(PNT) – Thấy có người lạ, ngôi làng bỗng im phăng phắc, chỉ nghe tiếng cây lồ ô cót két đến mức kỳ bí. Đàn ông trong làng, không ai bảo ai, người nào cũng cầm cây thò với mũi tên nhọn hoắt ngồi lấp ló sau phên cửa.
Tưởng chừng như nếu manh động, chúng tôi sẽ lĩnh trọn những mũi tên mà theo lời các chiến sĩ biên phòng là chúng đều được tẩm nhựa cây cực độc. Làng có cái tên rất Tây là Petapoot, nhưng cuộc sống ở đây, nếu dùng từ “nguyên thủy” cũng không sai.
Ở nhà tôn điếc tai, cả đời chưa biết tiêu tiền
Gọi là làng cho mang tính hành chính, chứ thực ra, họ chỉ có hơn 10 ngôi nhà (túp lều thì đúng hơn), đều là người dân tộc Ve di cư từ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum xuống vùng giáp ranh với xã Đắc Rinh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
< Đường lên Đồn biên phòng 661 (Đăk Pring) hiểm trở và gian nan.
Làng chưa có tên trong bản đồ của huyện nào cả. Vì vậy mà khi hỏi lãnh đạo huyện Nam Giang, người nào cũng ngớ ra, không biết ngôi làng nằm ở đâu.
Từ thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), mất nửa ngày đường cắt rừng thì tới được đồn Biên phòng 661. Mất thêm chừng đó thời gian để vượt qua những ngầm nước chảy xiết, những khu lau lách um tùm tựa trong phim kiếm hiệp. Trên đường đi hoang sơ, thỉnh thoảng chúng tôi giật mình vì vài con mang từ trong bụi rậm nhảy phóc ra rồi biến mát. Giữa đại ngàn, tiếng chim kêu, vượn hú nghe rợn người.
Chỉ đến khi chiến sĩ đồn biên phòng đứng lên mô đất cao ngay cửa ra vào của làng thông báo bằng tiếng dân tộc Ve, người trong làng mới đồng ý cho chúng tôi vào. Cúi người chui vào căn nhà thấp lè tè bằng lồ ô, già làng Kring Hơn thông báo với bộ đội: “Có bộ đội đến là vui rồi, cho bà con ít gạo, ít thuốc đi. Hết gạo rồi, mì cũng gần hết, đàn bà trẻ con lên rẫy từ sáng. Mấy tháng ni, cả làng đều bị ghẻ mà không có thuốc chữa”.
Trong những túp lều tối nhờ nhờ, có căng mắt ra chúng tôi cũng chẳng thấy có tài sản gì đáng giá. Trên bếp có vài trái bắp, cạnh cửa là những gùi măng rừng, vài ba nhà thì chỉ được một nhà có ít gạo. Chúng tôi qua nhà của vợ chồng Kring Gióng và Kring Khôn, đôi vợ chồng nem nép ngôi thu lu trong góc nhà, không tiếp chuyện với người lạ.
< Trưởng thôn Kring Thôi là người duy nhất trong làng có con xuống miền xuôi đi học.
Theo trưởng thôn Kring Thôi, cách đây 2 tháng đúng vào mùa giáp hạt, vì ưng cái bụng nên Khôn về nhà Gióng ở luôn, không cưới xin gì cả. Gióng chỉ mất một chén rượu củ mì cúng làng là có vợ. Nếu ở dưới xuôi thì cả hai chưa đủ tuổi lập gia đình, nhưng ở núi rừng biệt lập chẳng có đăng ký, cứ thích nhau là về ở cùng nhà. Cô vợ hơn Gióng 2 tuổi, sáng nào đi rẫy, vợ cũng cầm rựa, đeo gùi đi trước, chồng cun cút theo sau.
Một điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là bên cạnh mỗi nhà được lợp bằng lồ ô tuềnh toàng là những căn nhà tôn còn rất mới nhưng chẳng có gia đình nào chịu ở. Hỏi chiến sĩ bộ đội biên phòng thì được biết, đây là những ngôi nhà do Đồn biên phòng 661 làm chủ đầu tư, giúp bà con có nơi ở ổn định, hạn chế bệnh tật, nhưng chỉ ở được vài ngày, họ lại lục đục kéo về.
Hỏi vì sao không ở, già làng Kring Hơn nói ở nhà tôn trời nắng thì nóng như đốt da, trời mưa thì điếc tai không ngủ được. Thôi, người không ở được thì dùng để cho… trâu bò.
Chuyện đó tưởng đã lạ, nhưng kỳ lạ hơn nữa là hầu hết người già của Petapoot chưa một lần bước chân ra khỏi làng, họ chưa một lần dùng đến tờ giấy bạc, không biết tiền là gì. “Quê tao ở tận Ngọc Hồi, Kon Tum ấy. Đi theo cha mẹ từ hồi nhỏ, bám lấy sườn núi mà sống. Đi miết tới đây, giờ chỉ biết Petapoot này thôi”, bà cụ Kring Nghí vừa xé những đọt măng rừng trắng toát vừa nói oang oang.
Giữa trưa, ngồi trong nhà trưởng thôn Kring Thôi cũng nhìn bao quát được cả ngôi làng. Nó nằm im lìm giữa bao la núi rừng, không có đường chính, không điện, không trạm xá, không trường học. Nói như lời của bộ đội biên phòng – những người gắn bó, giúp đỡ cuộc sống hàng ngày của hơn 30 nhân khẩu người Ve ở đây – thì đây đúng là “làng nhiều không”.
Tai mắt vùng biên giới
Nếu đồn biên phòng 661 không tình cờ phát hiện thì không biết làng Petapoot này sẽ biệt lập với thế giới bên ngoài cho đến bao giờ. Từ đồn vào đây hết nửa ngày đi bộ cắt rừng. Còn nếu lên Ngọc Hồi của Kon Tum, nơi ngày xưa họ sinh sống, thì mất một ngày đường nữa. Nhưng ở đó giờ đất đai cằn cỗi, không trông được lúa rẫy và củ mì, măng rừng cũng hiếm.
Còn di cư xuống phía trung tâm xã Đắc Ring của huyện Nam Giang thì càng khó, phải có sự đồng ý của chính quyền, với lại xuống đó biết lấy gì mà ăn. Làng được phát hiện trong một lần bộ đội đi tuần tra biên giới, từ đó đến nay gắn bó như máu thịt. Bộ đội bày cho bà con cách trồng lúa nước, nuôi con heo, con bò. Ngược lại, bà con bản làng người Ve này như những thông tin viên canh giữ vùng biên giới.
< Ngôi làng Petapoot chênh vênh giữa núi rừng.
Cụ già Un Diên cùng với trưởng thôn Kring Thôi là hai người nói tương đối sõi tiếng Kinh, kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện vây bắt người lạ mặt và bảo vệ rừng. Cách đây chưa lâu, trong một đêm mưa gió bão bùng, trong ánh chớp sáng lòe giữa màn đêm tịch mịch, từ túp lều lồ ô nhìn ra, ông Kring Ngới thấy hai người lạ chạy nhanh qua làng, trên vai vác những bao tải lớn. Ngay tức khắc, ông vớ lấy cái tù và làm bằng ống lồ ô hụ lên một hồi dài. Già trẻ gái trai cầm thò và những bó mũi tên nhọn hoắt xông ra giữa màn mưa vây hết các ngõ ra vào, tóm lấy hai kẻ lạ mặt.
Đốt đuốc lên kiểm tra những bao tải nặng chịch, họ phát hiện hàng tạ thuốc nổ. Đêm đó, cả làng không ngủ, cử một nhóm thanh niên băng rừng xuống báo với bộ đội biên phòng. Ngày hôm sau, hai đối tượng vận chuyển thuốc nổ trái phép cho đội quân đào vàng trong rừng sâu bị đưa về khởi tố hình sự.
Một lần khác, mấy người phụ nữ của làng đang làm lúa rẫy thì nghe tiếng cưa lốc gầm rú phía trong rừng sâu. Không ai bảo ai, họ chạy về thông báo với già làng, già làng cử ngay người chạy xuống đồn báo cáo. Một cuộc vây bắt lâm tặc được bố trí với đội quân chủ lực là bộ đội biên phòng, còn dân làng Petapoot làm vành đai mai phục phía làng và tóm trọn một nhóm phá rừng nguyên sinh.
< Bữa cơm có hạt gạo trắng là ước mơ xa xỉ của người Petapoot. Chuối rừng, bắp nương, hạt mỳ là món ăn chính của họ…
“Nhiều thằng nhìn mặt mày dữ tợn lắm, quay lại đòi chống trả nhưng nhìn thấy cây thò của tao giương lên, không đứa nào dám ngọ nguậy. Mà tao giương thế thôi, chưa bắn ai cả”, trưởng thôn Kring Thôi nước da rắn rỏi vuốt cây thò bóng loáng gác lên mái nhà cạnh bếp. Cứ như lời ông nói, bất kỳ ai muốn đến hoặc đi qua làng, nếu không có bộ đội biên phòng dẫn đường đều phải dừng lại để kiểm tra. Nếu không có giấy tờ in hình quốc huy của nước Việt Nam, hoặc dấu tròn có màu đỏ thì đều phải dừng lại để chờ bộ đội lên cho ý kiến rồi mới được đi tiếp. Chống đối là bị giữ lại…
Petapoot, nói hình tượng thì tựa như một trạm biên phòng vững chãi ở vùng biên giới, như cánh tay nối dài, là tai mắt của bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống du canh du cư đã đưa họ đến đây theo quy luật tự nhiên, lập làng sinh sống. Dù tồn tại đã lâu lắm rồi nhưng Petapoot không hề có tên trong bản đồ hành chính của huyện Nam Giang, thành ra chuyện cơ chế, quan tâm hầu như đặt lên đôi vai của bộ đội biên phòng đồn 661.
Khác với ngày xưa, giờ đây họ có một ít ruộng lúa nước ven làng, góp thêm lương thực cho mùa giáp hạt. Đau ốm, bà con không còn cúng ma rừng hay chữa bệnh theo hủ tục mà xin thuốc của quân y.
Nhưng cuộc sống của họ, nếu chỉ so sánh với đồng bào các dân tộc khác ở Quảng Nam thôi, cũng còn thiếu thốn đủ bề. Không điện, không đường, không trường học, không trạm xá, không chợ búa… đến nhà mái tôn cũng không ở được thì đủ biết cuộc sống của họ thiếu thốn và tách biệt đến mức nào.
Petapoot như một đứa con chưa có giấy khai sinh nên không có quyền lợi chính sách gì cả. Trưởng thôn Kring Thôi chỉ có một mong muốn duy nhất rằng một ngày nào đó, làng sẽ có tên trên bản đồ của huyện. Có như vậy trẻ con mới được đi học kiếm cái chữ, người già đau ốm mới được chữa bệnh kịp thời, cả làng mới bắt kịp được với cuộc sống của người xuôi.
Theo Phụ Nữ Today
NISAVA TRAVEL!