Di tích chiến thắng La Ngà trải dài trên 9km đoạn quốc lộ 20 từ cây số 104 đến 113 qua các xã Phú Ngọc Ngọc Định và Phú Hiệp của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
< Tượng đài Chiến thắng nhìn từ cầu La Ngà.
Quốc lộ 20 được người Pháp xây dựng từ đầu thứ kỷ 20, là đường giao thông chiến lược nối liền Sài Gòn với Đà Lạt. Từ Đà Lạt còn có nhiều con đường nối với các tỉnh Tây nguyên đến trung Hạ Lào và xuống các tỉnh vùng duyên hải miền Trung.
Thuở ấy, đoạn quốc lộ 20 qua các di tích chiến thắng La Ngà chỉ là con đường trải nhựa nhỏ bé (khoảng 5 – 6 mét) quanh co khúc khuỷu men bên sườn núi, có những đoạn dốc cao kéo dài, độ dốc trung bình từ 10 – 15 độ.
< Cầu La Ngà năm 1969.
Phía đông, đường dốc thoải dần xuống thung lũng, có những chỗ là vực sâu. Phía tây, đường chạy theo những triền núi cao, cách sông Đồng Nai 7km. Hai bên đường toàn rừng già, không có dân cư sinh sống. Buổi sáng có thể nhìn thấy những bãi phân voi to như chiếc rổ rải rác trên mặt đường. Buổi chiều rừng nguyên sinh tĩnh lặng đến độ người ta có thể nghe tiếng xào xạc trên các tán cây hay tiếng bước chân của các loài thú rừng. Vào mùa mưa, sương mù bao trùm cả cánh rừng làm cho môi trường càng âm u, tĩnh lặng.
< Làm chủ trận địa La Ngà trong trận tập kích ngày 1-3-1948.
Ngày 01 tháng 3 năm 1948, sau một thời gian dài chuẩn bị, Chi đội 10 phối hợp với Liên quân 17 phục kích tấn công đoàn xe quân sự Pháp từ Sài Gòn đi Đà Lạt trên lộ 20. Tuyến phục kích trải dài trên 9 km từ cây số 104 đến 113 nay thuộc địa bàn Định Quán. Lực lượng vũ trang cách mạng tập kết quân và bố trí phục kích trên ba mặt trận với tên gọi: A, B, C nhằm khóa đuôi, chăn viện và đánh thẳng vào đoàn xe quân sự địch – Trên các mặt trận được bố trí nhiều địa lôi.
15 giờ 12 phút, chiếc thiết giáp dẫn đầu đoàn xe địch lọt vào trận địa phục kích. Quân cách mạng tấn công, ba trái địa lôi và viên đạn chống tăng gần như nổ cùng một lúc tạo nên một cột lửa khói bao trùm mục tiêu. Chiếc thiết giáp bị đẩy hất lên nằm chắn ngang đường rồi bốc cháy. Chỉ huy đoàn xe cùng bộ phận thông tin bị tiêu diệt tại chỗ. Hai chiếc xe chở lính hộ tống đi tiếp sau đâm sầm vào xác chiếc xe trước bắt lửa cháy luôn. Quân cách mạng dùng hỏa lực tiêu diệt đám lính còn lại và vận động xung phong tấn công trực diện đoàn xe địch trên lộ.
Số xe địch đi sau lọt hẳn vào trận địa và tiếp tục tiến lên, không hay biết về bộ phận đi đầu đã bị tiêu diệt. Khắp cả hai mặt trận B và C, quân ta tập trung hỏa lực vào những xe quân sự, chiến đấu quyết liệt với địch và nhanh chóng làm chủ trận địa. 16 giờ trận đánh kết thúc, 59 xe địch bị tiêu diệt hoàn toàn, 150 lính lê dương đi hộ tống, 25 sĩ quan Pháp, trong đó có đại tá De Sérigné – chỉ huy lữ đoàn lê dương thứ 13 và đại tá Patruit – phó tham mưu trưởng thứ nhất quân viển chinh Pháp ở Đông Dương bị thiệt mạng, trung úy Joeffrey – chỉ huy đội hộ tống bị bắt sống. Cùng với bộ đội Chi đội 10 và liên quân 17, lực lượng vũ trang địa phương tham gia trận đánh rút về căn cứ an toàn.
Chiến thắng La Ngà gây một tiếng vang lớn trong cả nước ta, làm chấn động dư luận nước Pháp. Quốc hội Pháp phải chất vấn chính phủ về trận La Ngà. Viên đại tá Thalès, chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai thượng bị giáng chức nên đã tự tử.
Đây là một chiến thắng quân sự lớn nhất từ đầu cuộc kháng chiến đến lúc bấy giờ của lực lượng vũ trang Biên Hòa. Trận đánh giao thông La Ngà đánh dấu bước tiến vượt bậc về khả năng phối hợp, tổ chức, trình độ chiến thuật, kỹ thuật của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà. Các đơn vị tham gia trận đánh được vinh dự nhận Huân chương Quân công hạng II do Bác Hồ trao tặng.
< Tượng đài chiến thắng La Ngà.
Tại chiến trường xưa, trên ngọn đồi Gió bên dòng sông La Ngà, tượng đài Chiến thắng La Ngà được xây dựng như một biểu tượng tình cảm thiêng liêng của hậu thế khắc ghi công lao to lớn của cha ông đã tạo nên một chiến công bất tử, một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Cụm di tích chiến thắng La Ngà trải dài trên 9 km đoạn quốc lộ 20 từ km 104 đến 113 qua các xã Phú Ngọc, Ngọc Định và Phú Hiệp, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Cụm di tích tượng đài chiến thắng La Ngà được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích, lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 235/VH- QĐ ngày 12 tháng 12 năm 1986.
Ngày nay, Quốc lộ 20 được mở rộng nâng cấp những cánh rừng nguyên sinh không còn nữa, thay vào đó là những khu dân cư đông vui tấp nập. Bên tả ngạn sông La Ngà, trên đỉnh đồi, là khu công viên tượng đài “Chiến thắng La Ngà” hoành tráng sừng sững giữa bầu trời xanh lộng gió, soi bóng xuống dòng sông.
Hơn 55 năm trôi qua vết tích về một trận đánh giao thông táo bạo, hùng tráng gần như không còn, nhưng âm vang chiến thắng La Ngà vẫn còn đó. Tượng đài La Ngà như một biểu tượng tình cảm thiêng liêng của đất nước khắc ghi công lao to lớn của chiến sĩ đồng bào đã hy sinh góp phần làm nên chiến công vang dội “Chiến thắng La Ngà”. Một mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh dân tộc.
NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ SVHTT&DL-Đồng Nai và nhiều nguồn thông tin, hình ảnh khác trên internet