Thắng cảnh đầu tiên bạn sẽ gặp trên đường thiên lý Nam – Bắc, qua vùng đất này, là đoạn đèo Cả trải dài từ dãy Trường Sơn đến biển Đông.

Từ đèo Cả nhìn lên đỉnh núi phía bắc, sừng sững một tảng đá to trông như mũi giáo xuyên thẳng lên trời. Vì tảng đá này mà núi có tên là Thạch Bi Sơn hay núi Đá Bia.

Núi Đá Bia cao 706 m so với mặt biển, đường lên khá hiểm trở bởi vực sâu, vách núi dựng đứng. Cuối năm ngoái, tỉnh Phú Yên dành gần 600 triệu đồng xây bậc thang, cầu vượt, hàng rào bảo hiểm suốt chặng đường lên núi dài trên 2 km. Tảng đá bia khổng lồ có chiều cao ước trên 18 m, 8-9 người ôm mới hết vòng. Ba mặt đá xoay lưng hướng đông bắc, tròn khuyết không đều, riêng mặt quay về phía nam trơn tru, bằng phẳng.

Sau khi thăm núi Đá Bia, bạn có thể đến chơi làng chài Vũng Rô và dạo quanh vùng vịnh bằng thuyền. Những ai từng đi trên đường cái hoặc ngồi xe lửa qua đây đều không khỏi ngẩn ngơ trước cảnh đẹp hùng vĩ của bán đảo Vũng Rô, nơi còn ghi dấu những chiến tích đường Hồ Chí Minh trên biển.

Từ bãi chính của bờ biển phía đông Vũng Rô, có 2 cách để đến với hải đăng Đại Lãnh: dùng thuyền máy vòng qua cửa vịnh rồi trực chỉ hướng đông hoặc phải lội bộ một quãng đường dài 3,5 km qua đồi núi, rừng đặc dụng. Cách thứ hai gian khổ hơn, nhưng du khách lại có dịp lang thang trong cánh rừng xanh tươi, qua thung lũng mênh mông, hoang vắng, bốn bề núi non trùng điệp trước khi thấy ngọn hải đăng từ xa.

Hải đăng Đại Lãnh có bề ngoài giống như một tháp Hồi giáo; mũi Đại Lãnh hay còn được gọi là mũi Điện, hòn Kê Gà nằm ở vị trí cực đông, nơi đón ánh sáng bình minh sớm nhất của nước ta.
Từ hải đăng, men theo triền núi nhấp nhô xuống bãi Môn, một bờ biển thoai thoải, cát trắng lấp loá, nước trong vắt với vẻ đẹp thật hoang sơ, tinh khiết hiện ra, níu chân du khách.

Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *