Mường Hum nổi tiếng với những con suối đẹp, những ngọn núi nhấp nhô vây quanh một thung lũng là trung tâm của 8 xã thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai). Để đến được nơi đây, du khách phải vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, những con đèo được gọi là “cổng trời”. Khi đến được Mường Hum, ai nấy đều như cảm thấy rơi tõm vào một không gian đặc sắc.

Mường Hum hội tụ chủ yếu các dân tộc Dao đỏ, Mông, Giáy, Hán, Hà Nhì… Con gái Giáy nơi đây nổi tiếng đẹp. Vào mỗi phiên chợ chính (ngày chủ nhật), người dân trong vùng đổ về đây buôn bán, mua sắm rất đông. Những cô gái xúng xính váy áo, tay cầm điện thoại bấm “tít tít” rất thành thục. Họ nói dẻo và có duyên. Nếu ai cần, họ sẵn sàng làm một hướng dẫn viên, đưa về bản họ tham quan mà không cần bất cứ một đồng lệ phí nào. Sự thân thiện và nhiệt tình đã làm nên cuộc sống đầy bản sắc của con người nơi đây.

< Cầu Mường Hum.

Ba năm trước, trong hành trình về vùng cao Y Tý, tôi đã ở lại Mường Hum vài ngày và thăm thú các bản làng. Nụ cười của những em bé, những cụ già đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Anh bạn tôi là dân phượt “chính hãng” đã nói thế này: “Tôi đi vùng cao nhiều, nếu đến Lào Cai mà bỏ qua chợ Mường Hum thì cũng thật đáng tiếc.

Hàng hóa ở đây ngày càng đa dạng, khi đường xá được cải thiện. Rất nhiều món ăn để du khách lựa chọn. Riêng tôi thích nhất món lợn cắp nách. Ngày thường, ai đến đây cũng thích ngắm cảnh Mường Hum sơn thủy hữu tình, còn vào ngày chợ phiên cảnh bắt mắt du khách nhất là đoạn suối ven chợ.

Bên bờ suối, bầy ngựa đợi chủ vào chợ với đủ sắc lông, thỉnh thoảng chúng cất tiếng hí vang khiến bức tranh sơn cước càng thêm sinh động, rất hiếm thấy ở nơi khác…”

Chợ Mường Hum nằm dưới thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt. Đối với bà con dân tộc trong vùng, đi chợ không chỉ để mua bán.

Chợ phiên còn là nơi thư giãn, hẹn hò của nhiều nam thanh nữ tú. Người ta đến đây để ngắm và để được mọi người chiêm ngưỡng.

Các thiếu nữ Dao ăn mặc thật đẹp và rất cầu kỳ: khăn đội đầu màu đỏ, gấp nếp xuống tận tai. Các thiếu nữ Mông váy hoa sặc sỡ, lại đội thêm mái tóc giả bằng len sợi nhuộm màu trông giống như một bông hoa biết đi, lung linh khoe sắc.

Tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật mà còn thấy cuộc sống con người nơi đây thật yên bình, vui tươi và mong muốn có dịp được trở lại nơi này.

Mường Hum chỉ cách Bản Vược – trung tâm huyện lỵ cũ của huyện Bát Xát 24 km nhưng khá biệt lập với bên ngoài, bởi địa bàn xã nằm lọt trong thung lũng, bốn phía vây quanh là núi. Trải qua nhiều biến động lịch sử,

Mường Hum vẫn luôn giữ vai trò thủ phủ vùng Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Hiện nay Mường Hum còn lại dấu tích những biệt thự cổ, những đồn bốt từ thời phong kiến cho đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nơi đây còn có những con suối đẹp, đặc biệt là suối Mường Hum đã từng đi vào thơ ca, nhạc họa. Suối Mường Hum là tên gọi chung cho dòng chảy hợp lưu từ Piềng Láo và Nậm Pung Hồ chảy về.

Dòng suối và tình yêu cuộc sống của cư dân bản địa là nguồn cảm hứng dạt dào cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết nên ca khúc Suối Mường Hum còn chảy mãi nổi tiếng qua mấy chục năm.

Nhiều đoàn khách đến với Mường Hum vẫn bị hút hồn bởi những khu ruộng bậc thang và những đồi chè xanh mướt mát. Thêm nữa, họ còn bất ngờ vì nơi đây vẫn còn giữ được các cánh rừng nguyên sinh.

Rừng tạo nên dáng vẻ thâm u huyền tích, giữ cho không khí trong lành, cho suối nguồn còn chảy mãi, cho mỗi nếp nhà dưới núi cao vách đứng được an lành, không bị tàn phá bởi những cơn giận dữ của thiên nhiên. Đó thực sự là điều mà rất nhiều nơi không thể nào lấy lại được, bởi rừng đã bị con người xâm hại.

Tỉnh Lào Cai cũng xác định Mường Hum là vùng đất không những giàu tiềm năng kinh tế, mà còn chất chứa tài nguyên nhân văn, phù hợp cho chiến lược phát triển kinh tế du lịch. Khu vực này có nhiều địa điểm đáng đưa vào chương trình tham quan, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Đơn giản nhất là loại hình du lịch tham quan chợ phiên, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực và du ngoạn tắm suối Mường Hum.

Nhìn một cách tổng thể, du lịch Mường Hum vẫn chưa thể so sánh với những khu du lịch làng bản khác của Lào Cai như Tả Van, Tả Phìn… Bởi dẫu sao, nơi đây kinh tế vẫn còn chậm phát triển và chưa được đầu tư xứng đáng.

Nhưng có người đánh giá, Mường Hum giống như một nàng công chúa ngủ quên trong rừng. Nếu được quan tâm, thì vẻ thơ mộng của núi rừng nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng của hàng ngàn du khách mỗi năm, giúp cho kinh tế trong khu vực có điều kiện phát triển.

NISAVA TRAVEL! –  Theo báo Đại Đoàn Kết, ảnh internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *