(LĐO) – Mang chiếc xe máy từ phố lên rừng, xuống biển và chạy vòng vèo khắp núi non, bạn đã trở thành dân phượt rồi đấy.
Chọn xe máy, vì nó là phương tiện đi lại hàng ngày thông dụng nhất của người Việt. Ai cũng có xe máy, ai cũng biết đi xe máy. Xe máy tiện dụng và năng động.
Vì xe máy ai cũng có nên sắp xếp lịch để đi cũng dễ dàng, ai cũng có thể chạy xe được, đi xa hay gần tùy thuộc vào khả năng và mong muốn của người chạy xe.
Vì xe máy rất chủ động, không bị phụ thuộc vào giờ giấc, điểm nghỉ như những phương tiện khác. Thích là nhích, đi luôn. Bạn có thể chạy đường trường, tạt té, vui đâu nghỉ đấy, muốn ngủ đâu dừng đấy, rẽ ngang rẽ dọc đâu cũng xong, lên núi hay xuống biển đều có thể đến được, những nơi mà ô tô chịu chết.
Vì đi xe máy vô cùng tiết kiệm chi phí. Chỉ việc đổ xăng là đi. Các công tác sửa chữa đơn giản, chi phí thấp hơn nhiều so với dùng các phương tiện khác.
Cuối cùng, đi xe máy là cách tốt nhất để ùa mình vào thiên nhiên, cảm giác mà đi ô tô không bao giờ có được. Những làn gió trong trẻo thẫm hương lúa, hương cỏ cây ùa về mát lạnh. Những cơn phiêu bồng khi xe đi trong mây. Những đêm trăng soi ánh sáng mỏng manh bàng bạc xuống vạn vật. Đi xe máy giống như được lướt trên đôi cánh của chính mình, vô cùng tự do và phiêu lãng.
NISAVA
Xe máy phượt phải là xe số, không phải xe tay ga yểu điệu lượn phố. Cào cào, xe phân khối lớn chỉ số ít dân pro mới chơi. Các nhóm thường chạy cùng một chủng xe khi đi đường, vì cào cào tốc độ cao không thể chờ xe Wave và ngược lại. Tùy thuộc vào xe mà cung đường cũng được chọn theo. Các nhóm chạy cào cào thường tìm đến các cung đường khủng để chạy, một mình một xe, không có “ôm” phiền phức phía sau.
Xe thường được dùng nhiều nhất trong các chuyến đi là Wave, là Dream “chiến” vì xe dễ sử dụng, ai cũng đi được, ít tốn xăng, chẳng may hỏng cũng dễ sửa chữa, đồ thay thế dễ kiếm, chỉ một hiệu sửa xe bé tẹo trong một thị trấn bé tí cũng “xử” được. Loại xe này chạy đâu cũng được, đường nào cũng chơi, đèo nào cũng xong, đường xấu cũng không ngại, qua suối dễ bê, khi cần ròng dây kéo cũng không quá nặng. Chấm điểm 9/10.
Chạy xe máy đường trường, tưởng dễ mà khó không tưởng. Đi trong thành phố thì ai cũng đi được. Tốc độc chậm, vài mét đã lại có ngay cái đèn xanh đèn đỏ, làn đường rõ ràng, hai bên nào nhà cửa, hàng hóa… Ngán mỗi cái tắc đường. Chạy xe đường trường thì khác. Tốc độ khác, cảnh quan khác và những tình huống phải xử lý khác. Trên chặng đường dài vài trăm cây số, yếu tố quan trọng là tay lái vững và cái đầu tỉnh táo. Chỉ một sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến tai nạn chết người. Tốc độ không làm chủ sẽ dẫn đến những va chạm khủng khiếp. Chỉ một giây lơ là, cả xe và người có thể đo đường, lao thẳng xuống vực sâu, hay nằm trong gầm một con xe tải nào đó.
NISAVA
Chưa kể, xe đường trường không đi trên đường bằng, mà đi leo đèo, thả dốc, đi trên đủ mọi địa hình. Những kỹ năng đi phố đến đây là hết tác dụng, bắt đầu vào những kỹ năng khác mà trường học lái xe không dạy. Leo đèo ra sao, đổ đèo thế nào, phanh làm sao để xe không bị đơ phanh khi chạy mấy tiếng chỉ đèo và dốc, cách nhau một tầm xe là như thế nào, khi dừng lại cũng để đèn xi nhan ra sao? Tốc độ bao nhiêu? Lách xe tải thế nào? Một tỉ thứ phải tự học khi chạy đường trường.
Làm xế thì vậy, làm ôm cũng chẳng dễ. Ngồi trên yên sau một chiếc xe máy suốt chặng đường dài cả ngàn cây số ròng rã vài ngày không phải là một chuyện đơn giản với bất kỳ cô gái nào. Sức khỏe, độ dẻo dai và niềm đam mê sẽ giúp các cô gái có thể đi theo xế trên con đường chinh chiến.
Để thành “ôm” của một chuyến đi, các quý cô cần thêm nhiều yếu tố như ngồi ăn ý với xế, ngồi chắc, xế ngả thì mình ngả… Tâm lý vững vàng, đừng có hễ sợ thì hét lên, hay là ngồi sau chỉ trỏ phải đi thế này thế kia thì xế nó quăng luôn xuống đường, hoặc chí ít nó lạng xe cho chân… quét cứt trâu. Thêm nữa, khi xế mệt cũng cần chạy thay để đảm bảo lịch trình, chứ không thì chỉ có “màn trời chiếu đất” hoặc đói móp bụng.
NISAVA
Xe máy, xế và ôm là những người bạn đồng hành của nhau, giúp nhau trên mọi ngả đường. Một chiếc xe tốt sẽ làm chuyến đi tuyệt vời hơn với những khám phá thú vị. Vì thế, trước khi lên đường, kiểm tra xe, thay đồ cần thiết, mang theo các dụng cụ sửa chữa và thay thế cùng giấy tờ đầy đủ. Đó mới là xe máy trên cung đường phượt.
Theo Lam Linh (Lao Động)
NISAVA TRAVEL!