Sông Hồng là điểm du lịch hẫp dẫn du khách gần xa, đặc biệt là giới trẻ. Một ngày lênh đênh trên thuyền, thăm những hoạt cảnh của hai bên sông sẽ giúp bạn có những giây phút thư giãn thật thoải mái sau những giờ làm việc vất vả.
Chỉ sau vài phút, tàu xa dần để lại sau lưng thành phố với những âm thanh ồn ào của cuộc sống thường nhật, nhường vào đó là cảnh vật êm đềm của làng quê Việt Nam. Khoảng 30 phút, tàu đã đến được đền Dầm. Du khách lên bờ lễ đền và ngắm nhìn cảnh vật tại đây, cây thị cổ thụ nằm lặng lẽ sau chùa như ngắm nhìn và đang suy nghĩ về những ngày đã qua, rì rầm kể lại những câu chuyện huyền thoại và cổ tích nơi đây.
Chuyện kể về nàng tiên nữ chẳng may đánh rơi chén ngọc, bị nghị tội giáng xuống thuỷ cung làm con gái Long Vương, gả cho đô đốc Côn Bằng Đại tướng làm vợ lẽ. Vợ cả của Kinh Xuyên ghen ghét, vu nàng tư thông phản bội chồng, chồng nàng giận dữ đầy nàng lên trần thế, sống ở Ngọc Hồ Kim Quy. Thời ấy có một người ở xã Ngọc Lạp, huyện Thanh Miện, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương họ Liễu, tên Nghị, một danh sĩ lúc bấy giờ, thấy nàng bị oan mà ra tay minh oan, đưa nàng trở về Thuỷ cung. Nhưng sau đó tất cả dân ở hai bên sông đều mắc bệnh dịch. Dân làng lập đền thờ viết thần hiệu để thờ phụng nàng, đến sáng, bệnh tình của người dân tan biến hết, dân làng đã dựng một ngôi miếu ngày đêm hương khói.
Đến đời Trần Nhân Tông (1285-1293), Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đem quân xâm lược nước ta. Đội quân của tuớng Trần Quốc Tuấn được cử đi đánh giặc. Đến làng Xâm Miện thì trời sẩm tối, ông ra lệnh cho quân lính nghỉ tại bãi sông này. Nửa đêm mộng thấy có người con gái tới giúp. Đúng như trong mộng, sớm hôm sau ông chiến thắng giặc vang dội. Không quên ơn, vua truyền lệnh cho dân làng đến kinh thành rước sắc về thờ phụng, đèn hương mãi cho dân làng thịnh vượng muôn thủa. Hiện tại đây còn lưu trữ tại bản đền 6 sắc phong.
Tạm biệt đền Dầm, du khách tiếp tục đến thăm Đền Đại Lộ thuộc thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Đền được xây dựng cách nay trên 700 năm toạ lạc ngay bên bờ sông Hồng thơ mộng. Kiến trúc của chùa đồ sộ, nguy nga dựa lưng vào con đê lớn, mặt hướng về phía đông nam như để đón những cơn gió mát từ biển mang lại. Từ sông Hồng đi vào khoảng 200m là miếu Cậu Quận.
Du khách đi qua một cổng lớn gọi là Mã Môn rộng cách nhau khoảng 10m, hai cột hoa biểu cao chừng 9m, ngang 1m, đỉnh là một khối hoa dành dành cách điệu, cụm hoa khéo ghép thành 4 đuôi chim phượng nhưng lại hiện rõ hình long phượng quấn quýt, dưới cụm hoa là 4 con phượng quay về bốn phía để đón gió bốn phương. Bên hữu đắp 4 mảng phù điêu theo tích “Tam tạng lấy kinh”. Bên tả theo tích “nhị sư lão đệ, tướng quân chuột”. Giữa hai cột lớn, nhỏ là hai cổng ra vào làm thành hai tam quan cân đối. Trên đỉnh trụ nhỏ là đôi kỳ lân cách điệu.
Qua cửa Mã bên phải là một quả chuông to lớn, bên trái là đền thờ đức Thánh Trần,vị tướng lỗi lạc có công lớn trong việc chống giặc Nguyên.
Rời đền Đại Lộ, thuyền cập bến đền “tình yêu”. Đền toạ lạc trên đất Khoái Châu- Hưng Yên. Đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu và ôn lại câu chuyện tình thật lãng mạn và tình cờ của chàng trai nghèo- Chử Đồng Tử với nàng công chúa- Tiên Dung. Tình yêu đó là một minh chứng cho tình yêu đẹp, vượt qua mọi cản trở để họ đến với nhau.
Sau khi tham quan đền “tình yêu”, du khách trở về thuyền dùng bữa ngay trên thuyền, và đến điểm hẹn cuối cùng là làng gốm Bát Tràng, thăm một số lò gốm để tìm hiểu về cách thức làm gốm của những người thợ gốm nơi đây. Với những ai thích mua sắm thì không thể bỏ qua cơ hội tới thăm chợ gốm Bát Tràng. Tại đây, du khách tự do chọn cho mình những sản phẩm gốm mà mình yêu thích và làm quà cho người thân và bạn bè.
Theo web Du lịch Phú Quốc, ảnh Skydoor