (1812 – 1887) pháp danh Thông âm, từ miền Trung vào, một mình vượt núi, xuyên rừng, lên đỉnh núi Tà Cú tìm nơi an tịnh để tu hành. Mãi 7 năm sau, những người đi rừng mới phát hiện ra hang đá nơi tu hành của nhà sư nên đã góp công dựng. Vừa tu hành vừa bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân được 16 năm thì nhà sư viên tịch. Từ đó nhà chùa lấy ngày 5 tháng 10 hàng năm làm ngày giỗ Tổ.

Lúc còn sống, nhà sư là thầy thuốc giỏi. Tương truyền vào năm Canh Thìn (1880), nhà sư đã cứu Hoàng thái hậu thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo bằng thuốc của mình. Vua Tự Đức đã ban sắc đặt tên chùa là “Linh Sơn Trường Thọ” và suy tôn nhà sư Trần Hữu Đức là “Đại lão Hòa thượng”. Ngôi chùa dưới “Linh Sơn Long Đoàn” được xây dựng vào cuốn thế kỷ XIX theo ý nguyện của nhà sư trước lúc viên tịch.

Chùa Núi Tà Cú kết hợp, xen kẽ với núi rừng đã có tiếng là nơi thắng cảnh từ xưa. Từ dưới chân núi, leo lên hàng trăm tam cấp theo con đường ngoằn ngoèo giữa rừng già mới đến chùa. Ở đây không khí trong lành, hơi nước lạnh mát toát ra từ núi đá. Chùa Núi nổi tiếng nhờ ở phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng; mặt khác, bàn tay con người qua nhiều thế hệ thay nhau bồi đấp nên những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ có một không hai. Đó là pho tượng khổng lồ “Thích Ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. NISAVA

Bằng tài nghệ, kỹ thuật điêu khắc và lòng sùng kính, các nghệ nhân đã tạo nên pho tượng hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tác phẩm do kỹ sư Trương Đình Ý chủ trì thực hiện vào năm 1962. Tượng Phật Thích Ca trong tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên tay phải, 2 chân duỗi thẳng, mặt quay về hướng tây nam, lưng dựa vào vách núi. Pho tượng dài 49m, cao 6m và nặng hàng trăm tấn. Với hàng chục ngàn kg vật liệu đúc tượng, hàng ngàn lượt người đã phải vượt 4 – 5 km đường núi hiểm trở với thời gian dài vận chuyển đủ để tạo nên tác phẩm điêu khắc nghệ thuật này.

Cách pho tượng chừng 50m là nhóm tam thể phật trong tư thế đứng: tượng A di đà, tượng Quan Âm bồ tát, tượng Đại thế chí. Cả 3 pho tượng có chiều cao khoảng 7m nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian.

Hằng năm vào bất cứ thời điểm nào, nhất là dịp xuân sang, hàng vạn người từ khấp nơi kéo đến chùa Núi viếng Phật, thưởng ngoạn cảnh non nước thiên nhiên.

Chùa Núi cùng với những cánh rừng bảo tồn thiên nhiên lân cận đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 7 tháng 1 năm 1993.

2. CỔ THẠCH TỰ

Tục gọi là Chùa Hang được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835) do nhà sư Bửu Tạng sáng lập, tọa lạc trên vùng đồi núi đá lô nhô sát biển ở độ cao 64m thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Dưới chân đồi là biển Đông với nhiều ghềnh, đá núi, bãi cát, bãi đá màu tự nhiên kết hợp lại tạo thành nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở phía Bắc Bình Thuận.

Vùng đồi núi Cổ Thạch có nhiều tảng đá lớn, chồng lên nhau chứa đựng những vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, tạo nên nhiều hang động kỳ vĩ huyền bí. Chùa Cổ Thạch gồm một quần thể các công trình kiến trúc chính điện, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, nhà thiền… phần lớn đều được bài trí trong các hang đá tự nhiên.

Việc chọn điểm lập am, dựng chùa của các vị thiền sư thật tuyệt diệu. Chính diện là một hang đá rất lớn do hai tảng đá chụm đầu vào nhau tạo thành hình mái nhà. Theo truyền thuyết, thời gian đầu đến đây, thiền sư Bửu Tạng đã tu luyện ở hang đá này.

Nhà thờ Tổ khai lập Bửu Tạng cũng như nhiều nhà sư có nhiều công đức cũng được dựng trong hang đá. Hang thờ phật Chuẩn Đề có pho tượng 18 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với kích thước và niên đại khác nhau.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của hang động kết hợp với sự sáng tạo của con người, chùa Hang còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quí. Đó là tượng Phật nhiều hình, nhiều dạng tạo nên từ nhiều chất liệu và niên đại khác nhau; một số hiện vật quý từ thuở khai lập chùa như đại hồng chung đúc năm Đinh Mùi (1847), chiếc trống sấm năm Mậu Thân (1848)…

Cái hay cái đẹp ở Chùa Hang là cả một quần thể hang động với kiến trúc rộng lớn nhiều vẻ, nhiều cảnh liên tiếp nối nhau chen chúc giữa đá và cây rừng nhấp nhô. Sự hài hòa giữa nghệ thuật hoa viên, kiến trúc điêu khắc phù hợp với cảnh tôn trí thờ phụng bên trong càng tăng thêm không khí yên tĩnh, tôn nghiêm. Sự yên bình ở đây giúp du khách trút bỏ những mệt mỏi tầm thường, quên đi những suy nghĩ đời thường để tâm hồn vươn tới cõi thiện.

Cổ Thạch Tự ngoài cảnh đẹp còn là địa danh gắn liền với hai cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc. Nhà chùa đã đóng góp nhiều công của cho cách mạng đến ngày thắng lợi.

Hiện nay Cổ Thạch Tự là một điểm du lịch chính ở Bình Thuận. Hàng chục vạn người từ khắp nơi đến đây mỗi năm để chiêm bái, lễ phật, tắm biển và thưởng thức đặc sản biển.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, Cổ Thạch Tự đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia ở QĐ số 120/QĐ-BT, ngày 1 1 tháng 9 năm 1993.

3. LINH QUANG TỰ

Là ngôi chùa cổ nhất ở đảo Phú Quý và cũng là một trong những ngôi chùa cổ ở Bình Thuận, tọa lạc trên ngọn đồi ở xã Tam Thanh. Theo gia phả của dòng họ nhà sư Nguyễn Cánh thì Linh Quang Tự được xây dựng vào năm 1747 đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8. Đến nay chùa đã có niên đại trên 250 năm. NISAVA

Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, ngôi chùa được biến đổi dần về diện tích của các công trình kiến trúc và trang trí nghệ thuật. Đến cuối thế kỷ XVIII do sơ suất, chùa bị cháy và gần như toàn bộ di sản trong chùa bị thiêu hủy, chỉ còn lại hàng chục pho tượng cổ bằng đồng, đất nung. Sau đó chùa tiếp tục được xây lại trên nền cũ với tổng kiến trúc lạ, đẹp bao gồm: chính điện, nhà Tiền hiền, võ ca, có dạng hình chữ Đinh. Những phần chính thờ phụng ở chùa được sắp đặt theo qui cách “Tiền Phật hậu Tổ”.(1)

Lịch sử của quá trình xây dựng chùa Linh Quang bao gồm cả về mặt kiến trúc, tôn giáo và giá trị nghệ thuật của nền văn hóa biển trên đảo – gắn liền với quá trình định cư và phát triển của nhân dân trên đảo. Ở đây, vườn chùa đóng vai trò quan trọng đưa kiến trúc Phật giáo hòa nhập với thiên nhiên tạo cho ngôi chùa cổ nét gần gũi, thân quen mà không biệt lập. Từ trong những vòm cây dày bóng mát ấy nổi lên phần kiến trúc mái chùa với đầu đao, đuôi rắn vút cong thấp thoáng. Giữa biển khơi nhìn về đảo, ngôi chùa nổi lên như một tòa lâu đài cổ kính.

Linh Quang Tự còn lưu giữ nhiều văn tự cổ nói đến sự hình thành dân cư trên đảo, là nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa, sưu tập các pho tượng cổ quý. Có chăng pho tượng cổ, lớn gắn liền với những huyền thoại trên đảo trong các thế kỷ trước. Chiếc đại hồng chung ở chùa là quà tặng của chùa Trà Bang (Ninh Thuận), có niên đại ở cuối thế kỷ XVIII. Trong số những cổ tự lưu giữ ở chùa còn có 5 bức sắc của triều Nguyễn ban tặng. Hàng năm khi có những nghi lễ trọng đại, nhà chùa làm lễ thỉnh sắc mới đưa xuống.

Cảnh Linh Quang Tự đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 51/QĐ-BT ngày 12 tháng 1 năm 1996.

4. LINH SƠN TỰ

Thiết lập vào những năm đầu của thế kỷ XIX trong khu rừng già thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong ngày nay.

Sự tích ra đời của ngôi chùa được lưu truyền trong dân gian: đầu thế kỷ XIX một nhà sư từ miền Trung vào, không biết vì lý do gì đã ẩn vào một hang đá trong rừng. Dân làng đi rừng phát hiện được tiếng tụng kinh ở hang đá vọng ra. Biết mình bị lộ, nhà sư bỏ hang đá ra đi để lại một tấm bản đồ chỉ dẫn vị trí xây cất ngôi chùa sau này. Theo đó dân làng đã chuyển vật liệu lên xây chùa. Vị trí xây dựng chùa thật lý tưởng: cảnh núi rừng âm u, yên tĩnh tạo nên sự thanh tịnh của giới tu hành. Xung quanh các đỉnh núi tạo nên tả thanh long, hữu bạch hổ, nhiều hang đá tự nhiên hình hàm ếch, hàm rồng, giếng rún rồng không bao giờ cạn nước, hang Tổ… Những hang động có sẵn của tự nhiên mà y như có sự sắp đặt của bàn tay con người.

Thời chống Pháp, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dân làng đã dời tượng Phật vào giấu ở trong hang đá và phá dỡ chùa; mãi đến năm 1986 – 1987, mới có điều kiện xây dựng lại ngôi chùa trên nền xưa. Trước đó vài năm, nhà sư già Phạm Hành đào đất trồng chuối cạnh tảng đá “Voi phục” trước chùa, lỡi cuốc đụng phải một chiếc ấn đúc bằng đồng màu đen, nặng 650gram, ấn có hình chữ nhật, chiều dài 9,8cm, rộng 6,5cm bên trên có núm tròn để cầm.

Phía lưng ấn có 15 chữ Hán khắc chìm chia thành 2 dòng hai bên núm ấn. Dòng bên phải khắc 10 chữ với nội dung: “Trung nghĩa vệ, Trung thắng tứ hiệu quán quân sứ”. Dòng bên trái khắc 5 chữ: “Tân Hợi niên đông tạo”. Dưới mặt ấn có 10 chữ khắc theo lối chữ triện; hai dòng hai bên, mỗi bên 3 chữ và dòng ở giữa 4 chữ. 10 chữ trên mặt ấn trùng với 10 chữ trên lưng ấn. Về niên đại với 5 chữ: “Tân Hợi niên đông tạo” có thể biết chiếc ấn làm vào năm Quang Trung thứ tư (1791) (Ở Bảo tàng lịch sử Hà Nội hiện lưu giữ 2 quả ấn tương tự như chiến ấn Quang Trung tìm thấy ở Linh Sơn Tự. Chiếc thứ nhất đúc năm Quang Trung thứ tư với 9 chữ Hán “Suất cùng cư quan hệ ngũ hiệu đô ty”.).
Linh Sơn tự còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như chuông đồng, tượng nhà sư Bửu Tạng, tượng Địa tạng v.v…

Mặc cho đường sá xa xôi, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều đoàn khách từ các nơi đến chiêm ngưỡng cảnh núi rừng, ngắm cảnh chùa và tận hưởng không khí mát mẻ trong lành của Linh Sơn Tự.

5. CHÙA ÔNG

Là ngôi chùa cổ có qui mô lớn nhất của người Hoa ở Bình Thuận, tọa lạc tại phường Đức Nghĩa, thị xã Phan Thiết hiện nay. Theo Thần phả của chùa và niên đại khắc ghi bằng dòng chữ Hán trên thanh xà gồ nóc chính điện được biết: chùa lập vào tháng 11 năm Canh Dần 1770.

Tổng thể kiến trúc ở đây từ ngày khởi tạo là một ngôi miếu lớn của người Hoa xây dựng để thờ Quan Công (Quan Thánh đế quân). Sách “Đại Nam nhất thống chí” tập 12 gọi là “Đền Quan Công” đúng với tên lúc bấy giờ của miếu; và ngay trước cổng vào chùa hiện nay còn tấm biển ghi “Quan Thánh miếu”. Hơn nữa, nội dung thờ phụng bên trong chỉ có tượng Quan công cùng những tượng khác chứ không thờ Phật và không có các nhà s ưtrụ trì. Thế nhưng trong dân gian từ xưa đến nay cả người Việt và người Hoa đều quen gọi là Chùa Ông”.

Nằm trên một diện tích khá lớn, chùa có lối kiến trúc và trang trí nghệ thuật đặc trưng của người Hoa, các dãy nhà nối tiếp nhau tạo nên hình chữ Kim. Hệ thống cột, vì kèo chạm khắc rất công phu, sắc nét phần nào giống kỹ thuật chạm khắc trong các ngôi đình của người Việt. Tất cả những cột trụ chính đều có treo câu đối chạm khắc và sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Nổi lên ở các gian thờ là những bức tranh chạm gỗ, gắn ở tường mà nội dung miêu tả các điển tích xưa của người Hoa, có niên đại ở thế kỷ XVIII. Nhiều bức hoành lớn được chuyển từ Trung Hoa qua ở thế kỷ XIX. Tượng Quan Công to lớn bằng gỗ đặt trang trọng ở gian thờ chính điện cùng hàng chục những pho tượng cổ khác. Hệ thống bao lam bao phủ quanh các khám thờ ở chùa là những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ có giá trị về nghệ thuật mà ở các chùa chiền khác không thể có được.

Chùa Ông hiện nay còn lưu giữ chiếc chuông cổ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, đúc tại Quảng Đông (Trung Quốc) và chuyển sang từ triều đại nhà Thanh. Kiểu cách đúc và vật liệu giống đại hồng chung của người Việt nhưng trang trí phức tạp và rườm rà hơn trên thân chuông. Chùa Ông là một nơi sân vườn đẹp.

Trước năm 1975, ở Phan Thiết thường diễn ra lễ hội “Nghinh Ông” ở chùa Ông. Năm 1996 lễ hội này được tổ chức lại, thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi. Từ bao đời nay, chùa Ông là nơi mà vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhân dân thường tụ tập đông đảo để cầu cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm ăn may mắn của mọi người, mọi nhà.

Chiếc thứ hai cùng loại với chiếc ấn và cùng có niên đại “‘Tân Hợi niên đông tao”.

6. CHÙA PHẬT QUANG

Xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVIII, tọa lạc ở thôn Minh Long nay là phường Hưng Long, thị xã Phan Thiết. Vị trí của ngôi chùa vào thời điểm xây dựng, dân cư thưa thớt, bao quanh là những đồi cát mênh mông chạy dài ra biển nên trong dân gian cũng có tên là chùa Cát.

Khuôn viên của chùa Phật Quang tương đối lớn, bên trong bao gồm một tổng thể kiến trúc, cổng tam quan, chùa Tổ, chánh điện và hệ thống các công trình phụ nối liền giữa chùa Tổ và chánh điện. Mặt chính của chùa quay về hướng Nam. Do xây dựng từ lâu đời nên chùa đã hư hỏng, xuống cấp và được tu bổ nhiều lần. Lần tu bổ gần nhất là vào năm Bảo Đại thứ 9 (Giáp Tuất 1934), đợt này tu bổ lại hoàn toàn chùa Tổ và một số hư hỏng của các hạng mục khác.

Điểm đặc biệt quan trọng trong ngôi chùa cổ này là các thế hệ thiền sư chùa đã thay nhau gìn giữ, bảo quản rất tốt nhiều bộ phận thuộc di sản văn hóa có giá trị. Đó là chiếc đại hồng chung lớn bằng đồng chạm khắc đẹp, tinh tế và 4 mặt chuông khắc địa danh, lịch sử chùa cũng như niên đại; chuông được đúc vào năm Canh Ngọ 1750 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Một số hiện vật khác là những bản khắc gỗ tạo nên bộ kinh Pháp hoa với 118 bản. Đa phần trong 118 bản khắc cả hai mặt bằng chữ Hán sắc nét bao gồm 60 vạn lời, trong đó có 7 bản khắc họa hình ảnh Đức Phật thuyết pháp. Bộ kinh Pháp hoa hoàn thành vào năm 1734 mà bản khắc cuối cùng có ghi rõ đã hoàn thành vào ngày mùng một tháng tư, năm Long Đức thứ ba vào Giáp Dần. (Long Đức là niên hiệu của vua Lê Thuần Tông (1732 – 1735) đời nhà Hậu Lê).

Bộ kinh do hai khất sỹ Ninh Dung và khất sỹ Thiết Huệ hiệu là Khánh Tài chủ trương xin phép khắc. Cũng trong bản khắc cuối cùng của bộ kinh ghi công của 6 người đứng ra quyên góp và cúng tiền, người đứng ra in, nhiều người cúng gạo cơm và đặc biệt ghi công của hai vị thiền sư cùng 12 phật tử khắc trong thời gian 28 năm mới hoàn thành bộ kinh này.

Trong số những ngôi chùa cổ ở Bình Thuận, chùa Phật Quang, ngoài kiến trúc và nội dung chứa đựng nhiều di sản văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo, còn có hoa viên đẹp.

Theo Địa chí Bình Thuận, ảnh internet
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *