(TTO) – Khi chảy qua vùng rừng núi hoang sơ, Đà Giang – con sông hung dữ nhất Tây Bắc – đã tạo ra nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, một số đấy là vùng sơn thủy nguyên sơ, tuyệt đẹp thuộc cung đường Ba Khan – Tân Mai – Phúc Sạn (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Với những nếp nhà sàn, nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của người Mường cùng cuộc sống thanh bình tại đây đã làm cho không ít du khách không muốn rời đi khi đặt chân đến.

Bình nguyên ở Ba Khan

Từ Hà Nội, thẳng tiến theo quốc lộ 6 về phía Tây Bắc và sau quãng đường 120km, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi trên đèo Thung Khe (đèo Đá Trắng) để thưởng thức tách trà nóng, bắp ngô luộc… và ngắm bức tranh phong cảnh hùng vĩ dưới thung lũng.

Sau khi lấy lại sức, chúng tôi bắt đầu men theo con đường bêtông thuộc xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) dưới chân đèo để tiếp tục cuộc hành trình. Hai bên đường là một vùng bình nguyên rộng lớn, bằng phẳng trải dài, bình yên lạ kỳ.
NISAVA
Giữa màu xanh mênh mông của những ruộng lúa, nương ngô thỉnh thoảng lại xuất hiện một bãi đá tai mèo nhấp nhô, tạo ra một bức tranh với hai gam màu độc đáo. Đến đất Ba Khan (Mai Châu) cũng là lúc các bản Mường nhỏ xinh, bình yên hiện ra.

Cuộc sống bỗng vui nhộn hẳn lên khi chốc chốc chúng tôi lại nghe thấy tiếng leng keng, lốp bốp của chiếc mõ đeo trên cổ đàn trâu. Lũ nghé con cứ theo âm thanh ấy mà tìm về với mẹ. Trẻ nhỏ bản Mường buổi sáng trong trẻo cuối tuần ùa ra vui đùa bên hiên cửa nếp nhà sàn đơn sơ.

Trên cung đường, thi thoảng chúng tôi bắt gặp vài ba ngôi nhà sàn bé xíu nằm lọt thỏm giữa nương ngô xanh tươi trong thung lũng. Dừng chân bên nhà sàn, bọn trẻ con chạy ùa tới nhìn ngó chiếc máy ảnh của chúng tôi, rồi lại e dè cười khúc khích tản đi đùa nghịch.

Mấy bà mế cao tuổi xứ Mường – vẫn còn giữ nét văn hóa nhuộm răng đen từ xa xưa – niềm nở hỏi han, chào mời mọi người. Nhiều mế vẫn vận bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường với khăn trắng quấn đầu, áo xanh, áo đỏ, thắt lưng thổ cẩm và váy đen.

Bên căn nhà nhỏ vách làm bằng tre và mái lợp phibrô ximăng, chúng tôi được nghe một mế Mường kể chuyện, vừa chăm chú thêu họa tiết chiếc thắt lưng thổ cẩm. Theo đó, vùng đất này được dân Mường khai hoang lập xóm, lập bản nhưng do cuộc sống quá khó khăn, đi lại vất vả nên dân mới đặt là Ba Khan (nghĩa là ba xóm khó khăn) gồm: Khan Thượng, Khan Hò, Khan Hạ.

Bù lại, người Mường xứ Ba Khan rất chăm chỉ, khéo tay, đặc biệt là phụ nữ. Từ bé các thiếu nữ Mường đã được dạy thêu thùa, đan lát, làm nông, đi rừng hái măng…
NISAVA
“Vịnh Hạ Long mới”

Khác với Khan Thượng và Khan Hò, cuối đất Khan Hạ đổ sang Thung Nang (xã Tân Mai) là một vùng núi, sông đan cài nhau mênh mông, hùng vĩ đến bất tận. Từ trên miền rừng núi Tây Bắc tạo thành nhiều thác, ghềnh hung dữ, nhưng khi Đà Giang về đến Phúc Sạn, Tân Mai lại phình ra rộng lớn, hiền hòa.

Từ Thung Nang (Tân Mai), chúng tôi bắt đầu chinh phục cung đường đèo dốc uốn lượn men theo bờ sông. Có những đoạn vô cùng dốc, đường xẻ núi với hai bên vách đá dựng đứng như bức tường thành khổng lồ. Nhưng đi tới đâu vẫn không thoát khỏi dòng Đà Giang mênh mông sóng nước, xa xa là những dãy núi trùng điệp mịt mù tầm mắt.

Buổi sáng, mặt trời dần nhô khỏi núi, ánh nước lấp lánh bàng bạc với chiếc thuyền của ngư phủ đang lững lờ đi đánh cá. Cảnh vật quyện hòa vào nhau tạo ra một bức tranh sơn thủy đẹp đến ngỡ ngàng. Tại một quán nước ở điểm cao của con dốc, trong cái không khí trong lành, mát mẻ buổi sáng của núi rừng, chúng tôi chia nhau ra mỏm núi ghi lại những bức ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Anh chủ quán cho biết đây chính là khu Mó Rút và xa xa phía lòng sông là mỏm làng mới ở xóm Suối Lốn (xã Tân Mai). Tại Tân Mai có các bến thuyền tư nhân phục vụ khách tham quan, khám phá sông Đà.

Từ trên đỉnh dốc rẽ xuống con đường đất để tìm ra bến thuyền, chúng tôi thỏa thích ngắm dòng Đà Giang nước trong xanh, xa xa là những đảo, núi trùng điệp với mây trắng bồng bềnh ôm ấp lấy nhau. Mấy con thuyền màu xanh, có mái che đang lặng lẽ đậu bên bờ để đợi khách. Sau khi chọn một con thuyền và thỏa thuận giá cả, chúng tôi và một vài du khách lên thuyền để khám phá sông Đà. Làn nước trong xanh, êm đềm như một tấm gương khổng lồ soi bóng núi non, mây trời.

Chốc chốc thuyền lại lướt nhẹ qua một hòn đảo với thảm thực vật xanh tốt. Từ cảm giác hùng vĩ, bao la khi ngắm dòng sông, núi non từ trên cao, giờ đây chúng tôi lại như được hòa mình vào thiên nhiên, đất trời tươi đẹp. Buổi sáng trên lòng hồ sông Đà thường có một màn sương mù và sau đó là những áng mây lững lờ bay trên đỉnh đầu. Ngư dân các xã Tân Mai, Phúc Sạn cũng thường hay giong thuyền dọc sông để thả lưới đánh cá.

Khi chiều buông, ánh mặt trời đỏ tía như một quầng lửa phản chiếu xuống dòng nước tạo nên khung cảnh lấp lánh huyền ảo. Nhiều người nói rằng nếu đến Tân Mai mà không du thuyền ngoạn cảnh Đà Giang là điều đáng tiếc quả không sai. Chiều về, chúng tôi tiếp tục theo con đường trúc đến xóm Gò Mu (xã Phúc Sạn) tìm đến thác Gò Lào. Đây được coi là dải lụa trắng hùng vĩ ở xứ Mường, Mai Châu. Thác nằm giữa rừng tre trúc, bốn mùa tung bọt trắng xóa.

Trước khi kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi nghỉ chân bên thác nước với âm thanh xào xạc của lá trúc hòa vào tiếng róc rách nước chảy, chim rừng hót ríu rít.
NISAVA
Thông tin thêm:

Hiện có ba bến thuyền tư nhân tại xã Tân Mai chuyên phục vụ khách tham quan, khám phá sông Đà với giá thuê 250.000 – 300.000 đồng/thuyền/giờ. Nếu muốn lưu lại qua đêm, du khách có thể tìm chỗ trọ kiểu homestay ở ngay các bến thuyền với giá bình dân 50.000 – 80.000 đồng/người/đêm.

Khi gọi đồ ăn ở quán hoặc trên nhà thuyền, du khách đừng bỏ qua mấy món đặc sản độc đáo như: ốc đá nướng, gỏi cá sông, cá nướng, măng ngâm, rau dớn xào, xôi ngũ sắc…

Hồ Hòa Bình trên sông Đà dài 230km nằm trên địa bàn hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Hồ có dung tích khoảng 9,45 tỉ m3 nước, trong đó đoạn lòng sông thuộc địa phận xã Tân Mai, Phúc Sạn rộng nhất lên tới 4-5km. Giữa lòng hồ mênh mông nổi lên vô vàn đảo đá vôi. Đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước khiến người ta liên tưởng đến một “vịnh Hạ Long mới” trên lòng hồ sông Đà.

Theo Hải Dương, Nguyễn Duy (Tuổi Trẻ)

Thượng nguồn biên cương hùng vĩ

Với những du khách ham mê khám phá, ai cũng hiểu rằng mọi chặng đường chinh phục thượng nguồn các dòng sông đều không hề dễ dàng. Và tìm đến thượng nguồn một dòng sông nổi tiếng hung bạo như Đà Giang lại càng gian truân hơn, dù đường sá hiện nay đã khá hơn trước rất nhiều.

Sau một hành trình rất dài, chúng tôi mới đến được trạm biên phòng Kẻng Mỏ (thuộc đồn biên phòng Ka Lăng) nằm chênh vênh trên vách núi tả ngạn 
sông Đà.
NISAVA
Suốt mấy chục cây số xuyên qua cánh rừng già Tây Bắc, chúng tôi mới lại thấy… người. Nhìn vườn rau nhỏ nhắn và gian bếp đơn sơ trước trạm, tôi bần thần nghĩ cuộc sống những chiến sĩ nơi đây chẳng khác nào những ẩn sĩ năm xưa, cũng nương mình nơi sơn cùng thủy tận, rau trái đạm bạc qua ngày, vô nhiễm với những thói thường thế tục, chỉ có trái tim và khối óc là trọn vẹn dành cho lý tưởng.

Sau khi trưởng đoàn Trần Thế Dũng (Du lịch Thế Hệ Trẻ) trao chút tấm lòng của người dân miền Nam dành cho bộ đội biên phòng Tây Bắc, các chiến sĩ bắt đầu đưa chúng tôi chinh phục cột mốc 18 (2) và 18 (3), nơi ngã ba sông huyền thoại.

Sau chặng đường mịt mù ngồi trên xe, chúng tôi bắt đầu băng rừng, men theo những dốc vực thẳng đứng để tiếp cận các cột mốc, được chạm tay vào những hòn đá đầu nguồn sông Đà, được chân trần bước đi bên triền nước thượng nguồn Đà Giang.

Chúng tôi hội ngộ nơi đây không chỉ là chút duyên may của sự gặp gỡ, cũng không phải để chứng tỏ cho những đôi chân đủ sức vượt thác băng rừng. Chúng tôi đến đây để cảm nhận phần nào sự hùng vĩ, tráng lệ của non sông gấm vóc VN, để hiểu được phần nào những khó khăn, thiếu thốn của các chiến sĩ biên phòng.

Mỗi bước chân tuần tra của anh em chiến sĩ trên cung đường biên giới chính là bước chân vệ quốc, chạm khắc nên hình hài cho lãnh thổ.

Theo Lê Ngọc Hân (Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *