Lái xe vào đường đèo dốc: NISAVA TRAVEL! đã đề cập đến khá nhiều lần để có sự an toàn khi vượt qua những cung đường này. Tuy nhiên, liệu đến lúc ‘dầu sôi lửa bỏng’ mà cách cứu sinh mạng chỉ còn tính bằng giây thì ta còn nhớ đến những hướng dẫn đi đèo dốc không hay lại cuống cuồng xử lý tình huống sai lầm?
Vậy nên hãy tạo thói quen đi đường đèo dốc ngay từ bây giờ. Ít ra, đây là kinh nghiệm của rất nhiều tài xế có thâm niên tuổi nghề, nó có thể giúp bạn tránh tai nạn trên các con đường nguy hiểm.
Từ tai nạn thảm khốc Lào Cai: Kỹ thuật sinh tử lái xe xuống đèo, dốc
(Infonet) – ‘Mất phanh’ được cho là nguyên nhân bước đầu gây ra vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra tại Lào Cai. Tuy nhiên, các tay lái già lại cho rằng điều quan trọng là do tài xế thiếu kinh nghiệm điều khiển xe…
Theo phân tích của một tài xế được cho là đã có 50 năm thâm niên bẻ vô lăng đang được chia sẻ bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn về ô tô, xe máy thì việc lái xe mất phanh thường xảy ra ở cuối đèo là do các tài xế non kinh nghiệm khi lái xe xuống đèo quá nhanh ở số 3 hay 4. Mỗi lần vào cua là lại rà phanh. Nhất là những xe chở khách nặng, rà phanh liên tục dẫn đến nóng tăm bua, trơ lì má phanh, thậm chí sôi cả dầu phanh. Lúc này, cả hệ thống phanh vô tác dụng. Sự mất phanh xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Tai nạn thảm khốc xảy ra. Khi giải quyết hậu quả, cơ quan chức năng kéo xe lên và đạp thử phanh. Lúc này thường là phanh đã nguội và dễ đi đến kết luận: Phanh hoàn hảo (!)
Từ thực tế phân tích các tai nạn khi đổ đèo đã xảy ra và thảo luận của các tài xế có kinh nghiệm có thể xác định việc hạn chế dùng phanh, dùng hộp số đúng cách là một trong những kinh nghiệm lái xe nên chú ý khi lái xe xuống dốc. Xuống dốc là xe bị rơi vào tình trạng chạy theo quán tính. Xe càng to, trọng lượng càng lớn, tốc độ chủ động (tốc độ của xe chạy khi ta đạp ga) của xe lớn thì quán tính của xe càng lớn. Đồng thời chạy bằng số càng cao xuống dốc thì quán tính của xe cũng càng lớn.
Xe chạy xuống dốc nhanh vượt ý muốn buộc ta phải phanh, phanh càng nhiều thì phanh càng nóng, càng chóng hỏng do má phanh bị mòn vẹt hoặc cháy đen. Có trường hợp do má phanh cũ mòn nhiều, chất lượng giảm đáng kể, hoặc má phanh dán bị lỗi chế tạo, khi xe bị phanh gấp đã bong cả má phanh rơi ra ngoài. Do những lý do trên mà khi ta lái xe xuống dốc, lái xe nên về số thấp, giảm tối đa dùng phanh, chỉ phanh khi thật sự cần thiết. Nếu ít phanh thì xe sẽ chạy nhanh quá, vậy ta cũng phải biết sử dụng hộp số đúng kỹ thuật, việc này là hết sức cần thiết vì liên quan đến an toàn.
Rất nhiều tài xế chia sẻ quan niệm lái xe rằng: Khi lên dốc bằng số nào thì khi xuống dốc cũng bằng số đó. Tuy nhiên một số tài xế già có kinh nghiệm chỉ ra thực tế cho thấy: rất ít con dốc có dộ dốc khi lên và xuống giống nhau. Hơn nữa tình trạng mặt đường, và đặc điểm địa lý, địa hình, cũng như thực tế tình trạng giao thông cũng khác nhau của hai bên dốc. Nếu bạn nào đã từng đi miền núi nhiều thì sẽ dễ dàng thấy ngay điều đó, vì vậy nếu chỉ máy móc áp dụng kiểu “lên dốc bằng số nào, thì xuống dốc bằng số đó” là không hợp lý, xa rời thực tế. Với cách đi cứng nhắc kỹ thuật như vậy sẽ đẩy người lái vào những tình huống lúng túng khó xử.
Để xuống đèo, dốc an toàn, ta nên tùy độ dốc thực tế của con dốc, tình trạng địa lý, tình trạng địa hình, tình trạng tham gia giao thông mà quyết định sẽ để cần số ở vị trí nào. Tốc độ an toàn của xe số sàn khi xuống dốc là tốc độ mà người lái vẫn làm chủ được khi xuống dốc mà ít phải dùng phanh – xuống dốc bằng ga là chủ yếu.
Dẫu là xe có số sàn hay số tự động (AT) đều phải sử dụng chức năng phanh động cơ khi xuống dốc. Sự khác nhau của 2 dòng xe này chỉ ở chỗ: Xe số sàn thì phải đạp côn, đệm phanh rồi mới về số, còn xe AT thì chỉ đệm phanh rồi dùng tay phải gạt cần số về vị một trong các vị trí… 4, hoặc 3, hoặc 2, hoặc L. Khi ta lái xe số AT xuống dốc mà thấy xe trôi nhanh ngoài ý muốn, thì ngay lập tức phải đệm phanh và gạt cần số xuống một trong những vị trí được đánh số nêu trên. Nếu gạt về vị trí được đánh số rồi mà xe vẫn lao theo quán tính, thì ta cần nhanh chóng đệm phanh và gạt cần số xuống vị trí đánh số thấp hơn.
Hầu hết các loại xe trang bị hộp số tự động hiện đại đều đã được thiết kế để có thể hỗ trợ đổ đèo/dốc bên cạnh việc phát huy tác dụng trong nhiều tình huống khác. Đó chính là chế độ sang số bằng tay, được ký hiệu là D1, D2… hoặc bằng dấu (+) và (-) tùy loại xe. Kinh nghiệm là ngay khi chuẩn bị đổ dốc, bạn hãy gạt cần số sang chế độ điều khiển bằng tay này.
Tùy theo độ dốc ít hay nhiều mà hãy gạt cần số về số thấp hơn (-) để xe không bị tăng tốc ngoài ý muốn. Khi bạn cảm nhận được rằng chiếc xe lao dốc/đèo với tốc độ trong tầm kiểm soát mà không phải dùng đến chân ga và phanh, hoặc nếu có thì cũng chỉ thỉnh thoảng đệm nhẹ chân phanh trong vài giây thì có nghĩa là bạn đã xử lý chuẩn xác.
Có thể thấy, xuống dốc đúng kỹ thuật là khi lái xe vẫn chạy chủ yếu bằng sự điều khiển chân ga của người lái. Người lái đã có kinh nghiệm nhiều thì chỉ một lần gạt cần số đến vị trí được đánh dấu bằng số là được khi đã nhìn thấy con dốc, ít khi phải chuyển hai lần. Nếu khi gạt cần số xuống vị trí được đánh số mà chưa đủ lực phanh động cơ thì xe vẫn trôi theo quán tính vượt quá tốc độ mà người lái có thể làm chủ.
Nếu chuyển cần số đến số quá thấp thì xe chạy bị gằn, vòng tua lên cao. Đi như thế rất hại xe, lúc đó bạn nên đẩy cần số lên vị trí cao hơn. Nếu để cần số ở vị trí số quá cao thì xe sẽ chạy bằng quán tính quá lớn – phải phanh nhiều sẽ chóng hỏng phanh mà gây ra nguy hiểm, vì vậy mà phải nhanh chóng đệm phanh và chuyển cần số xuống số thấp hơn.
Để xe chạy bằng quán tính vượt quá tốc độ rồi mới phanh liên tục khi xuống dốc là việc làm sai kỹ thuật, đẩy người lái và hành khách trên xe vào tình trạng nguy hiểm. Nếu phanh động cơ ở vị trí số lớn quá, để xe chạy quá nhanh rồi mới giảm số (phanh động cơ) cũng sai kỹ thuật, vì khi xe đang chạy quá nhanh mà về số có thể làm xe khựng lại vì thế dễ hỏng hộp số. Khi ấy chỉ cần thấy dấu hiệu xe chạy theo quán tính quá lớn, ngay lập tức đệm phanh để giảm bớt tốc độ rồi nhanh chóng giảm số ngay – nhờ việc giảm số này mà xe được hãm bớt lại do lực cản của động cơ.
Một số người cho rằng không được phanh khi ôm cua. Tuy nhiên có thể thấy, nếu đang ôm cua mà gặp sự cố phía trước, tắc đường, lở núi, súc vật thả rông, ô tô hoặc xe máy ngược chiều lấn đường thì sẽ ra sao nếu không phanh xe? Nhiều khi không những phải phanh mà còn phải phanh để dừng xe lại ngay tại góc cua.
Nếu xe chạy nhanh quá thì tất nhiên là không thể phanh để dừng khẩn cấp. Như vậy trước khi vào cua thì người lái tốt nhất là đã phải giảm tốc độ, bắt đầu vào cua thì quay vô lăng nhẹ nhàng vừa đủ để chuyển hướng ôm cua. Theo cảm giác lái và tốc độ vào cua mà quay vô lăng, cua thì nhẹ nhàng từ từ trả lái, tránh trả lái quá gấp mà làm xe lắc đuôi. Tuyệt đối không được thả để vô lăng tự quay.
Khi vào cua gập tay áo có độ xuống dốc lớn thì ngoài việc giảm ga trước khi vào cua, chuyển cần số xuống vị trí số thấp để phanh động cơ, thì khi vào cua chân ga cũng nên thả lỏng (không đạp ga). Bắt đầu vao cua quay vô lăng, để xe chạy theo quán tính (nếu cần có thể đệm phanh nhẹ nhàng để giảm bớt tiếp tốc độ), chuẩn bị góc cua thì lại nhẹ nhàng đệm ga, trả lái.
Cách lái xe đảm bảo an toàn khi đi đường đèo dốc là : Chú ý điều khiển xe chạy ở số thấp, từ tốn, không nên thay đổi tốc độ đột ngột quá lớn, không nên phanh gấp, không thả dốc tốc độ cao rồi đạp phanh liên tục, trừ trường hợp khẩn cấp bắt buộc phải dừng xe. Nếu vào cua mà nghe tiếng bánh xe nghiến mặt đường rít lên là bạn đã đi quá tốc độ an toàn. Các bạn nhớ bóp còi cảnh báo trước và trong khi ôm cua nếu góc cua làm khuất tầm nhìn.
Theo Hướng Minh (Infonet)
Ngồi chỗ nào an toàn nhất trên xe?
Ở Việt Nam, xe khách chính là loại phương tiện giao thông có nguy cơ tai nạn cao nhất. Chọn ngồi ở vị trí an toàn nhất đôi khi lại là điều cuối cùng cứu sống bạn khỏi tai nạn.
Bạn đừng nghĩ tai nạn giao thông không bao giờ xảy ra đối với mình. Hãy luôn thận trọng, tìm hiểu nguy cơ và cách phòng tránh. Khi đi xe khách nói riêng hay xe hơi nói chung, ngồi ở vị trí nào là an toàn nhất cũng rất quan trọng, hiểu được điều đó nguy cơ chấn thương trong tai nạn giao thông có thể giảm đáng kể.
Vị trí an toàn trên xe khách
Các nghiên cứu và thống kê đã chỉ ra rằng, vị trí an toàn nhất cho người ngồi trên xe khách là ở giữa xe, khu vực gần cửa. Tại vị trí này, hành khách ít bị ảnh hưởng nhất đối với các va chạm từ 4 phía. Còn vị trí ngồi nguy hiểm là ghế sát cửa sổ – khi có sự cố thì rất dễ bị những người khác đè lên, bị thương bởi các mảnh kính vỡ, và rất khó thoát ra ngoài.
Đứng trên xe khách có nguy cơ chấn thương cao nhất, vì khả năng giữ thăng bằng yếu, xe không có các điểm bám đặc biệt như trên xe buýt. Vì vậy, nếu thấy xe đã chật, thì tốt nhất nên đợi chuyến sau, không nên mạo hiểm.
Trên xe con
Các chuyên gia về an toàn cho rằng, vị trí an toàn nhất là phía sau ghế lái, tốt nhất là ở giữa. Kết quả nghiên cứu hàng nghìn vụ tai nạn giao thông cho thấy những người ngồi ở phía sau, giữa xe chỉ bị nguy cơ chấn thương nhẹ hơn đến 60% so với các hành khách còn lại. Ngoài ra, chỉ thật cần thiết mới ngồi phía trước cạnh ghế lái.
Trên xe buýt
Khi bạn thường xuyên phải di chuyển bằng xe buýt, tốt nhất nên ngồi ở dãy ghế bên phải xe. Với chiều chuyển động giao thông như ở nước ta thì hướng xe chuyển động ngược chiều sẽ ở phía bên trái xe, nên những hành khách ngồi phía phải sẽ có nguy cơ chấn thương ít hơn.
Nếu có khả năng thì hãy ngồi quay lưng lại lái xe để tránh lao về trước khi xe phanh gấp. Nếu bạn chỉ đứng dựa vào thành xe thôi thì cũng không nên, dù xe chạy chậm cũng vậy. Chỉ cần một cú xóc bất ngờ là bạn sẽ khó kịp giữ thăng bằng. Hãy đứng rộng chân bằng vai và để trọng lực dồn đều xuống hai chân. Nhìn chung, khu vực nguy hiểm nhất trong xe buýt chính là cửa xe, nếu phải đứng ở vị trí này, bạn nên hết sức cẩn thận.
ĐGD: Dây an toàn có thể là thứ giúp bạn giữ được sinh mạng khi đi trên xe khách hoặc xe con, bạn đừng quên điều này. Hầu như 100% khách trên các xe đò tại VN đều không thắt dây an toàn dẫn đến việc văng ra ngoài xe hay bay – đập mặt về phía trước khi có sự cố.
Thói quen không quan tâm đến dây an toàn trên xe khách khiến nhiều nhà xe để mặc chốt khóa dây hư hỏng, nhét xuống gầm ghế hoặc chả bao giờ khuyến khích khách đi xe cài dây; hậu quả thật khủng khiếp!
Theo Hà An (Autodaily.vn)
Điều cần biết khi lái xe qua đèo.
Kinh nghiệm cưỡi ‘ngựa sắt’ vượt đèo dốc.