(DNSG) – Miền Tây xứ Thanh (Thanh Hóa) đang ngày càng hấp dẫn du khách với vẻ đẹp hùng vĩ mà nên thơ. Lang thang qua những miền rừng, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình của đồng bào Thái, Mông, Mường… cùng bức tranh phong cảnh đa dạng ngoài mong đợi cho một chuyến đi.
< Thung lũng Kho Mường với dòng suối cạn nhìn từ trên đỉnh núi.
Giữa nhiều tuyến đường từ Hà Nội đi đến miền Tây xứ Thanh, chúng tôi đi theo cung đường được các bạn trẻ đi du lịch bụi ưa thích nhất là chạy theo quốc lộ 6, Hà Nội – Mai Châu rồi rẽ xuống quốc lộ 15 về Thanh Hóa. Sau một ngày đi đường khá dài, nhóm nghỉ qua đêm ở ngã ba Co Lương nằm trên quốc lộ 15 (thuộc thôn Thanh Mai, xã Phú Thanh, Mai Châu) để lấy sức cho chặng đường tiếp theo.
< Con sông Mã trong xanh chảy qua thác ghềnh trên cung đường Co Lương – Mường Lát.
Từ ngã ba Co Lương mọi người bắt đầu chạy qua cầu vào con đường đất men theo bờ sông Mã. Cung đường này đúng là hành xác với dân phượt. Vào ngày mưa, đường trơn trượt, lầy lội. Có những đoạn vượt suối, đoàn du khách phải thuê mấy anh chàng bản địa dùng đòn gỗ khiêng xe qua. Hành trình về thị trấn Mường Lát từ ngã ba Co Lương dài hơn 70km nhiều gian khó, nhưng sau đó, cảnh núi non trùng điệp và dòng sông Mã cuồn cuộn chảy qua bao thác ghềnh thực sự là món quà lý thú cho mọi người.
Mùa hè, ban ngày, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt những cơn gió Lào mang theo hơi nóng, khô khó chịu táp vào cơ thể. Những lúc ấy, ai nấy chỉ mong có một cơn mưa bất chợt đổ xuống. Qua hồ thủy điện Trung Sơn đoàn bỗng bị lạc vào những màn sương giăng tứ phía. Mới buổi chiều, nhưng mọi người đã phải bật đèn pha xe máy và cũng chỉ di chuyển được với tốc độ 5 – 10km/h.
< Thị trấn Mường Lát bên dòng sông Mã, sau cơn mưa rừng sông trở nên đục ngầu phù sa.
NISAVA
Sau khi vượt qua chặng đường mù mịt, các thành viên nhìn về phía chân núi xa xa và thấy một cảnh tượng tuyệt đẹp: những áng mây trắng bồng bềnh bay trong gió, ôm ấp núi rừng.
Dòng sông Mã đoạn gần thị trấn Mường Lát phình rộng ra, đỏ ngầu phù sa sau cơn mưa rừng. Những mái nhà, bản làng của người Thái và Mông ẩn hiện dưới chân núi. Nơi đây cách biên giới Việt – Lào không còn xa nữa. Chúng tôi ngủ lại ở thị trấn một đêm. Người Mông và Thái ở thị trấn vẫn giữ được những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống. Đêm xuống có khách, gia chủ lại thổi lửa, mời nhau bát rượu ngô thơm lừng cùng nhấm nháp miếng thịt trâu gác bếp.
< Trẻ em và người già tò mò nhìn ra khi có du khách tới bản.
Sáng hôm sau đoàn tiếp tục hành trình đến thăm cửa khẩu Tén Tằn nơi có cột mốc biên giới số 281. Nếu ai có nhu cầu sang Lào thưởng thức cốc bia thơm ngon thì có thể làm thủ tục ở cơ quan chức năng.
NISAVA
Sau vài ngày lang thang ở Mường Lát, nhóm bắt đầu trở lại quốc lộ 15 theo hành trình mới. Đó là cung đường qua tỉnh lộ 520 men theo sườn khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Mọi người đã phải đánh vật với từng đoạn đường để ngốn cho bằng hết 210km trước khi về đến thị trấn Cành Nàng nằm trên quốc lộ 15 (huyện Bá Thước). Nhiều lúc xe đi qua một con đèo nằm vắt vẻo bên sườn núi, xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh.
< Những guồng nước khổng lồ trên con đường vào Bản Hiêu.
Không gian hoàn toàn vắng bóng người, chỉ có những tiếng chim rừng kêu hót lanh lảnh giữa cánh rừng già. Chốc chốc mọi người lại dừng xe bên đường để ùa chạy tới con suối nhỏ rửa mặt, rửa tay chân xua đi bớt mệt nhọc. Hiếm hoi lắm mới gặp được vài người đi hái măng rừng, họ nở nụ cười trìu mến rồi lẳng lặng tiến về phía núi rừng mất hút theo màu xanh cây lá.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu hiện nay vẫn chưa khai thác du lịch đại trà. Chỉ có một số nhóm trekking nhỏ, sau khi xin phép Trạm kiểm lâm và được cán bộ kiểm lâm dẫn đi thì mới dám khám phá rừng già. Đỉnh núi Hoc ở Pù Hu cao 1.440m được xem như nóc nhà của khu bảo tồn thiên nhiên này.
< Thác Hiêu giữa núi rừng hoang sơ.
Từ thị trấn Cành Nàng đoàn bắt đầu vượt qua cầu La Hán bắc qua dòng sông Mã với những xóm nhà thuyền của dân vạn chài… Từ đây bắt đầu hành trình ngược theo quốc lộ 15C tiếp tục khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Xe chúng tôi dần dần tiến về phía những cánh rừng thâm u nơi miền cao xứ Thanh.
NISAVA
Đi qua những cái tên như: Bản Tôm, Phố Đoàn, Làng Đốc… mọi người dần dần lạc vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông lúc nào không hay. Từ Phố Đoàn tìm đường vào Bản Hiêu tuy chỉ vài km theo đường chim bay nhưng các thành viên phải đi lòng vòng uốn lượn theo con đường đất nhỏ xíu vừa đúng một chiếc xe máy. Thành ra ai ấy cũng đều than xa thật!
< Con đường từ bản Son, Bá, Mười sang đất Tân Lạc, Hòa Bình.
Với những thửa ruộng bậc thang thoai thoải chạy theo sườn núi, Bản Hiêu hiện ra trong khung cảnh thanh bình của nếp nhà sàn đơn sơ. Nơi đây gần sát với vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cộng đồng sinh sống ở Bản Hiêu chủ yếu là người Thái và số ít người Mường. Cảnh đẹp nhất ở Bản Hiêu mà chúng tôi khám phá ra là khu Thác Hiêu nằm giữa những tán rừng quanh năm u tịch. Suối nước chảy từ trên đỉnh núi xuống qua các bờ đất đá rồi đổ xuống tạo thành những vũng nước nhỏ trong vắt. Vũng nước không sâu, nên mọi người tha hồ xuống tắm mát.
NISAVA
Không hùng vĩ và có độ cao lớn nhưng Thác Hiêu vẫn rất cuốn hút vì còn giữ được nét hoang sơ. Quanh thác chúng tôi thấy có vài mái nhà sàn lợp lá giản dị, dù không kinh doanh du lịch, nhưng chúng tôi đã có một bữa trưa khá ngon lành với chủ nhà hiếu khách. Họ sẵn sàng bắt gà, mổ cá để thiết đãi du khách, sau đó khách đưa lại cho chủ nhà bao nhiêu tiền là tùy tâm.
< Nông dân vỡ đất, khai hoang để trồng trọt trên núi.
Tạm biệt Bản Hiêu, đoàn người lại bước vào hành trình chinh phục vùng cao Son Bá Mười. Rất may cho chúng tôi bởi năm 2016 đường bê tông lên các bản Son, Bá, Mười (thuộc xã Cổ Lũng, Bá Thước) đã xong. Đường lên Son Bá Mười tuy chỉ 15km nhưng độ dốc rất lớn với những khúc cua tay áo dựng đứng men theo sườn núi. Quả thực chúng tôi luôn phải gài về số 2 thậm chí số 1 để những con xế gầm rú hết sức ì ạch leo từng mét đường.
Càng lên cao, tiết trời càng mát, những cơn gió thổi ào ào xóa tan đi những giọt mồ hôi. Đến đỉnh ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển khí hậu đã hoàn toàn khác biệt. Nhiệt độ đỉnh núi và bên dưới phải chênh nhau đến 10 độ C. Có lẽ vì thế mọi người mới ví Son, Bá, Mười như Sa Pa của xứ Thanh.
< Nhà sàn san sát nhau ở Kho Mường.
NISAVA
Cuộc sống ở các bản Son, Bá, Mười trên đỉnh núi bình yên đến diệu kỳ. Những nếp nhà sàn nhỏ xíu ẩn khuất sau nương ngô, đồng lúa nếp. Con đường bê tông thẳng tắp chạy qua những bản làng giữa khung cảnh màu xanh của núi rừng. Từ đây du khách có thể đi thẳng sang đất Tân Lạc, Hòa Bình một cách dễ dàng.
Sau một ngày ở Son Bá Mười, các thành viên lại đổ dốc để tìm tới bản Kho Mường. Kho Mường vài năm trở lại đây thành điểm du lịch nổi tiếng nhất của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Hầu hết người dân bản thuộc cộng đồng người Mường xã Thành Sơn, Bá Thước. Thường những người đã chán ngán Mai Châu, Mộc Châu họ sẽ tìm đến Kho Mường để tìm cảm giác mới mẻ.
Những phượt thủ Tây lẫn ta rất thích dừng chân ngủ qua đêm ở Kho Mường để hôm sau đi trekking khám phá qua các thôn, bản, chinh phục Hang Dơi, ngắm ruộng bậc thang, nhìn cuộc sống thường nhật của dân bản địa…
< Bản Hang, xã Phú Lệ, Quan Hóa nhìn từ trên cung đường 15C.
Dân Mường ở đây cũng cực kỳ quý khách, ngay từ cổng chào của bản khi nhìn thấy nhóm chúng tôi, vài người ở trong nhà đã chạy ra chào đón, hỏi han đủ chuyện. Mấy đứa trẻ luôn chạy theo chúng tôi để được nhìn chiếc máy ảnh và chúng vô cùng thích thú khi xem lại mình qua bức ảnh mới chụp trong đó.
NISAVA
Sau một ngày, một đêm bình yên cảm nhận cuộc sống, phong cảnh ở Kho Mường chúng tôi trở lại quốc lộ 15C để ngược qua xã Phú Lệ, Quan Hóa trở về đúng điểm xuất phát là Ngã ba Co Lương. Như vậy cuộc hành trình theo đúng một vòng tròn khép kín gần 400km qua miền Tây xứ Thanh của chúng tôi đã kết thúc. Trải qua những thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ, bản làng thanh bình và hình ảnh dòng sông Mã lúc trong xanh, lúc đỏ nặng phù sa… tất cả giờ đây đã in đậm trong tâm trí lữ khách.
Theo Hải Dương (Doanh Nhân Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!
Đi dọc miền Tây Thanh Hóa
Xứ Thanh Mường Lát, Sài Khao…