(TH) – Gắn với những cánh rừng nguyên sinh trải dài, Kon Rẫy được biết đến là mảnh đất của những dòng sông, con suối, thác nước mang vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ. Cùng với bề dày văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, xê Đăng địa phương và niềm tự hào về lịch sử truyền thống Cách mạng, vốn quý mà thiên nhiên ban tặng đang trở thành tiềm năng để phát triển của quê hương “Làng Cát” ngày xưa.

Nghe giới thiệu nhiều, nhưng đến giờ, chúng tôi mới có dịp về Đăk Kôi để mục sở thị thác nước ở trên núi cao còn ít người biết tới. Thác nước Đăk Kôi thuộc địa phận thôn 1, xã Đăk Kôi với tổng diện tích trên 5ha, cách tỉnh lộ 677 khoảng 25 phút đi bộ, qua 02 suối nhỏ và các cánh đồng lúa nước.

Đường 677 từ Đăk Ruồng qua Đăk Tơ Lung vào Đăk Kôi đang trong giai đoạn hoàn thiện nên ô tô lưu thông thuận tiện. Để xe lại đầu làng Kon Đó, chúng tôi lội bộ qua suối Đăk A Kôi. Mới sang đầu mùa khô, nhưng mùa mưa vừa rồi ít  mưa, nên Đăk A Kôi  hơi cạn; chỗ sâu, nước chỉ quá đầu gối.
NISAVA
Sang bên kia suối, băng qua những khoảnh rẫy  thấp trồng cao su, lúa  khô, bời lời, rồi men theo đường mòn, leo lên những rẫy cao trồng mì, bo bo của đồng bào địa phương…, chừng 30 phút, đến điểm dừng ở chân thác. Huyện Kon Rẫy gọi thác này là Đăk Kôi (Nước Đăk Kôi) nhưng theo ông A Long – Người làng Kon Đó, bà con ở đây thường gọi thác là Đăk Jrông, hay nước Jrông, có người  còn phát âm tiếng Việt là nước “Truông”. Tiếng Xê Đăng,“ T roong” có nghĩa là “Con đường”. Đăk Jrông là tên con nước được gọi chệch về chữ viết, nhưng vẫn mang nghĩa “Con đường”. Nhìn từ chân thác lên trên đỉnh, nước trắng bàng bạc hình con đường. Hẳn là vì vậy nên người xưa mới gọi thác bằng cái tên ấy.

Thác Đăk Jrông nằm giữa vùng núi non thâm u, hoang vắng. Theo khảo sát sơ bộ, thác cao gần 100m, chảy qua địa hình đá tảng kết cấu phức tạp nên tạo thành hình dạng độc đáo. Dưới chân thác là bãi đá dài khoảng 50m được chia thành 7 bậc, mỗi bậc tạo hình như những dòng suối nhỏ lạ mắt. Nằm ở vùng núi cao nên ngày trước, chỉ có những người dân làm rẫy xa ghé qua đây ngồi nghỉ, hay tắm mát sau mỗi chiều đi làm về.
NISAVA
Tuy vậy, thời gian gần đây, thác đã được cán bộ  các ban, ngành của xã và thầy cô giáo, học sinh các trường học trên địa bàn tìm đến trong những chuyến dã ngoại, tham quan nhân dịp kỷ niệm lễ, tết. Vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của Đăk Jrông  thực sự để lại ấn tượng trong lòng mọi người. “Mới đây, đoàn cán bộ huyện Kon Rẫy do chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đã vào thăm và thị sát  thác Jrông để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác, xây dựng nơi này thành một trong số điểm du lịch của huyện.”- Phó chủ tịch HĐND xã Đăk Kôi Võ Phước Hà cho biết.

Không chỉ đẹp với thác Jrông, nằm ở vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy, xã Đăk Kôi còn có suối Đăk A Kôi  như một dải lụa mềm chảy dài dọc theo tỉnh lộ 677 và  thác ba tầng ở địa bàn thôn 7. Đứng trên đỉnh thác này, phóng tầm mắt thỏa thích ngắm nhìn những cánh đồng ruộng lúa đẹp như tranh trong buổi sớm.Từ đây, cũng có thể  lên thăm hang núi  là nơi  đồng bào địa phương che dấu cán bộ  thời chiến tranh.

Với 58.000 ha đất rừng, huyện Kon Rẫy hiện đạt 64,5% độ che phủ của rừng. Gắn với những cánh rừng nguyên sinh trải dài còn lưu giữ một số loài gỗ quý cùng các loại  lâm sản đa dạng dưới tán rừng, thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất của huyền thoại làng Cát ngày xưa nhiều suối, sông, thác nước, tháng năm tuôn chảy…
NISAVA
Đó là sông Đăk Bla chảy qua hai xã Đăk T’Re, Đăk Ruồng- Nhánh sông chính của sông Sê San- được phân thành 3 nhánh  Đăk Pne, Đăk SNghé, Đăk AKôi. Không chỉ dồi dào nguồn nước để làm thủy lợi, đảm bảo phục vụ sản xuất và khẳng định giá trị bảo vệ môi trường, đa sạng sinh học, những  dòng suối con sông ấy còn  tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn.

Đó là suối nước nóng Đăk Toa nằm ở thôn 13, xã Đăk Ruồng, nằm trong khu vực khoảng 3.000m2; cách QL24 khoảng 2.800m, cách trung tâm hành chính huyện 3.500m và tỉnh lộ 677 đi Đăk Kôi khoảng 150m. Mặc dù  bị bồi lấp từ cơn bão số 9 năm 2009, song trên vũng bùn khoảng 20m2 vẫn còn nhiều mạch nước nóng phun trào lên mặt đất. Cách suối nước nóng khoảng 100m là dòng sông Đăk Snghe với bãi cát trắng mịn, nhiều hàng cây tre xen lẫn vào ruộng lúa và khu sản xuất của nhân dân tạo nên một khung cảnh thôn quê hiền hòa, thơ mộng.

Đó là Thác Đăk Snghé nằm giữa địa phận xã Đăk Tơ Lung và thị trấn Đăk Rve có diện tích khoảng 10,5ha, cách QL24 là 4km, cách trung tâm hành chính huyện 10,4km. Từ QL24 đi vào thác Đăk Snghe là đường đất đỏ, dọc hai bên đường đi vào thác là những rẫy nương của dân, được bao bọc bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn với nhiều loại thú rừng, chim muông quý hiếm.

Dãy liên hoàn 3 thác của sông Đăk Snghe được bố trí rất gần nhau. Thác 1 và Thác 2 nằm sâu dưới sườn đồi, có độ sâu khoảng 100m, nơi đây rất thích hợp với những người đi khám phá, thích cảm giác mạnh và môn thể thao leo núi.

Hai thác nước thoải với nhiều phiến đá phẳng lì như cỗ bàn dọn sẵn, dòng nước đổ mạnh gặp những ghềnh đá tung bọt trắng xóa đâm thẳng vào mặt nước trong xanh được che mát bởi những bóng cây cổ thụ buông mình soi bóng xuống dòng nước trong tạo nên một cảnh thật nên thơ. Thác 3 cách đó không xa, có địa hình rất thuận lợi cho những chuyến cắm trại ngủ rừng và thú vui câu cá thư giãn, hai bên sườn thác là những cánh rừng nguyên sinh xanh mát đang rộn ràng với những bản đồng ca của các loài chim rừng. Dãy liên hoàn 3 thác của sông Đăk Snghé được tự nhiên kiến tạo gần nhau, mỗi thác một vẻ đẹp riêng, kết hợp với thiên nhiên hoang sơ, lôi cuốn sự chiêm ngưỡng, khám phá .
NISAVA

Đó là lòng hồ thủy điện (thôn 1, xã Đăk PNe) đẹp như một bức tranh nước non hữu tình ở xã vùng sâu Đăk PNe. Trải dài trên diện tích hơn 5 ha, mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh. Những cánh rừng nguyên sinh bao quanh lòng hồ tạo thành thảm xanh sừng sững khiến vẻ đẹp thiên nhiên càng thêm kỳ vĩ. Nơi đây rất thuận lợi cho việc chèo thuyền, câu cá, ngắm cảnh thiên nhiên.

Không những thế, Kon Rẫy còn có nhiều điểm di tích lịch sử nổi tiếng như: Căn cứ cách mạng Huyện ủy H16, xã Đăk Kôi; di tích lịch sử chiến thắng đồn Kon Braih, xã Đăk Ruồng; xưởng luyện gang xã Đăk Kôi, hang che dấu cán bộ cách mạng hay những chuyến xe đạp đổ đèo Măng Đen ngắm ánh nắng chiều và dừng chân bên cầu dây văng ngắm thị trấn Đăk Rve trong buổi hoàng hôn tạo nên một bức tranh thủy mặc sông nước hữu tình, lấy được lòng du khách gần xa.

Cùng với vốn quý bản sắc văn hóa và truyền thống Cách mạng, vẻ đẹp của suối, sông, thác, hồ đang được huyện Kon Rẫy quan tâm trong một kế hoạch  mang tính đột phá xây dựng và phát triển tiềm năng du lịch, vì mục tiêu ổn định và phát triển đời sống đồng bào các dân tộc địa phương.
NISAVA
Được tách ra từ huyện Kon Plông theo Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 31/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Kon Rẫy là huyện miền núi cao, nằm trên trục QL24, cách TP. Kon Tum 26km về hướng Đông Bắc, phía Tây giáp huyện Đăk Hà, phía Đông giáp huyện Kon Plông, phía Nam giáp các huyện K’Bang, Đăk Đoa, Chư Păh của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 7 đơn vị hành chính (6 xã và 01 thị trấn). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện 91.134,55 ha. Dân số trên 25.000 người, mật độ dân cư 25 người/km2, được phân bổ tại 56 thôn với 62 làng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66%, chủ yếu là Bah Nar (nhánh Jơ Lâng), Xơ Đăng (nhánh Tơ Đra)...

Tiềm năng phát triển chủ yếu của huyện là tài nguyên đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản và thủy lợi. Thiên nhiên ưu đãi với tiểu vùng khí hậu Tây Trường Sơn, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới vùng trung Kon Tum. Nhiệt độ trung bình khoảng 20 – 22oC. Lượng mưa trung bình 2.000 – 2.200mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, độ ẩm từ 82 – 87%.

NISAVA TRAVEL! tổng hợp từ Konray.kontum, Tapchigiaothong… và nhiều nguồn ảnh khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *