(BTO) – Trời lặng gió, mặt trời chưa mọc và cát mát rượi. Cùng với 3 đứa bạn, chúng tôi bắt đầu chinh phục đồi cát Giếng Học từ 5 giờ sáng. Vượt qua quãng đường cát lún chừng 350m để lên đỉnh đồi, chọn chỗ ngồi rồi trải tấm bạt và pha cà phê. Thưởng thức ly cà phê, nhìn về hướng đông và thoải mái tận hưởng bình minh trong không gian rộng lớn, thoáng đãng… quả là cảm giác rất tuyệt vời.

“Sa mạc” cát Hòa Thắng (Bắc Bình) trải dài hơn 7 km theo hướng đông bắc – tây nam, bề rộng dao động từ 600m đến hơn 3km (càng về phía tây càng rộng) gồm các đụn cát, đồi cát khác nhau, nhiều màu từ vàng, vàng cam, đỏ cam đến trắng. Nếu như Đồi cát Trinh nữ với Bàu Ông, Bàu Bà là ranh giới hướng tây thì đồi cát Giếng Học là phần cực đông của sa mạc này.

Thuộc thôn Hồng Thắng – xã Hòa Thắng, đồi cát Giếng Học có màu trắng tinh khôi (cát chỉ chuyển màu sang vàng hoặc vàng cam khi mưa nhiều). Đồi cát chỉ cách bờ biển chừng 100 m, đỉnh đồi cách mực nước biển khoảng 180m, nhìn thẳng về hướng đông.
NISAVA
Tùy theo mùa gió và hướng gió mà cát bay và biến đổi thành nhiều hình dạng, cánh cung khác nhau. Từ đỉnh đồi, trong phạm vi 360 độ cách mực nước biển 180m, bạn có thể cùng lúc tận hưởng được vẻ đẹp bao la, rộng lớn của biển, trời, của sa mạc, tiếng máy ghe chạy trên biển…

Sẽ không có gì bất ngờ khi di chuyển qua tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú rồi đột nhiên thấy có nhiều xe khách, xe du lịch, xe máy xếp hàng đậu bên lề đường tại đồi cát Giếng Học. Thường thì vào sáng sớm hoặc sau 16 giờ mỗi ngày, đồi cát Giếng Học đón lượng khách lớn.

“Từ 2 năm qua, xe chạy qua đây là du khách nước ngoài muốn dừng lại để leo đồi cát. Dần dần, tôi chủ động đi vào các khung giờ tốt để có thể giúp khách dừng chân, chụp ảnh, vui chơi ở đây khoảng 50 – 60 phút”, một tài xế xe du lịch, chạy tuyến Nha Trang – Phan Thiết cho biết.
NISAVA

Hỏi thêm thì được biết: Du khách rất thích quãng dừng ngắn tại đây vì không khí trong lành, không gian thoáng, không tiếng ồn, khói bụi, không có các cơ sở du lịch, hàng quán mọc ven đường. “Họ chỉ leo đồi cát, ngồi ngắm cảnh, chụp ảnh. Đơn giản nhưng họ rất thích vì được gần thiên nhiên”.

Không chỉ thu hút du khách và người ở nơi xa tới, đồi cát Giếng Học còn hấp dẫn với những bạn trẻ tại quê nhà, các gia đình sống trong khu vực lân cận vào dịp cuối tuần.

Vào các buổi chiều thứ bảy, chủ nhật, chỉ cần tập hợp vài người, mua sẵn thức ăn, đem theo vài tấm bạt để trải nền và đèn sạc, nhiều gia đình chọn đồi cát làm nơi dừng chân, tổ chức dã ngoại, vui chơi, ca hát… đến tận 19, 20 giờ mới về.
NISAVA
Là một điểm dừng chân mới nhưng số lượng người dân và du khách ghé qua ngày một đông, ngành du lịch Bắc Bình và xã Hòa Thắng cần tăng cường quản lý và bố trí các tủ, thùng rác để tăng ý thức của cộng đồng khi đến tham quan, vui chơi tại đồi cát Giếng Học.

Theo Chí Bình (Báo Bình Thuận)
NISAVA TRAVEL!

ĐGD: Từ khi tuyến đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú (Bình Thuận) hoàn thành và thông xe năm 2016 thay con đường đất đỏ cũ, khu vực đồi cát trắng Hòa Thắng – Giếng Học được du khách biết đến nhiều hơn. Đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú dài hơn 23km có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Điểm đầu tại ngã ba Hồng Thắng (xã Hòa Thắng, Bắc Bình) và điểm cuối tại chân cầu Sông Lũy (xã Hòa Phú, Tuy Phong). Bề rộng nền đường từ 45,5 – 50m; trong đó bề rộng mặt đường 24m (gồm 2 làn đường rộng 12m/làn, ở giữa là dải phân cách rộng). Đường dài 23km băng qua các đồi cát lớn nhỏ nhấp nhô, đỉnh đồi nhìn ra biển.
Đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú ngoài mục tiêu phục vụ kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển còn là điều kiện thuận lợi để củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng tại  Bắc Bình, Tuy Phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *