(BQN) – Mảnh đất đặt làm cơ sở Bệnh xá Bắc Tam Kỳ lúc bấy giờ nay đã đổi khác, và đằng sau những đồi keo xanh ngút ngàn, đàn bò thịt đủng đỉnh là nỗi khắc khoải của những phận đời bám đất, bám làng.
Một thời “chia lửa”
Tiểu Tây, xưa là vùng đất thuộc thôn 7, xã Kỳ Quế, huyện Bắc Tam Kỳ, nay là tổ 3 thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Vùng đất ấy nằm trên ngọn núi Lô, hướng mặt xuống lòng hồ Phú Ninh. Để có thể chạy xe máy đến làng, chỉ duy nhất con đường từ ngã ba chợ Suối Đá (xã Tam Dân) ngược lên. Cách trung tâm xã Tam Dân chỉ hơn 7 cây số nhưng đường lên Tiểu Tây thực sự là nỗi ám ảnh, không chỉ đến từ chúng tôi mà còn đến từ những cái lắc đầu của nhóm thợ hồ đang làm việc tại đây.
Công việc của nhóm thợ ở dưới lên mà chúng tôi vừa nhắc là đang thi công dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ. Tại Tiểu Tây, có một khu điều trị của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ được mở thêm vào năm 1967 để chuẩn bị cho Chiến dịch Tết Mậu Thân (trước đó vào năm 1965, Bệnh xá huyện Bắc Tam Kỳ được thành lập tại xã Kỳ Long, nay là xã Tam Dân). Trên tấm bia khắc tên tuổi, quê quán của 23 liệt sĩ, là bệnh xá trưởng, chính trị viên, y tá, cấp dưỡng… đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa thương cho bộ đội. Đã ngót 40 năm kể từ ngày giải phóng, nhưng mãi tận đến hôm nay, ở đây mới có được một nhà bia tưởng niệm.
< Bia tưởng niệm liệt sĩ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đang được dựng tại Tiểu Tây.
Trong câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh kể cho chúng tôi ẩn chứa nhiều sự trách móc. Với 60 tuổi đời, 39 năm tuổi Đảng, ông Minh nguyên là du kích địa phương, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Phước Lợi, người mà dân làng Tiểu Tây coi là “pho sử sống” của làng. “Có rất nhiều thương bệnh binh điều trị ở đây nhưng không qua khỏi. Dấu tích khu bệnh xá giờ chẳng còn gì, có chăng chỉ còn 2 cây đa trên khuôn đất cũ được xem như chứng tích một thời. Mãi đến hôm nay khi bác sĩ Lý (một người sống tại Đà Nẵng, từng làm nhiệm vụ cứu thương tại bệnh xá – NV) vận động và tự bỏ tiền ra thực hiện, bia tưởng niệm mới được dựng” – ông Minh nói.
Ông Minh còn cho biết, vùng đất Tiểu Tây trước kia không chỉ che chở cho bộ đội mà còn là nơi dự trữ lương thực, kho muối của tỉnh Quảng Đà, nơi đóng quân của nhiều đơn vị. Những gia đình ở đây một lòng sắt son, kiên trung với cách mạng. Sau giải phóng, vì địa thế hiểm trở, khó làm ăn nên nhiều hộ đã di cư đến những vùng đất khác. Trong số 27 hộ đang sinh sống ở Tiểu Tây, có tới 19 hộ là gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ và có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đã mất). Ký ức về một thời “chia lửa” trên vùng đất ấy cứ thế dằng dặc và luôn hiện hữu những tiếng thở dài…
Làng vắng trẻ con
Con đường núi quanh co, dốc dựng, đá nhiều hơn đất, phải trầy trật mới vượt qua được. Người dân bảo, qua bao thăng trầm, vùng đất Tiểu Tây cũng đã đổi khác nhiều, chỉ trừ con đường. Thôn Phước Lợi của Tam Lãnh có 3 tổ dân cư, so với 2 tổ còn lại thì Tiểu Tây chịu nhiều thiệt thòi vì bị chia cắt bởi dãy núi Lô. Để xuống 2 tổ này cũng như đến trung tâm xã, ngoài việc đi xe máy xuống ngã ba Suối Đá (Tam Dân) rồi vòng lên mất hơn 27 cây số, còn một cách khác là cắt núi cuốc bộ thẳng xuống khoảng 4 cây số theo đường chim bay.
Làng có 27 nóc nhà dựng rời rạc trên triền núi, chỉ có thứ âm thanh quen thuộc của chim chóc và nước suối chảy. Một hình ảnh khiến nhiều người mường tượng đến cuộc sống của đồng bào vùng cao. Với ông Minh, khi còn làm Bí thư Chi bộ thôn Phước Lợi, chuyện họp thôn khó trăm bề, không dễ để triệu tập được người dân tổ Tiểu Tây. Và tổ dân cư Tiểu Tây coi như một thôn thu nhỏ, các chính sách, chủ trương được tổ trưởng đi họp rồi về phổ biến lại với bà con.
Làng có hơn 120 nhân khẩu nhưng chúng tôi mỏi mắt quan sát vẫn không thấy một bóng dáng trẻ con. Ông Dương Văn Thanh (52 tuổi), người trong làng nói: “Hầu hết con em đều xuống trọ học hoặc ở nhà người quen dưới xã Tam Dân và TP.Tam Kỳ. Đường sá thế này, chúng nó leo sao nổi”.
< Những ngôi nhà ở Tiểu Tây nằm heo hút trên triền núi Lô.
Nhà ông Thanh nằm dưới chân núi, không xe cộ nào đến được. Phải rất vất vả chúng tôi mới theo kịp ông Thanh về thăm nhà. Căn nhà lạnh ngắt. Ông Thanh buông giọng trầm: “Những gia đình ở đây hầu như chỉ còn vợ chồng bám đất làm lụng kiếm tiền gửi xuống nuôi con ăn học”. Hai đứa con của ông Thanh học phổ thông dưới TP.Tam Kỳ, lâu lâu mới về thăm nhà một lần, về xong lại đi ngay. Trong làng, chừ có khoảng 4 – 5 em đang học đại học, cao đẳng. Những đứa trước ra trường cũng không bấu víu mảnh đất này.
Mong một con đường
Mãi đến năm 2011, mạng lưới điện quốc gia mới về đến vùng đất này. Một “luồng sáng” mới với biết bao kỳ vọng. Và thực tế đời sống ở Tiểu Tây đã khởi sắc rất nhiều, nhưng điện chỉ là một trong rất nhiều sự mòn mỏi của người dân về sự hoàn thiện của hạ tầng. Người già đau nặng, phụ nữ chuyển dạ thì chỉ có cách đưa lên cáng khiêng xuống Tam Dân. Đi chợ hầu như là việc của… đàn ông. Lâu lâu mấy bà, mấy mẹ quang gánh xuống chợ Suối Đá bán một vài thứ rồi mua đồ ăn dùng hẳn cho vài ngày. Chưa bao giờ “chợ di động” đến được chỗ này.
< Mỗi khi đau nặng, người dân thôn Tiểu Tây phải gồng gánh bệnh nhân đi tuyến khác.
Ở Tiểu Tây cũng có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, đó là trồng rừng và chăn nuôi. Có nhà trồng đến hàng chục héc ta rừng keo. Tuy nhiên do đường sá trở lực đã kìm hãm phát huy những lợi thế về kinh tế rừng. Có lẽ, chăn nuôi bò theo quy mô bầy đàn là hướng đi bền vững nhất tại đây và cũng đang dần phát triển mạnh. Trong làng, nhà nào cũng nuôi bò, một số hộ có đàn bò đến 20 – 30 con. Tận dụng diện tích đất rộng để trồng cỏ, chăn thả trên đồi núi là những thuận lợi để người dân mạnh dạn vay vốn, đầu tư nuôi bò, nuôi gà thả vườn. Chính những lợi thế đó mà Tiểu Tây nay không có hộ nghèo.
Thế nhưng Trưởng thôn Phước Lợi – Nguyễn Văn Tâm không khỏi đau đáu: “Điện về, đời sống bà con khác hẳn. Người dân làng Tiểu Tây bây chừ chỉ mong chờ một con đường. Giao thương thuận lợi sẽ là cú hích rất lớn để địa phương phát huy những thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi”. Về chuyện đường sá, ông Bùi Quang Minh – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, Tiểu Tây là vùng đất cách trở nhất của địa phương. Từ năm 2010, xã đã phối hợp với các cấp đi khảo sát 2 phương án thông đường lên Tiểu Tây, đó là từ thôn Trung An vòng qua hoặc từ chỗ cầu Phước Lợi chạy lên, khoảng 4 – 5km. Nhưng dự kiến kinh phí quá lớn nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Nhớ lúc tiễn chúng tôi rời Tiểu Tây, cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh mang theo chiếc cuốc dặm dặm mép đường trước ngõ mới bị mưa khoét xói và không quên dặn khách phải cài số xe khi đổ dốc. Trên chặng đường về, ánh mắt của những phận người “ăn đời ở kiếp” vẫn ám ảnh, xa xăm!
Theo Văn Hào (Báo Quảng Nam)
NISAVA TRAVEL!