(BNA) – Nói đến Huồi Pốc – một bản thuộc xã biên giới Nậm Cắn – Kỳ Sơn là nói đến sự xa xôi, cách trở và gian nan. Và ai từng đến Huồi Pốc một lần, chắc hẳn không tránh khỏi niềm day dứt…
Đói ngheo và di dịch cư
Một ngày sau đợt mưa dai dẳng, tôi quyết định băng rừng vào Huồi Pốc để tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Mông nơi biên cương xa xôi này. Khi biết ý định của tôi, các chiến sỹ ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tỏ ra ái ngại. Bởi con đường tuần tra biên giới sau những ngày mưa đã bị sạt lở và trơn trượt, việc đi lại hết sức khó khăn…
< Đường vào Huồi Pốc.
Vượt qua những đống đất đá ngổn ngang, vượt qua những đoạn đường trơn lầy, nhiều đoạn phải đi xe 4 bánh theo cách nói của người Mông (chống 2 chân xuống đường), được khoảng 5 km, Huồi Pốc đã hiện ra phía đỉnh núi bên kia. Những ngôi nhà thấp bé, lợp pờ-rô-xi măng nằm thấp thoáng trong làn sương mây. Lòng thấy phấn khởi, Huồi Pốc có xa mấy đâu, sao mọi người cứ can ngăn, cảnh báo? Tôi lại tiếp tục chống chân vượt qua những chặng đường trơn trượt, đi tiếp, đi mãi… Chân và tay mỏi rũ, có lúc đã thấy mệt và nản. Thì ra, tuy Huồi Pốc ở gần nhưng con đường lại chạy men sườn núi, tạo thành gần trọn một đường vòng nên xa hơn đến hàng chục lần.
Sau gần 3 tiếng đồng hồ “đánh vật” trên tuyến đường gian nan và nguy hiểm, cuối cùng tôi cũng đến được Huồi Pốc. Đang mùa thu hoạch lúa, ngô và khoai sọ nên hầu hết các gia đình đều đóng cửa, bà con chủ yếu ở trên nương. Người già ở Huồi Pốc phần lớn không biết tiếng phổ thông, hỏi gì cũng “Xi pâu! Xi pâu!” (không biết). Loay hoay mãi, không thấy ai để hỏi chuyện bản, chuyện làng. Thật may, có một người đàn ông cỡ tuổi 40, đi lấy khoai sọ về, nói được tiếng phổ thông. Nhà của anh ở trên đỉnh núi, phải leo một con dốc cao.
Anh trò chuyện cởi mở, nhiệt tình. Qua câu chuyện với chủ nhà, được biết Huồi Pốc có 174 hộ (gần 1.000 nhân khẩu) đều là người dân tộc Mông. Giao thông cách trở, khó khăn đã “buộc chặt” bà con nơi đây trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Đời sống cơ bản tự cung, tự cấp, dựa vào nương rẫy. Nếu gia đình nào thừa lúa, thừa ngô hoặc các loại sản phẩm nuôi trồng khác cũng không thể đem ra chợ bán, cũng không mấy khi có người vào tận bản để mua. Bởi đường sá xa xôi, cách trở, chở hàng ra đến chợ huyện thì tiền xăng đã cao hơn tiền hàng, chưa kể công đi lại vất vả. Nơi đây chưa có điện lưới, bà con đang phải dùng điện tua-bin mi ni vừa yếu vừa mất an toàn.
Đời sống nghèo khó, thiếu đất sản xuất, giao thông đi lại khó khăn cùng với tập tục lâu đời là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng di cư sang Lào. Ở Huồi Pốc, tính từ năm 2012 đến nay, đã có 12 hộ di cư sang Lào, trong đó có một số hộ vượt biên trái phép. Trước khi di cư, người dân thường bán hết đồ đạc, nhà cửa, gia súc, gia cầm. Khi hay tin một vài hộ trong bản đang có ý định di cư, chính quyền xã, rồi đoàn công tác của huyện vào vận động lên. Nhưng mấy ngày sau khi đoàn công tác rút về, họ đã bí mật bán hết tài sản rồi ra đi…
Nhọc nhằn con chữ
< Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 (Kỳ Sơn).
Sau bữa cơm trưa, tôi tìm đường đến Trường Tiểu học Nậm Cắn 2. Trường nằm trên đỉnh núi, đường lên trường nhỏ, dốc và gập ghềnh. Phòng học và nhà công vụ đều được lợp pờ-rô xi măng đã ngả màu xám đen, vách thưng bằng gỗ đã ải mục, cột trụ bằng gỗ đã bị mối xông,… Hầu hết các phòng học đều là nền đất. Thầy Nguyễn Sỹ Đông – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 2, cho biết: “Nằm cách xa trung tâm, ô tô không vào được đến nơi, xe máy chỉ đi được mùa khô, cơ sở vật chất còn tạm bợ, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc dạy và học ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Dù đội ngũ giáo viên của trường đa phần đều trẻ và yêu nghề, luôn nỗ lực trong giảng dạy nhưng chất lượng của trường luôn đứng ở tốp cuối toàn huyện”.
< Học sinh lớp 1 ở điểm trường Huồi Pốc.
Theo lịch công tác, buổi chiều hôm ấy nhà trường tổ chức lao động. Công việc chính là tu sửa bờ rào và vệ sinh khuôn viên trường học. Các thầy vào rừng chặt nứa, tre; học sinh lớp 4- 5 theo thầy lên rừng chuyển vật liệu về trường. Còn các em lớp 1-2-3 quét sân trường và dọn cỏ sau vườn…Thầy Nguyễn Sỹ Đông cho biết, hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học và nhà công vụ của giáo viên đã xuống cấp nghiêm trọng. Lãnh đạo ngành và lãnh đạo huyện biết, chia sẻ, nhưng chưa thể khắc phục. Vì lẽ, đường vào bản quá gian nan, việc vận chuyển nguyên, vật liệu xây dựng gần như không thể. Trước mắt, thầy và trò vẫn phải bám trụ với những phòng học đã xuống cấp, tự khắc phục để đưa con chữ đến với các em. NISAVA
Tôi xin phép được trở ra Mường Xén, nhưng các thầy nhất quyết giữ lại, vì dù thế nào cũng đã muộn, không thể về đến Mường Xén trước lúc trời tối. Sáng mai, sẽ cử một người dẫn tôi ra theo con đường tắt, tiết kiệm được hơn nửa chặng đường, kịp để vào Tây Sơn làm việc. Hơn nữa, đã khá lâu, có lẽ từ ngày khai giảng năm học mới đến giờ, trường chưa có khách xa đến thăm, mong tôi ở lại để hiểu thêm cuộc sống và tâm tư của những người “gieo chữ” ở vùng đất biên cương xa xôi này. Vậy là tôi có một đêm ngủ lại Huồi Pốc.
Bữa cơm tối diễn ra nồng ấm với những món ăn đặc trưng của núi rừng vùng cao. Các thầy, cô thay nhau kể về những kỷ niệm trên những chặng đường dạy học ở vùng cao biên giới. Ai cũng kể lại những kỷ niệm vui, không ai nói về những khó khăn, vất vả. Có lẽ, với họ những điều ấy đã trở nên rất đỗi bình thường. Duy nhất một lần, thầy hiệu trưởng bảo rằng, mỗi thầy, cô giáo ở đây đều có một tập vở viết và một hộp bút bi dự trữ, để lỡ học sinh nào thiếu sẽ kịp thời cung cấp. Phụ huynh nào nhớ thì trả tiền, không nhớ thì thầy, cô xem đó là một sự giúp đỡ. Hoặc có khi, các thầy, các cô nhận được mấy quả bầu, quả bí mà phụ huynh, học sinh mang tới.
< Học sinh lớp 1 hăng tập viết.
Huồi Pốc về đêm trời khá lạnh, có vẻ như ở vùng đất biên cương này mùa Đông “gõ cửa” sớm hơn. Sáng dậy, thầy Nguyễn Văn Cường được cử đưa tôi ra Quốc lộ 7A theo đường tắt. Đoạn đường tắt từ Huồi Pốc ra bản Noọng Dẻ gần 10 km nhưng khó đi hơn rất nhiều lần, vừa có đèo dốc cheo leo, mặt đường đất đá lổn nhổn, trơn trượt; vừa có suối sâu, không có kinh nghiệm điều khiển xe sẽ rất dễ bị chết máy. Cuối cùng thì tôi cũng ra đến Noọng Dẻ, từ đây tuột 10 km đường dốc sẽ về đến Mường Xén… Huồi Pốc đã lùi lại phía sau lưng với tất cả những khó khăn, trắc trở, khiến tôi không khỏi day dứt, băn khoăn…
Theo Công Kiên (Báo Nghệ An)
NISAVA TRAVEL!