Đầu năm mới, lên đền, chùa ngoài cầu phúc, lộc và sự bình an, nhiều nam thanh, nữ tú còn cầu chuyện tình duyên năm mới có nhiều may mắn, tìm được ý trung nhân.
Không có ngôi chùa, đền nào riêng biệt cho việc cầu duyên, cầu hạnh phúc cá nhân. Tuy vậy, tiếng lành đồn xa, trên khắp dải đất hình chữ S xinh đẹp, mỗi vùng miền đều được dân gian truyền miệng có những đền, chùa rất thiêng cho việc cầu duyên.
Ở đất Thăng Long nổi tiếng nhất là chùa Hà (Q. Cầu Giấy), rồi đến Am Mỵ Châu ở đền Cổ Loa huyện Đông Anh. Bên cạnh đó, khá nhiều ngôi đền, chùa được người đời truyền nhau rất thiêng trong việc cầu duyên tình cho đôi lứa như đền Gióng (huyện Sóc Sơn), chùa Hương…
Tại Ninh Bình, có chùa với cái tên nghe rất lãng mạn: chùa Duyên Ninh cũng là địa điểm cầu duyên có tiếng gần xa.
Ngược lên miền Đông Bắc của Tổ quốc, tại Lạng Sơn-nơi cũng có rất nhiều đền, chùa, lễ hội độc đáo có đền Bắc Lệ.
Đầu năm mới, ai cũng mong bản thân mình được hạnh phúc, tình duyên xuôi chèo, mát mái. AFamily xin giới thiệu vài nét về 4 đền, chùa cầu duyên được nhiều người “mách nhau” dịp đầu năm mới kể trên để trong những chuyên du xuân, bạn hãy ghé qua để thưởng ngoạn và cầu khấn.
1. Nổi tiếng chùa Hà
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước tọa lạc ở thôn Bối Hà, xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay làng lên phố nên chùa thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo tích xưa kể lại, chùa Hà do một gia đình làm nghề gốm sứ giàu có quê ở Bối Khê công đức, xây dựng. Hiện nay, lăng mộ thờ gia đình vẫn được lưu giữ trong chùa. Bên phải chùa là ngôi đình Hà làm hoàn toàn bằng gỗ quý, thờ 2 vị thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý, các tướng của Triệu Việt Vương (thế kỷ VI) có công chống giặc Lương.
Qua thời gian, ngôi chùa đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, sửa chữa và tôn tạo với tầm vóc ngày càng to đẹp, khang trang hơn. Chùa là điểm đến vàng ngày Lễ, Tết, ngày Rằm hay mồng 1. Tuy vậy, nhắc tới chùa Hà, nhiều người mách ngay đây chính là ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất đất Thăng Long.
Không biết nguyên cớ từ đâu và từ khi nào, nhưng với nhiều nam thanh, nữ tú, muốn cầu duyên cho bản thân thì chùa Hà là điểm đến đầu tiên, họ tin sự linh nghiệm tại đây. Cũng không cứ ngày Tết, mà bất kể khi nào, nhất là vào ngày Rằm, ngày mồng 1, nếu có dịp ghé thăm chùa Hà, bạn không khỏi ngạc nhiên vì có rất nhiều bạn trẻ (đa số trong đó là các bạn nữ) tới để dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên.
Một điểm đặc biệt nữa, dọc con phố dẫn vào chùa Hà chỉ bán hoa hồng-hoa tượng trưng cho tình yêu. Các hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán rất nhiều vòng, nhẫn… mà cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp…
2. Am Mỵ Châu
Am Mỵ Châu nằm trong chùa Cổ Loa. Từ trung tâm Hà Nội đi qua cầu Chương Dương, thị trấn Gia Lâm, qua cầu Đuống theo quốc lộ số 3 đến cây số 17 rẽ tay phải 3 km đến chợ Sa, rẽ trái 300m đến ngã tư rẽ phải 100m là đến di tích.
Chùa thờ Phật, kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” ở giữa chữ công, trước là nhà tiền tế, hai bên là hành lang. Chùa còn giữ được những bức cốn tứ linh thế kỷ 19, và nhóm di vật có giá trị gồm 134 pho tượng xếp đặt ở hậu cung, thiêu hương, tiền tế, hành lang và nhà Mẫu.
Trong chùa, có am nhỏ thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Theo người dân sống tại đây, bức tượng này là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi An Dương Vương thất thế ở thành Cổ Loa công chúa Mỵ Châu lên ngựa chạy về phía nam. Khi đến đèo Mộ Dạ (Diễn Châu, Nghệ An) thì sức cùng, lực kiệt, trước mặt là biển Đông sau lưng là quân thù.
An Dương Vương đã cầu cứu thần Kim Quy, rùa thần hiện lên và nói: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó!” vua liền rút gươm quyết định chém đầu Mỵ Châu. Trước khi chết Mỵ Châu quỳ gối ôm chân cha mà nói: “Oan cho con lắm. Nếu là kẻ bất trung có lòng hại cha khi chết thân xác con sẽ hoá thành tro bụi, bằng không hoá thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”.
Về sau nay, người dân Cổ Loa vẫn truyền nhau câu chuyện ly kì về dân chài quăng lưới trên sông Hoàng Giang kéo được bức tượng với hình người ngồi xếp bằng, hai tay để song song đặt lên đầu gối nhưng lại mất đầu.
Cho rằng bức tượng không mấy gì đặc biệt nên dân chài lại thả xuống sống. Nhưng kỳ lạ là sau những lần quăng lưới, bức tượng lại lọt vào. Cảm thấy có điểm báo, người dân hò nhau kéo bức tượng lên bờ. Đồng thời làm lễ xin được rước về. Các cụ bô lão đức cao vọng trọng trong làng đã lên tiếng nói: Nếu có linh thiêng xin ở chỗ nào về chỗ đó để con cháu lập đền thờ. Quả nhiên sau khi gánh về chiếc võng đã đứt ngay tại vùng đất là Am thờ công chúa Mỵ Châu ngày nay, nằm bên trái điện Di Quy.
Nhân dân cho rằng đây chính là tượng công chúa Mỵ Châu đã ứng nghiệm vào lời nói năm xưa, trôi ngược biển Đông về đất Tổ để hầu vua cha. Từ đó hàng năm, người dân trong vùng đã cử người trông coi Am này, người được cử phải có đạo đức tốt, gia đình đầy đủ hạnh phúc, con cái trưởng thành.
Cũng vì câu truyện dân gian vẫn chưa có chứng thực xúc động trên, am Mỵ Nương được người đời truyền tụng rất có ứng nghiệm cho việc cầu duyên, cầu hạnh phúc gia đình.
3. Chùa Duyên Ninh
Chùa Duyên Ninh (Duyên Ninh Tự) tọa lạc trong thành Tây Hoa Lư ở thôn Chi Phong xã Trường Yên. Trên đường từ Tràng An đến chùa Bài Đính. Thưở xa xưa, Duyên Ninh Tự là nơi vui chơi của các công chúa thời Đinh Lê.
Chùa được xây dựng dưới thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Dân gian thường gọi chùa này là chùa Thủ. Nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân con vua Lê Đại Hành đã thề hẹn yêu đương ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông.
Sau này Lý Phật Mã vẫn lui về đây tu hành. Chùa Duyên Ninh được xem là ngôi chùa nguyên vẹn từ thời Đinh còn lại nên kiến trúc khá khiêm nhường và cổ kính.
Chính nguồn gốc về các cô công chúa, về gia đình hạnh phúc xa xưa của bậc vua chúa nhà Lý mà chùa sau này trở thành một điểm tín ngưỡng thu hút rất đông người dân tới cầu phúc, cầu may. Đặc biệt không thể không kể tới việc cầu duyên và cầu tự hiếm muộn con cái.
4. Đền Bắc Lệ
Nếu có dịp ghé thăm xứ Lạng vào dịp đầu xuân để cảm nhận không khí xuân ngập tràn nơi đây. Đất Lạng Sơn nổi tiếng với rất nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao…
Nếu còn độc thân hay muốn cầu hạnh phúc gia đình, bạn hãy tìm đến đền Bắc Lệ. Dân gian vùng quê nơi đây luôn tin tưởng đây là ngôi đền cầu tình duyên thiêng nhất tại xứ Lạng cũng như trên đất nước Việt Nam.
Đền Bắc Lệ Lạng Sơn thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là đền thờ Mẫu điển hình ở nước ta. Lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 Âm lịch.
Đền Bắc Lệ nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người.
Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé – một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Lễ hội đền Bắc Lệ bao gồm các phần lễ chính: lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước… Không khí của buổi lễ hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng với những điệu nhạc và những trang phục rực rỡ sắc màu của điệu múa sanh tiền, người dân ở đây tin rằng điệu múa sẽ đem lại may mắn và bình an.
Theo Afamily