(TTO) – Cái thú chui rúc, luồn rừng ghé địa danh mới tưởng chừng ngủ quên, bất ngờ được đánh thức trong chuyến đi không định trước về Lũng Noong, Chợ Đồn, Bắc Kạn.
Bạn có một chương trình “chăn ấm” cho đồng bào vùng sâu vùng xa đang cần hỗ trợ xe chở chăn để tiết kiệm chi phí gửi hàng từ bến xe khách. Phải dùng tới hai xe bán tải cả nhóm mới chuyển được hết số chăn ấm lên đến UBND xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn).
Bạn đồng hành đã lên tới thị trấn Bằng Lũng từ đêm thứ sáu, sáng sớm thứ bảy tôi mới chạy xe lên. Đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn khá hẹp và quanh co, buổi sớm lại mù sương nên không dễ gì chạy nhanh cho được.
1. Từ Bắc Kạn theo tỉnh lộ 257 đi thêm khoảng 45km là tới thị trấn Bằng Lũng, thêm 30km vào đến Nam Cường đường vẫn khá đẹp dù quanh co. Theo kế hoạch, nhóm sẽ dùng ôtô hai cầu có thể di chuyển trên địa bàn gập ghềnh đá sỏi và lầy lội, cùng với xe gắn máy để chở chăn ấm vào tới trung tâm bản Lũng Noong, cách trung tâm xã chừng hơn 10km.
Đây là bản tái định cư của người Mông ở Bắc Cạn, bản xa nhất trong số các thôn, bản của Nam Cường. Anh bạn bí thư Đoàn xã chở tôi bằng xe máy, vừa tài tình lái chiếc xe Dream đã cũ leo qua những ổ gà, ổ voi, sống trâu, đá hộc, vũng lầy vừa kể chuyện.
Đồng bào Mông có tập quán sống du canh, du cư như con chim, con nai, nay ở cánh rừng này, mai đến thung lũng khác.
< Vượt ngầm vào Lũng Noong.
Lũng Noong là một trong những dự án tái định cư lớn của tỉnh Bắc Kạn đưa đồng bào Mông về đây sinh sống tập trung, tạo điều kiện để canh tác, chăn nuôi, phát triển cuộc sống. Tuy vậy, sự khó khăn vẫn bao trùm lên mảnh đất này, những mái nhà đơn sơ, ruộng đồng cằn cỗi, đường xá xa xôi, cách trở, nhọc nhằn. NISAVA
Chúng tôi vừa đi vừa đợi nhau, phòng có sự cố xảy ra còn kịp thời hỗ trợ. Chiếc ôtô chậm chạp nhưng chắc chắn vượt qua từng vùng sình lầy trong khi tài xế vừa lái xe vừa tái người vì sợ. May thay, chặng đường gian khổ đã ở lại phía sau lưng, trước mắt hiện lên một thung lũng lớn, giữa thung lũng nhô lên một quả đồi, một gian nhà và một lá cờ đỏ sao vàng đang phấp phới giữa không trung.
< Có một thảo nguyên trên núi.
2. Xe tập kết trên đỉnh đồi vi vút gió. Cỏ ràn rạt màu cháy, cánh đồng hoang hoải, một không gian tĩnh lặng, một chút buồn rầu. Đã quá lâu rồi tôi mới lại đi sâu về phía núi. Có ai ngờ ở cuối con đường lại là một thảo nguyên, như thể đã đợi tôi tự rất lâu rồi.
Bạn mượn một chiếc ghế gỗ mầm non cũ kỹ đặt giữa đỉnh đồi, tự tay pha cốc trà vừa ngồi nhâm nhi vừa phơi nắng trong lúc chờ chương trình tặng chăn ấm bắt đầu. Mấy đứa trẻ nhà ở gần chân đồi bắt đầu mon men tới chơi với người lạ. Một chút e dè, sợ sệt nhưng rất nhanh chúng quên ngay đám người lớn từ trên trời rơi xuống, tự bày đồ hàng và chơi những trò chơi của riêng mình. NISAVA
< Theo mẹ lên đồi.
Tôi sà xuống bếp nấu đang khói um giữa đỉnh đồi gió lộng, một chiếc vỏ hộp sắt làm nồi, hai cái que làm đũa, một mẩu bánh mì cho vào nấu cháo. Hai chú bé con đang chơi trò bếp núc khiến nhiều người trong chúng tôi bâng khuâng như thể đang trên chuyến tàu về lại tuổi thơ. Tiếng nhạc từ điện thoại vang lên da diết… chút chút lêu lêu ồ lêu ồ lêu….
3. Chiều đã sang ngang. Tiếng kẻng reo vang dưới chân cột cờ, loang ra trên cánh đồng, ùa vào bên trong hàng rào tre nứa, bước qua cánh cửa gọi người Mông. Một cán bộ xã bảo tiếng kẻng ở đây hay lắm, có khi là tiếng kẻng gọi họp hành, tiếng kẻng báo tin vui hay sự cố, tin buồn… tùy theo tình hình mà vang lên những thanh âm và giai điệu khác nhau.
< Trò chơi của trẻ Mông.
Tiếng kẻng hôm nay rộn ràng, ấm áp, mang theo tấm lòng của người dưới xuôi gửi tặng đồng bào miền ngược, hi vọng một chút sẻ chia sẽ giúp bà con ấm lòng qua một mùa đông…
Phần lớn phụ nữ và trẻ con tập trung về đỉnh đồi, nơi chúng tôi không hẹn đã cùng nhau gọi là “thảo nguyên trên núi”. Đám trẻ con hồn nhiên, nghịch ngợm khắp nơi, rộn rã cả một góc trời. Chúng chơi trò đuổi bắt, chia nhau chơi chiếc xe đẩy đã gãy làm đôi, nhóm chơi đầu, nhóm chơi đuôi, ngã xoành xoạch mà không mấy khi nghe thấy khóc. Có bé gái nhỏ cũng bắt chước mẹ địu một chiếc chăn trên vai làm em bé. Hay chăng em đã tập thói quen “làm mẹ” ngay từ khi còn bé nhỏ thế này? NISAVA
< “Được chụp ảnh mình vui lắm”.
Chiếc máy in ảnh lấy ngay làm việc căng như dây đàn, để kịp in và trả những tấm hình vừa chụp mấy phút trước. Mấy bà mẹ trẻ ríu rít và háo hức, sau khi xem ảnh lại còn đòi về nhà thay quần áo đẹp để chụp lại cho đẹp hơn. Cuộc sống của họ có thể nghèo, còn thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng bộ đồ truyền thống chơi hội, chơi tết thì nhất định phải đẹp long lanh.
4. Chút chộn rộn của chiều rồi cũng tan đi. Chúng tôi vẫn ngồi thênh thang trên ngọn đồi cỏ cháy, trước mặt là thung lũng. Khi nào ngô sẽ trổ bông, ra bắp, khi nào mưa sẽ tưới ướt những cánh đồng khô cằn cho cây cối đâm chồi nảy lộc? Khi nào tôi mới được thêm một lần đi về phía núi và ngồi bên bè bạn, nghe tiếng trái tim thầm thì, chiều nay có bước chân nào ngang qua thảo nguyên?
Theo Giang Nguyễn (Báo Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!