Leo lên đỉnh Phu Song Sung, Yên Bái mùa khô đã khó, đi vào trúng đợt rét đậm rét hại, trời sương mù mịt còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Con đường mòn khúc khuỷu bình thường bỗng trở nên trơn trượt như bôi mỡ. Cây cối đóng băng, gió thốc như muốn thổi tung người. Nhưng cái máu “ngông”, ưa thử thách bản thân đã khiến chúng tôi quyết định thực hiện chuyến du lịch leo núi vào một ngày đông lạnh giá cũng chính là cơ hội trải nghiệm những điều thú vị hiếm hoi.

Chúng tôi đến xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái sau gần một ngày chạy xe máy từ Hà Nội. Trời mùa đông đã bắt đầu nhá nhem tối. Do đã liên lạc trước với Giàng A Sinh, nên chúng tôi đến thẳng nhà ông bí thư xã này.

Tới muộn nên ông Sinh bảo không thể lo cho cả đoàn mười người chỗ ăn, ngủ. Ông bảo, trước đoàn chúng tôi cũng đã có hai, ba đoàn tới đây rồi nhưng không thể leo được vì trời quá nhiều sương mù, ẩm ướt, thậm chí trên núi đã có băng. Nhưng chúng tôi nghĩ, đã đến được đây rồi mà quay về, không tới được đích là phí phạm một kì nghỉ; nên cả nhóm khăng khăng đề nghị ông giới thiệu người dẫn đi.

Ông bảo chúng tôi xuống nhà anh Thào A Măng nghỉ đêm và hôm sau anh ta sẽ dẫn đường cho chúng tôi luôn. Chỗ nghỉ chỉ là cái một cái nhà tạm, không có giường chiếu gì. Nấu nướng, ăn uống xong, cả nhóm trải túi ngủ ra nằm. Căn nhà trống đủ cho gió tự do lùa vào. Rét run cầm cập, mọi người hầu như suốt đêm không ngủ, chỉ mong trời mau sáng để leo lên đỉnh.

Sáng sớm, chúng tôi khởi hành trong tình trạng sức khỏe không được sung mãn nhất vì trải qua một đêm mất ngủ. Sương mù vẫn phủ xuống mờ mịt, lẫn trong đó là những hạt mưa bay bay, gió thốc buốt lên tận đầu, dấu hiệu cho một ngày vất vả. Hai người Mông vừa dẫn đường vừa vác thực phẩm và đồ dùng của cả đoàn. Chúng tôi cũng chỉ mang theo những gì đơn giản nhất trên người, túi ngủ, nước, đồ ăn. Xe máy được gửi lại lán của những công nhân làm trong khu khai thác mỏ.

Thời tiết nghiệt ngã

Từ đây, đã thấy những dốc núi dựng đứng, leo lên đầu phải chạm gối, chỉ có đi lên đến vô tận, không có điểm xuống. Vượt hơn chừng cây số, lên trên một đỉnh núi cao, chúng tôi thấy một đoàn cũng đang dựng lều, cắm trại nấu ăn. Đoàn này đã tới từ hôm qua nhưng do trời nhiều sương, mù mịt nên quyết định bỏ cuộc, không leo nữa. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi nên cũng cứ thế mà leo lên.

Anh Măng, người dẫn đường cho chúng tôi bảo, tuần nào anh cũng leo lên đỉnh này để xem đàn gia súc nhà anh thả rong trên đó như thế nào. Anh gọi đỉnh Phu Sung Song là đỉnh Cột Cờ. Người Mông còn gọi đỉnh núi này bằng cái tên khác là Chung Chua Nhà (đỉnh núi có nhiều kim loại). Trước kia trên đỉnh núi có dựng một cột cờ lớn để đánh dấu đỉnh cao nhất của dãy núi này. Nhưng giờ không còn nữa, chúng tôi có muốn xem cũng không được.

< Chặng dừng chân đầu tiên sau bốn tiếng đồng hồ leo núi.

So với đỉnh Fanxipan, Phu Song Sung thấp hơn, vào khoảng 2.955 mét so với mực nước biển, nhưng độ khó thì hơn Fanxipan rất nhiều lần vì toàn dốc đứng lên, không có những khoảng nghỉ như leo Fan. Trời nhiều mù nên cũng chẳng thấy gì nhiều, chỉ thấy chân mình đi qua hết con núi đến con núi khác, dò dẫm trên con đường mòn ướt đẫm nhỏ tí dành cho bò, dê đi đã trở nên trơn trượt, nhão nhoẹt. Đoàn chúng tôi thay nhau trượt ngã, có những đoạn anh dẫn đường phải dùng một cây gậy kéo từng người một lên khỏi đoạn dốc trơn.

Khó nhọc leo lên từng con dốc một, nhưng mệt quá dừng lại nghỉ lâu một chút là cái lạnh bắt đầu ngấm vào người nên chúng tôi có mệt cũng không dám nghỉ lâu, cứ dò dẫm đi về phía trước. Càng lên cao gió thốc càng mạnh. Có những đoạn gió thổi bay đi đám bây mù, để lộ ra khoảng rừng rậm xanh rì, những ngọn núi hùng vĩ. Cả đoàn chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước cảnh tượng tuyệt đẹp của thiên nhiên. Nhưng chỉ được một khoảnh khắc rất nhanh sương mù lại che kín tất cả.

Khoảnh khắc kỳ diệu

< Sương bám trên chùm lá non đông thành băng trông như chùm hoa thủy tinh trong suốt.

Qua vùng rừng thấp mịt mù, chúng tôi leo lên những triền núi cao hơn, hai bên là vực sâu thăm thẳm, gió thổi mạnh như muốn hất tung người chúng tôi. Có những đoạn gió mạnh quá, chúng tôi phải thụp người xuống lùm cây nhỏ để tránh gió. Những con đường sống trâu tưởng chừng như dài vô tận. Lúc đó, chúng tôi mới biết cảm giác sợ chết là như thế nào. Chỉ cần hẫng chân và gió đẩy một chút là có thể rơi xuống hai bên vực sâu thăm thẳm!

Sương mù dày đặc nên chỉ nhìn thấy những con đường mờ mờ phía trước. Nhiệt độ xuống thấp đến độ cây cối đóng băng. Có thể lấy ra một lớp băng từ trên những chiếc lá. Cây cối nhuốm màu trắng bàng bạc. Giữa sương giá như vậy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp những bông hoa dại nở đẹp rực rỡ. Những cơn gió mạnh cứ liên tục đẩy những đám mây mù đi làm cho khung cảnh thiên nhiên không ngừng thay đổi. Có những khoảnh khắc, bầu trời bỗng nhiên sáng bừng lên, để lộ những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên những đỉnh núi xanh mướt.

< Trên đường lên đỉnh, thỉnh thoảng, gió xua hơi mù đá núi, để lộ những đám mây trắng bồng bềnh tuyệt đẹp giữa núi non hùng vĩ.

Ở độ cao 2.400 mét, giữa không gian mênh mông, hùng vĩ như vậy, chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé. Không gian tĩnh lặng đến kỳ lạ, chỉ nghe thấy tiếng chim và tiếng bước chân dồn dập, tiếng thở nặng nhọc của chúng tôi. Nếu đi quá cách xa nhau, chúng tôi chỉ cần đứng trên đỉnh núi này hú lên, là nhóm kia ở đỉnh bên kia có thể nghe thấy rõ mồn một. Cảm giác yên tĩnh đến rợn người.

Chúng tôi cứ thế cắm đầu leo lên ròng rã từ 7 giờ sáng đến tận chiều. Đôi chân đã mỏi nhừ nhưng vẫn chưa thấy đích đến đâu. Đoạn đường cuối cùng chỉ có thể đi bằng ý chí, mặt cắm xuống đất, lê từng bước một. Trời đã bắt đầu tối và vẫn sương mù mịt nên có lên đỉnh cũng không thể nhìn ngắm thấy gì. Chúng tôi quyết định chỉ đi tới lán chăn gia súc của gia đình bác Sinh. Từ lán còn phải mất gần tiếng đi bộ mới lên tới đỉnh.

< Suốt chặng đường lên đỉnh không hề có đoạn đi xuống, chỉ leo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác.

Cả bọn đang thất thểu đi về lán, bỗng dưng chúng tôi thấy sáng rực ở chân trời. Giống như một điều kì diệu, nắng bỗng xuất hiện trên đỉnh núi, giữa lòng thung lũng là biển mây trắng bồng bềnh. Những tia nắng phản chiếu làm lóe lên nhưng tia sáng lấp lánh như pháo hoa. Khoảnh khắc chỉ diễn ra trong chớp mắt, rồi lại bị mây mù bao phủ. Chúng tôi không kịp lôi máy ảnh ra chụp. Nhưng cảm giác lâng lâng thì vẫn còn. Cứ ngỡ như mình đang ở một chốn thần tiên nào đó. Lúc trước, chúng tôi vẫn tiếc là mình không đi vào một ngày đẹp trời lắm. Nhưng chứng kiến bức tranh tuyệt đẹp đó chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi cũng đủ bù đắp cho tất cả những khó khăn mà chúng tôi phải trải qua.

Hành trình của ý chí

< Lán gỗ dành cho gia súc tránh rét của gia đình ông Giàng A Sinh, bí thư xã xã Xà Hồ.

Lúc này, khu lán trại của ông Sinh đã hiện ra mờ mờ ở phía xa. Chúng tôi như có động lực để tăng tốc. Khu lán nằm lọt thỏm giữa khoảng đất bằng phẳng, xung quanh núi bao phủ. Gió thốc vào như muốn thổi tung từng mảnh gỗ. Toàn bộ đều là nơi để gia súc tránh rét, chỉ có một tầng trên được ghép tạm bợ bằng những miếng gỗ để cho người trú.

Cảm giác như ngôi nhà đang rung rinh kẽo cọt trong gió. Thế mà vào bên trong lại rất ấm. Cứ tưởng tượng nếu không có cái trạm này, cả đoàn mắc lều cắm trại chắc chắn sẽ bị thổi bay đi lúc nào không biết. Đoàn chúng tôi đến trước, một lát sau cũng có một đoàn khác đến cùng tá túc trong cái lán bé tí xíu. Chúng tôi chia đôi ra, mỗi bên một nửa, nằm quanh bếp lửa. Đêm xuống, chỉ nghe tiếng gió rít xuyên qua những phiến gỗ và tiếng lửa kêu tí tách, tiếng gió đưa đẩy những chiếc lục lạc của đám gia súc kêu leng keng.

Mùa đông khắc nghiệt không còn lạnh lẽo nữa, bởi hơi ấm của người, bởi cảm giác đã làm được một cái gì đó, đã trông thấy những cảnh tượng tuyệt đẹp. Chúng tôi có một đêm ngon giấc trong giấc mơ ngọt ngào.

Buổi sáng, cả hai đoàn cùng sẵn sàng leo lên đỉnh. Khoảng cách chỉ chưa đầy một tiếng đi bộ. Nhưng trời vẫn mù mịt. Cả đoàn cặm cụi leo lên đỉnh nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì nhiều hơn ngày hôm qua. Đành tiếc rẻ bắt đầu leo xuống, hứa với lòng mình sẽ trở lại, leo lên đỉnh vào một ngày ánh nắng tràn ngập để thấy mình như nằm trên mây, bồng bềnh trôi; để nhìn thấy phía dưới kia, chân núi thăm thẳm xanh mướt và hít căng tràn lồng ngực không khí buổi sớm tinh nguyên.

Chặng đường đi xuống cũng vất vả không kém. Hết đổ dốc này, đến dốc khác. Có những lúc không phanh lại được trước con dốc dựng dứng, cứ lao người chạy xuống. Đầu ngón chân bám vào đường sưng tấy lên. Chúng tôi thử tất cả các kiểu đi xuống, đi ngang, đi dọc và cuối cùng là lết xuống bằng… mông. Thế mà vẫn có vài người ngã lăn lông lốc. Hai đầu gối tôi run lẩy bẩy, trong đầu chỉ lẩm nhẩm “Dê leo được, mình cũng leo được” để tự khích lệ quyết tâm.

Trong khi đó, anh Măng chỉ mang đôi ủng nhựa lại đi nhẹ nhàng như không. Nhìn anh leo xuống thoăn thoắt giống như con sóc. Chúng tôi có động lực để đi xuống. Giống như kiểu đi nhiều sẽ quen chân thôi.

Cuối cùng, chúng tôi cũng xuống được tới chỗ gửi xe, người ngợm quần áo bẩn thỉu nhưng bù lại mặt ai cũng tươi rói. Cuối cùng, cũng đã chinh phục được mục tiêu. Quan trọng hơn cả, như người ta vẫn nói, “Niềm vui là hành trình, chứ không phải là điểm đến”. Cả chuyến đi, mỗi người chúng tôi đều có trải nghiệm của riêng mình và cảm giác đã vượt qua chính bản thân mình.

NISAVA TRAVEL! – Theo Lê San (Thesaigontimes), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *