(BQN) – Có lần, anh bạn tôi làm giáo viên ở Quảng Ngãi rủ rê: “Ra chỗ tớ chơi đi, tớ sẽ đưa cậu “giang hồ vặt” một chuyến khắp tỉnh luôn”. Vốn là người thích đi đây đi đó, tôi bỏ mấy bộ quần áo vào ba lô, thế là lên đường…

Anh bạn thân ra đón tôi ở chân cầu Trà Khúc. Chúng tôi đi về nhà anh ở xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh, theo con đường ven sông. Gió sông Trà mát lành như chào đón tôi với tấm lòng hiếu khách. Mà quả thật, mảnh đất này hiếu khách đến lạ. Cả nhà anh đón tôi như một đứa con xa lâu ngày chưa về nhà. Đến bà anh năm nay đã gần 90 tuổi rồi, lưng đã còng, nhưng nhất định phải lụi hụi làm cho bằng được món đặc sản “ram bắp” thết đãi khách. Tôi chẳng biết món này là gì nên cũng tò mò theo bà xuống bếp.

< Ram bắp Quảng Ngãi.

Thì ra, đây là món ăn làm từ ngô non. Những hạt ngô được nạo ra sau đó trộn với một số gia vị rồi cuộn lại theo kiểu ngoài Bắc gói bánh đa nem. Sau đó, người ta mang chiên và gọi là chả ram. Chỉ có điều dân xứ này vốn nghèo nên ít làm chả ram từ thịt mà hay làm từ bắp. Nếu một lần bạn ghé vào nhà người quen mà được thết đãi món ram bắp thì có lẽ cả đời bạn sẽ nhớ mãi cái hương vị thơm thảo của tình người hoà quyện trong khó nghèo.

Người ta thường có câu: Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo. Cũng đúng thôi, bởi xưa nay, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh nghèo nhất miền Trung lại phải thường xuyên chống chọi với mưa bão, lũ lụt. Người Quảng Ngãi có được ngồi yên bao giờ. Nhưng giờ đây, Quảng Ngãi đã tạo cho mình một diện mạo khác xưa nhiều lắm. Mảnh đất của sự giao hoà giữa núi đồi hùng vĩ và sông nước thơ mộng, với hàng trăm di tích lịch sử huyền thoại của văn hoá Sa Huỳnh, thành cổ Châu Sa, Cổ Luỹ cô thôn… đang được đánh thức từng ngày để phục vụ du lịch.

< Núi Thiên Ấn bên dòng Trà Khúc.

Anh bạn tôi “rinh” ở đâu chiếc xe Cub 81 ra và nháy mắt cười phân bua: “Nhà tớ chỉ có chiếc xe người ta vẫn gọi là “xe chở heo” này thôi, nhưng đả m bảo chở cậu đi khắp tỉnh vừa chắc chắn lại vừa tiết kiệm”. Không còn đợi chờ gì nữa, chúng tôi hăm hở lên đường. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là núi Thiên Ấn, thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh. Đường lên núi cũng dễ đi thôi, quanh co một chút, nhưng xe máy cũng có thể lên đỉnh núi được.

Từ xưa đến nay, người ta vẫn xem ngọn núi này như “đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi. Cái tên Thiên Ấn xuất phát từ mỹ danh “Thiên ấn niêm hà”. Nghĩa là, người ta tưởng tượng rằng, ngọn núi này như một chiếc ấn mà nhà trời đã đóng xuống dòng Trà Khúc mênh mông. Sự sóng đôi giữa núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc đã trở thành biểu tượng của Quảng Ngãi để cho người ta gọi nơi đây là mảnh đất Ấn – Trà.

< Từ đỉnh Thiên Ấn nhìn xuống Quảng Ngãi.

Đứng trên đỉnh ngọn Thiên Ấn nhìn xuống mặt nước Trà Khúc lững lờ trôi xuôi bạn sẽ thấy lòng mình thật thanh thản. Chẳng thế mà xưa kia, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại chọn cho mình một góc phía Tây để làm chốn an nghỉ vĩnh hằng. Tôi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người nhân sĩ trí thức đáng kính và chợt nhận ra từ nơi đây có thể bao quát hết cả một khu vực rộng lớn và hữu tình. Thế mới biết, cụ Huỳnh tinh tế đến mức nào. Ẩn hiện sau những hàng cây cổ thụ ở phía đông ngọn núi là một ngôi cổ tự. Được biết, năm 1717, chúa Nguyễn đã ban biển ngạch cho ngôi chùa này. Chùa còn được người ta biết đến với cái giếng Phật sâu hun hút và quả chuông Thần được đúc năm 1845.

< Một góc trung tâm huyện Trà Bồng.

Từ Sơn Tịnh, chúng tôi ngược lên các huyện phía tây của Quảng Ngãi. Tôi chọn điểm đến là huyện Trà Bồng. Càng đi xe của chúng tôi càng như lạc vào “ma trận” của đá. Có lẽ vì phải vươn lên từ đá mà cỏ cây và con người nơi đây ẩn chứa một sức sống mãnh liệt như cây quế đang vươn cao cùng tháng năm. Con gái nơi đây đẹp trong sự rắn rỏi đến lạ thường. Chả trách mà họ đã làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đáng nhớ.

Ra về, có một mùi hương gì rất quen, mãi phảng phất theo tôi. Phải rồi, chính cái hương quế Trà Bồng thơm tho bay ra từ ca khúc của một nhạc sĩ nọ đang len lỏi vào đầu óc tôi, làm tôi ngây ngất. Từ Trà Bồng về, chúng tôi lại xuống Tư Nghĩa để ghé thăm địa danh Thu Xà, nơi ghi dấu cuộc đời một con người tài hoa mà yểu mệnh: Thi sĩ Bích Khê. Bích Khê, nhà thơ được coi là biểu tượng trong phong trào Thơ Mới, là người đã dùng “Tinh hoa” và “Tinh huyết” đời mình để tạo dựng một lối đi riêng.

Khi bước chân rong ruổi đã thấm mệt, cả hai đang tính rủ nhau về thì bỗng nhiên một anh bạn miền biển gọi điện “kèo” tôi xuống cho bằng được. Nơi chúng tôi đến là cảng cá Sa Kỳ. Nhà anh ở cách biển chỉ vài bước chân. Đến đây, tôi mới biết lý do mà anh mời tôi xuống là cha anh – một ngư ông của biển cả – vừa mới cho thuyền đánh cá cập bờ. Anh chọn những con cá nục đuôi đỏ tươi nhất, ngon nhất lên để mời người bạn phương xa.

Ngồi bên mép biển, nhâm nhi món cá nục nướng cùng men say của bia Dung Quất với mấy người bạn thân thì quả thực, với tôi, không có cái thú nào bằng. Nếu bạn có dịp ra vùng này, bạn cũng nên ghé thăm khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) để thấu hiểu nỗi đau thương của 504 đồng bào ta trong trận thảm sát ngày 16-3-1968. Chỉ một vài hiện vật còn loang lổ vết đạn ở đây cũng đủ để tố cáo tội ác dã man của kẻ thù.

Khép lại cuộc hành trình của mình, tôi lên xe xuôi về phía Nam. Bãi biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) dần hiện ra trước mắt tôi với rừng dừa xanh, muối trắng và thoai thoải bờ cát vàng. Tôi nhớ, hình như Xuân Diệu có lần cũng phải thốt lên: Hỏi mình biển đẹp vô ngần/ Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh. Và tôi cũng hiểu rằng, miền đất Ấn – Trà huyền thoại này sẽ còn là nơi chúng tôi phải dừng chân thêm nữa…

Theo Phạm Văn Học (Báo Quảng Ninh)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *