Đến xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng  nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu. Bánh  tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh.

Theo các bậc cao niên trong thôn, làng bánh tráng Trường Cửu được hình thành từ hàng trăm năm trước. Thời đó, nơi này chỉ có vài chục nóc nhà làm bánh, nhưng đã cung cấp cho cả xã, cả thị xã. Tiếng lành đồn xa, cho đến nay, nhắc đến Trường Cửu là người ta nghĩ ngay đến… bánh tráng. Theo thời gian, số hộ làm bánh trong làng ngày càng đông vì cứ hễ nhà nào có con lập gia đình, ra ở riêng, là làng có thêm một hộ làm bánh tráng. Đến nay, khắp làng đã có gần 200 hộ làm bánh tráng chuyên nghiệp.

Cũng như bao làng quê khác làm nghề tráng bánh ở Bình Định, người phụ nữ ở Trường Cửu đóng vai trò chính trong công việc này. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi. Bà Nguyễn Thị Hoa, người hơn 30 năm làm bánh tráng ở Trường Cửu, cho biết: “Để tráng được chiếc bánh ngon, khâu quan trọng nhất là phải chọn loại gạo tốt. Để bánh dẻo, thơm, không bở, người ta gia thêm bột mì vào bột và rắc nhiều mè lên bánh. Khi đổ bột lên khuôn, phải lắc thật đều tay để bánh tròn, đẹp, không chỗ dày chỗ mỏng. Người ta thường bỏ mè vào bột trước khi tráng bánh. Riêng tôi, khi đổ bột lên khuôn, còn rắc thêm mè, để bánh thật thơm. Ngoài ra, còn phải biết ước chừng lượng nước khi pha bột và canh lửa hợp lý, để bánh giòn, ngon”.

Ngồi một lúc lâu, trên trán bà Hoa đã lấm tấm mồ hôi. Ngoài sân, trời nắng chang chang, con gái bà tay thoăn thoắt trở những vỉ bánh, rồi nhanh nhẹn gỡ những chiếc bánh khô, cột lại thành từng ràng. Những ràng bánh này sẽ được đem ra chợ bán hoặc giao cho các thương lái.

Ở Bình Định, hầu như nhà nào cũng có sẵn ràng bánh tráng trong nhà. Bánh tráng mè của Trường Cửu dày, không dùng để cuốn, mà để ăn không, chấm với nước mắm nhỉ. Trời trưa nắng gắt, đi làm đồng về, thấy mệt trong người, anh chồng bảo cô vợ nhúng cho cái bánh tráng mè ăn đỡ đói. Cái dẻo, dai của bánh, vị thơm của mè lan khắp đầu lưỡi, làm anh thấy thật khoan khoái. Sẵn lò than đang cháy dở, anh bảo vợ nướng cái bánh mè. Cái bánh nướng vàng rộm, bẻ một miếng phát ra tiếng rốp giòn tan. Ăn hết bánh mà vị thơm của gạo của mè, vẫn còn đọng. NISAVA

Trong khi một số làng nghề khác đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt và có nguy cơ bị mai một, thì làng bánh tráng Trường Cửu ngày càng được mở rộng vì có đầu ra ổn định. Có lẽ bởi bánh tráng Trường Cửu có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại hợp lý. Hiện trung bình một ngày, các hộ làm ra khoảng 50 đến 70 kg bánh (khoảng 40 ràng), có hộ làm đến cả tạ bánh. Giá một ràng hiện dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi hộ lãi gần 100.000 đồng/ngày.

Thời gian làm bánh cao điểm là từ tháng tám đến tháng chạp âm lịch, để chuẩn bị bán Tết. Trường Cửu vào những ngày này nhộn nhịp như hội, nhà nhà làm bánh, người người làm bánh. Các hộ trong làng thức cả ngày lẫn đêm, để pha bột, tráng bánh, phơi bánh. Tiếng chuyện trò, cười nói râm ran khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Cường – một hộ làm bánh tráng cho biết: “Vào thời gian đó mà có ai mời đám cưới, đám giỗ thì đành chịu. Chúng tôi hầu như không có một chút thời gian nào ngơi tay, đến cả buổi tối cũng còn phải sấy bánh cho khô để kịp giao hàng”.

Theo web An Nhơn – Bình Định
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *