Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) vừa đưa vào khai thác tour du lịch tham quan quần thể hang núi lửa lớn nhất Đông Nam Á ở huyện Krông Nô (Đắk Nông). Theo đó, tour được thiết kế để du khách lần lượt tham quan khám phá hang C3 hình ống có chiều dài 594,4m và hang C6 ở trong rừng có nhiều cây cổ thụ tuyệt đẹp.

Từ thác Đray Sáp (huyện Chư Jút, tỉnh Đắc Nông), phải đi hơn 25 km đường qua rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, dọc theo sông Sê Rê Pôk, mới đến quần thể hang động Chư Bluk (ở xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô). Nhưng với nhiều du khách, đây là điểm đến hấp dẫn, khám phá lý thú từ những ngày đầu năm.

Tour được thiết kế để du khách lần lượt tham quan khám phá hang C3 hình ống có chiều dài 594,4m và hang C6 ở trong rừng có nhiều cây cổ thụ tuyệt đẹp. Đây cũng là hang hiếm hoi có hố khí tựa giếng trời trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy… Tour này kết hợp tham dự chương trình cồng chiêng của người dân tộc M’Nông và các thắng cảnh khác.

Quần thể hang núi lửa Krông Nô được các nhà khoa học bắt đầu khảo sát từ năm 2007. Sau đó, một số nhà thám hiểm của Hội Hang động Nhật Bản cũng nhiều lần khảo sát, nghiên cứu, đo đạc hệ thống quần thể hang núi lửa rộng khoảng 25km này. Tháng 12-2014, Tổng cục Địa chất – khoáng sản (Bộ Tài nguyên – môi trường) đã họp báo công bố: quần thể hang núi lửa Krông Nô là quần thể hang núi lửa lớn nhất Đông Nam Á. NISAVA

Trong dòng người đi về Buôn Chóa, chị Đào Thị Thêu, một du khách đến từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông hào hứng cho biết: “Tôi rất vui mừng khi thanh niên chúng tôi lại có thêm một điểm du lịch mới đó là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á nằm ở huyện Krông Nô, Đắc Nông.

Địa điểm này tuy mới được phát hiện nhưng cũng được tỉnh quan tâm để thu hút những nhà đầu tư vào khai thác du lịch và mong muốn đây là một địa điểm du lịch lý thú không những người dân khu vực mà người dân cả nước đến tham quan. Riêng với bản thân tôi thì đây là địa điểm du lịch rất lý thú trong dịp xuân này”, chị Thêu chia sẻ.

Những ngày xuân, khi du khách đến tham quan ngày một đông, nhiều bà con ở xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô đã có thêm nghề mới phục vụ du khách. Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông cho biết: Tết năm nay, gia đình ông vừa đón xuân mới, vừa mở điểm bán mũ, bán nước cho du khách trên đường vào quần thể hang động núi Chư Bluk. Bản thân ông đã sinh sống gần khu vực hang hơn 30 năm và nhiều lần vào các hang khám phá, tìm hiểu, nên trở thành “hướng dẫn viên” cho khách.

Ông Tùng giới thiệu: “Những hang này có từ thời xa xưa, người dân gọi là hang Chư B’luk, những người bản địa, thợ săn gọi là hang dơi vì trong hang rất nhiều dơi. Trong khu vực này tìm thấy gần 100 hang lớn nhỏ, chiều dài các hang là hang trăm mét, khám phá rất lý thú…”

Quả như lời người dân địa phương, hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk với gần 100 hang lớn nhỏ có những nét đặc trưng và độc đáo riêng: phần lớn các hang có hình ống với nhiều ngã rẽ thông nhau tạo thành những vòng tròn. Vào sâu trong một số hang, nhiều động vật như: các loài dơi, rắn, ếch, ốc sên sinh sống phong phú.

Trong hang động, cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt đá bazan đã phản ánh quá trình hoạt động núi lửa phun trào cách đây hàng triệu năm.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại hang núi lửa khu vực này thuộc dạng hiếm trên thế giới, với những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp trên thành hang… Hiếm hơn nữa là quần thể hang này lại nối liền với quần thể thác lớn trên sông Sê-rê-pôk, rất thuận lợi để phát triển du lịch. NISAVA

Ông Võ Văn Tâm, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông, nói: “Đây là 1 tin vui cho tỉnh nhà vì nơi đây  được nhà nước công nhận khu du lịch cấp quốc gia gồm có 2 thác:  thác Gia Long và thác Đrây Sáp.

Bên cạnh đó chúng ta được thiên nhiên ưu đãi cảnh thiên nhiên đẹp từ thác Đrây Sáp chạy dài đến núi lửa Chư Pan là trải dài triền sông Sê Rê Pok đầy thơ mộng, việc phát hiện hang động núi lửa này là tương lai phát triển ngành du lịch ở tỉnh Đắc Nông”.

Sau quá trình nghiên cứu, cuối năm 2014, các nhà khoa học Nhật Bản cùng Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam đã công bố thông tin ban đầu về quần thể hang động núi lửa Chư Bluk và đánh giá đây là hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á, xứng đáng được công nhận là công viên địa chất quốc gia, và nên trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Nông cho biết: Tỉnh và các ban ngành hữu quan đang tích cực quy hoạch và xây dựng hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk thành nơi du lịch trọng điểm, tạm gọi là công viên địa chất để vừa khai thác tiềm năng vừa bảo vệ di sản thiên nhiên quý giá này. NISAVA

“Trong thời gian tới thì tỉnh Đắc Nông sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đề án để trình Chính phủ công nhận cho tỉnh Đắc Nông thành Công viên địa chất cấp quốc gia và thống nhất quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân bảo vệ di sản thiên nhiên này được tốt hơn.”- Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Lệ quả quyết.

Hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk ở xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông với vẻ đẹp của nàng thiếu nữ ngủ quên trong rừng hàng nghìn năm đã được đánh thức trong mùa xuân này.

Theo VOV, Tuổi Trẻ
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *