(TGL) – Ở làng Len Tô, thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ (Gia Lai), không khó để du khách bắt gặp cảnh các bà, các chị dân tộc Ba Na đang ngồi bên khung cửu, chăm chú, say mê sáng tạo từng đường nét, hoa văn trên mảnh thổ cẩm.

Dệt thổ cẩm là một nghề đang nhạt nhòa dần trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số bởi nguồn tiêu thụ ít trong khi chi phí, công sức và thời gian để đầu tư cho sản phẩm khá lớn. Mặc dù vậy, nhiều chị em phụ nữ làng Len Tô (thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ) không coi đây là một nghề để kiếm sống, thời gian nông nhàn, họ lại ngồi cả ngày bên khung cửi, chăm chút cho từng họa tiết chỉ để giữ nghề…

Dọc theo con đường làng trải bê tông sạch sẽ là bóng dáng của chiếc khung dệt đặt dưới gốc cây mít, cây me trước sân những ngôi nhà. Một vài phụ nữ đang se sợi, số khác cặm cụi, tỉ mỉ đưa con thoi trên tấm thổ cẩm đang dần thành hình…

Hầu hết phụ nữ ở làng Len Tô đều biết dệt. Họ học lại từ chính người mẹ, người chị và ý thức được đây là nghề truyền thống của đồng bào mình. “Đã là người đồng bào thì phải biết dệt thổ cẩm”-bà Đinh Thị Quái (53 tuổi) quả quyết. Chính vì vậy mà trước mỗi ngôi nhà ở làng Len Tô này không thể không có chiếc khung dệt và mỗi gia đình đều có ít nhất một người biết dệt thổ cẩm. Bà Quái chia sẻ: “Một năm, mình chỉ dệt khoảng 1-2 bộ đồ và chỉ dành để mặc cho những dịp quan trọng trong làng, trong gia đình chứ không bán. Thỉnh thoảng vẫn có người từ làng khác vào tìm mua đồ thổ cẩm, giá của mỗi bộ khá cao từ 1,6 triệu đồng đến 2 triệu đồng nhưng chỉ khi nào có đồ dư thì mọi người ở đây mới bán”. NISAVA

Không chỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, một vài người già trong làng vẫn còn lưu giữ cách làm truyền thống. Họ tự tay trồng bông, kéo sợi, se sợi, nhuộm màu cho sợi và dùng sợi đó để dệt nên bộ đồ thổ cầm đặc biệt cho riêng mình. Mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng bà Kring vẫn rất khỏe khoắn, minh mẫn. Biết dệt từ năm lên 9 tuổi và được mẹ truyền dạy lại cách quay bông, ép sợi, nhuộm màu nên công việc ấy với bà chẳng hề có chút khó khăn nào. Bà Kring cười móm mém: “Với lũ trẻ bây giờ thì dệt bằng chỉ mua ở ngoài chứ không ai biết tự làm sợi mà dệt cả. Chúng bảo làm thế khó quá, nhiều công đoạn chúng không làm được”.

Chỉ riêng công đoạn nhuộm sợi thôi cũng đã thấy lắm công phu. Người ta lấy vỏ hoặc lá cây trum ngâm xuống nước cho nhũn, chuyển thành màu lam thì cho sợi bông đã quay vào khuấy đều để sợi lên màu, sau đó phơi khô và cuộn lại. Trong làng cũng chỉ mình nhà bà Kring là còn cây trum.

Nhuộm sợi bằng cây trum cho màu đẹp hơn, sợi mềm và đen hơn so với chỉ bán ngoài tiệm. “Chỉ tiếc là đất bây giờ đã trồng mía hết, mỗi năm cũng chỉ trồng được ít bông, đủ để quay sợi dệt được một bộ đồ nữ. Vì vậy, tôi chỉ để dành cho con cháu mặc đi biểu diễn, đi đám, lễ mà thôi”.

Hình ảnh mẹ gỡ sợi, con gái ngồi bên khung chăm chỉ luồn qua lại con thoi, sắp xếp hoa văn làm nên nét yên bình cho ngôi làng Len Tô. Ở làng này, nhiều em gái mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng cũng đã biết dệt thành thạo. Những người phụ nữ ở đây coi việc dạy cho con gái biết dệt thổ cẩm là bổn phận của mình.

Theo Phương Linh (Tin Gia Lai)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *