(BĐN) – Đây là lần thứ hai tôi đến Đắk Nông trong vòng mười năm qua. Lần đến đầu tiên của tôi là khi tỉnh này vừa được thành lập; còn lần này, sau mười năm tôi thực sự ngẩn ngơ trước một trung tâm tỉnh lỵ Gia Nghĩa sầm uất với những dãy nhà xây khá hiện đại mọc lên giữa núi đồi bao la…
< Nắng trên đại ngàn M’nông.
Xe của Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng xuất phát tại Đà Lạt từ 7 giờ sáng, chúng tôi đi đến Bảo Lộc (thay vì từ Di Linh), xe rẽ theo đường tỉnh 725 qua Lộc Bắc, qua Thủy điện Đồng Nai 4 để đến Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Cho dù đi theo quốc lộ 28 hay tỉnh lộ 725, điều dễ dàng nhận ra là giống như Lâm Đồng, Nam Tây Nguyên Đắk Nông cũng được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi ban cho một đại ngàn xanh thẳm với trùng trùng điệp điệp núi tiếp núi rừng tiếp rừng, với những ngọn thác mê hồn giữa hoang sơ tung bọt trắng như thể hát ca với đất trời quanh năm suốt tháng.
Khi xe đi khỏi địa phận tỉnh Lâm Đồng một đoạn, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã ngồi gần tôi lên tiếng: “Đắk Nông có khác chi Lâm Đồng đâu nhỉ! Cũng xuyên núi xuyên rừng, cũng băng đồi vượt thác…”.
Rồi anh quay sang tôi: “Nghe bảo Tà Đùng là ngọn núi hùng vĩ lắm, nó nằm phía nào đâu?”. Tôi thú thực: “Cũng chỉ nghe thôi chứ tôi chưa đến đó bao giờ.
Tuy vậy, điều tôi nhớ nhất về ngọn núi này là đỉnh cao nhất của nó là 1.982 m so với độ cao trung bình của Đắk Nông là 700 m. Lấy một vài con số của Đà Lạt để so sánh: Về độ cao, núi Langbiang của cao nguyên Lâm Viên cao 2.167 m – cao hơn Tà Đùng 185 m, nhưng độ cao trung bình của Đà Lạt đến những 1.500 m nên xét dưới một góc độ nào đó thì Tà Đùng có cái vẻ “hoành tráng” hơn, nói chính xác hơn là nó “vươn lên trời” với một độ cao rất đáng nể.
Với lại, điều đáng quan tâm ở đây còn là: Tà Đùng đang được quy hoạch để trở thành một trong hai khu du lịch sinh thái – tham quan – nghỉ dưỡng lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Có lẽ, “sợi dây liên kết” của du lịch Đắk Nông với du lịch Lâm Đồng chính là ở chỗ này đây!”.
Sang đến Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, đoàn chúng tôi được mấy anh lãnh đạo Hội VHNT tỉnh bạn giới thiệu thêm: So với Lâm Đồng thì rừng Đắk Nông chỉ bằng một nửa (khoảng 300.000 ha, chiếm trên 45% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh).
Tuy nhiên, chẳng thua kém gì Lâm Đồng, trong những khu rừng tuy không bạt ngàn bằng Lâm Đồng kia, ngoài hai khu bảo tồn thiên nhiên khá nổi tiếng là Nâm Nung và Tà Đùng thì nó vẫn sản sinh cho xứ sở Nam Tây Nguyên Đắk Nông những thắng cảnh thác hùng vĩ mà không phải tỉnh Tây Nguyên nào cũng có được như những thác Đrây Sáp, Trinh Nữ, Gia Long, Lưu Ly, Bảy Tầng, thác Gấu, thác Ngầm…
Khoảng cách giữa Lâm Đồng với Đắk Nông gần là vậy nhưng không hiểu sao, càng nghe những điều do mấy anh lãnh đạo Hội VHNT Đắk Nông “báo cáo”, tôi càng thấy địa phương bạn trong tôi càng xa ngái – xa là bởi hóa ra lâu nay tôi chưa thực sự quan tâm nhiều đến vùng đất mà tôi đã từng đến cách nay mười năm tròn. Và rồi, trong những con số mà tôi ghi chép được trong sổ tay, một trong những con số khiến tôi hết sức ấn tượng đó là con số… “gấp đôi” so với mười năm về trước của Đắk Nông: Hiện tỉnh có trên 120.000 ha cà phê, gấp đôi so với mười năm trước; 8.000 ha hồ tiêu, gấp đôi…; 5.000 ha lúa nước “gấp đôi”; 4.000 ha cây ăn quả “gấp đôi”…
Chiều qua, ngay sau khi đến Hội VHNT Đắk Nông để làm cuộc “sơ giao”, đoàn chúng tôi tranh thủ đi thăm thú một vài nơi dưới sự hướng dẫn của anh bạn Huỳnh Quang Vỵ – chuyên viên của Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Nông. Qua đó, tôi hiểu được phần nào những tương đồng và khác biệt của nền văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên Đắk Nông so với các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên Lâm Đồng.
Có lẽ đồng điệu là nhiều hơn bởi như văn hóa ẩm thực xứ sở Nam Tây Nguyên Đắk Nông này vẫn thế – vẫn giống hệt ẩm thực Nam Tây Nguyên Lâm Đồng là cơm lam nướng ống tre (hoặc nứa), thịt heo đồng bào treo giàn bếp, cà đắng um với rau rừng… Tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã về sự khác biệt, anh ngẫm ngợi hồi lâu rồi lắc đầu: “Chịu! Nó giống nhau đến cả cái… tế bào!”.
Bởi đồng điệu nên có sự giao thoa giữa các nền văn hóa bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự giao thoa hoàn toàn không phải là một cuộc xâm lăng về văn hóa, mà là quá trình tiếp nhận để tiếp biến trên cơ sở của sự “đóng băng trên biên” mà thôi. Nó hoàn toàn khác với kiểu “di cư” nền văn hóa ngoại lai không dính dáng gì đến đặc trưng hay bản sắc văn hóa của dân tộc bản địa.
Có lẽ bởi chút men nồng núi rừng của xứ sở “đồng điệu” Nam Tây Nguyên Đắk Nông cùng túi thơ của bầu bạn văn nghệ nơi này khiến tôi không nhận ra màn đêm đã chạm đến từ lúc nào.
Bước ra lan can khu nhà nghỉ khá sang trọng, tôi nhìn xuống phố: Tịnh không còn sự hoang vu như cách nay mười năm lần đầu tôi đến. Mười năm “gấp đôi” của sự phát triển là một kỳ tích!
Ghi chép của Khắc Dũng (Báo Đắk Nông)
NISAVA TRAVEL!