(TTO) – Từ Hà Nội, đi chừng 3 tiếng ôtô xuống Hạ Long, tiếp tục lên tầu du lịch đi khoảng 4 tiếng nữa thì đến đảo Quan Lạn. Đảo Quan Lạn, thuộc huyện đảo Vân Đồn, nằm trong vịnh Bái Tử Long còn gọi là đảo Hải Vân gồm hai xã Quan Lạn và Minh Châu.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến Quan Lạn có lẽ là sự hoang sơ. Gió lồng lộng, biển bao la và rừng phi lao vi vút như mời gọi người ta hít cho căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Bến tầu Quan Lạn – Đông Hồ, gọi theo cách của người địa phương – chỉ có một hai chiếc thuyền, khác hẳn với cảnh trên bến dưới thuyền của Bến tầu Du lịch Bãi Cháy.

Ven bờ đảo phía Tây đảo là bạt ngàn những bãi sú vẹt. Quan Lạn mùa hè nắng nóng, đầy gió, mùa đông lạnh, người dân địa phương còn nhớ có năm có tuyết rơi. Chúng tôi may mắn được ông Nguyễn Thanh Cấm – Chủ tịch Hội Người cao tuổi dẫn đường đi thăm đảo. Đứng trên cảng Minh Châu ông chỉ cho chúng tôi thấy sông Mang, cửa Tử, cửa Ôn – những địa danh lịch sử.

Chúng tôi vào thăm Miếu thờ Trần Khánh Dư, còn gọi là ngôi nghè thờ Trần Khánh Dư. Một công trình kiến trúc nhỏ hình chữ nhất, tương truyền được dựng lại trên phủ cũ của ông. Ngôi nghè bị đổ nát trong những năm 1960, mới được tôn tạo năm 1995. Trong nghè còn một pho tượng Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông.

Công trình kiến trúc đồ sộ và ấn tượng nhất trên đảo có lẽ là Đình Quan Lạn. Đình được xây từ thời Hậu Lê, có kiến trúc hình chữ công, mặt hướng về phía đất liền, làm bằng gỗ lim quý mọc trên núi đá ở đảo Ba Mùn.

Buổi tối ở Quan Lạn có không khí thật đặc biệt. Chúng tôi say sưa bên đống lửa trại và ăn tối ngay trên bãi biển với các món hải sản nướng đặc biệt. Quan Lạn là đất của nhiều loại hải sản mà ngưòi dân địa phương tự hào: sá sùng, ngao, ngán…

Từ Quan Lạn tới Cái Bầu

Ở Quan Lạn, có lẽ thú vị hơn cả là đi xe đạp quanh đảo. Buổi sáng yên bình, cùng bạn bè đạp xe qua những xóm nhỏ, qua chợ cá râm ran buổi sáng, qua những cồn cát trắng nhiều hoa dại. Ghé thăm cảng cát Vân Hải, Rhona, cô bạn thông minh người Anh ghé tai hỏi tôi: nếu mình cứ khai thác cát thế này, cứ khai thác mãi, rồi khung cảnh không biết còn được giữ nguyên không, bãi biển không biết còn được giữ nguyên không? Thật khó trả lời.

Cát thạch anh ở đây hạt to và trắng, rất phù hợp để làm các đồ pha lê cao cấp. Ven theo đồi cát là bãi biển Sơn Hào, Minh Châu – những bãi biển dài và đẹp mê hồn, nước trong, cát trắng. Tắm thoả thích rồi bạn có thể lên dạo chơi trên rừng trâm nằm sát bãi biển Minh Châu. Rừng trâm có tuổi hàng trăm năm: đây là một loại cây thân gỗ, mọc trên cát, giữ đất, chắn gió và cho bóng mát.

Sau bữa trưa, chúng tôi rời Quan Lạn đi thăm Vịnh Rồng Đôi, cách đảo Quan Lạn gần 1h tầu trung tốc. Tên vịnh do Ông Đinh Đức Hữu – Chủ tịch Công ty Công nghệ Việt Mỹ đặt dựa vào hai hòn đảo nhỏ nằm gọn trong lòng vịnh. Nhân dân địa phương gọi đây là Đầm Cái Chậu. Núi giáp với đầm được gọi là Núi Chậu.

Du khách đến tham quan vịnh được chuyển sang những chiếc thuyền nhỏ, mỗi thuyền chở được tối đa 15 khách. Thuyền bồng bềnh trên mặt nước phẳng lặng in bóng núi xanh biếc, du khách được đi vào khu vực nuôi cá, thăm rừng sú vẹt…Đến Đảo Cái Bầu lúc trời tối, chúng tôi “làm quen” với hòn đảo có vẻ trù phú này qua những món hải sản chế biến từ cá song, cá giò.

Khám phá Cái Bầu

Đảo Cái Bầu thuộc huyện đảo Vân Đồn gồm 4 xã: Đài Xuyên, Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết và thị trấn Cái Rồng. Thị trấn này nhỏ và tấp nập, cũng nằm kề núi kề biển như Cát Bà, nhưng có phần hoang sơ hơn.

Trong thị trấn có cảng Cái Rồng, cảng thương mại chính của huyện đảo Vân Đồn. Tuy không có cái vẻ duyên dáng của thị trấn Cát Bà, Cái Rồng vẫn hết sức hấp dẫn qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên về người dân biển ăn, về món lẩu cháo với con hà tươi đẽo từ biển về bỏ vào nồi cháo trắng nóng ăn liền…

Cách khu du lịch 18 km là cảng Vạn Hoa (cũng gọi là Vạn Yên) – một cảng quân sự nước sâu được xây dựng từ thời Pháp. Trên đường đi mọi người trên xe xôn xao vì những phong cảnh rất “cá tính địa phương”: một mỏ than lộ thiên – có thể nhìn thấy những vỉa than đen nằm xen kẽ với những lớp đất nâu, một cây cầu sắt được dựng từ thời thuộc Pháp, một hàng nước đơn sơ với những món hàng cũng rất đỗi đơn sơ, những ngôi nhà nhỏ của người dân địa phương nằm trong những vườn vải, được bao quanh bởi những hàng rào nứa phủ đầy hoa dại…

Cảng Vạn Hoa có vẻ hoang sơ với phế tích của những ngôi biệt thự Pháp, của một nhà hát Opera đổ nát nằm trên một mũi đất ăn ra biển.Từ cảng Vạn Hoa nhìn xuống, biển hiện ra vừa hùng vĩ vừa bình yên.

Ở Cái Bầu, lên núi cũng thú vị mà ra biển cũng thú vị. Buổi chiều, chúng tôi rời đảo thăm Hòn Phất Cờ, một điểm tham quan khá thú vị đi cano mất khoảng 5 phút.

Đây là một khu bè nuôi cá giống và khu lồng tròn làm theo công nghệ của Na Uy nuôi cá để cung cấp cho thị trường. Du khách có thể tham quan những lồng nuôi cá giò với những con cá nặng tới 20-25kg, lồng nuôi cá song, cá hồng mỹ…và ăn trưa luôn trên nhà hàng nổi với các món hải sản tươi.

Từ Cái Bầu, đường về Hạ Long đã được rút ngắn lại. Chúng tôi về đến Hà Nội vào lúc thành phố đã lên đèn. Chưa kết thúc chuyến du lịch, tôi đã dự tính sẽ quay trở lại, một ngày nào đó, một mình hay cùng một ai đó, rón rén đi trên cát Quan Lạn vào một đêm trăng, sóng lặng để một lần nghe cát hát…

Theo Thu Giang (báo Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *