(ĐNG) – Đình An Ngãi Đông hiện toạ lạc tại làng An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang.
Làng An Ngãi Đông ngày nay: bắc giáp làng Vân Dương, nam giáp núi Hố Dầu, đông giáp Khu công nghiệp Hoà Khánh, tây giáp làng An Ngãi Tây. Lưu truyền dân gian cho biết những dòng họ đến đây định cư sớm nhất gồm các họ Nguyễn, Hứa, Lê, Phạm nay mới đến đời thứ 11, căn cứ theo những thông tin trên làng An Ngãi Đông được các dòng họ lập nên cách đây khoảng 300 năm.

Theo người dân kể lại , làng An Ngãi Đông đã qua ba lần dựng đình. Lần đầu dựng ở phía nam làng dưới chân núi Hố Dầu, sau đó dời nhích vể phía bắc và lần cuối cùng là vị trí hiện nay. Mỗi lần chuyển vị trí là mỗi lần thay đổi về qui mô, kết cấu kiến trúc cũng như vật liệu xây dựng.

Đình An Ngãi Đông toạ lạc giữa một khu đất bằng, nằm ở giữa làng. Mặt tiền quay về hướng tây, trước mặt đình là cánh đồng làm yếu tố minh đường thuỷ tụ, trông xa là dãy núi Bà Nà án ngữ.

Đình có công trình kiến trúc chính là toà chính điện. Kiến trúc theo lối nhà rường một gian hai chái, gồm hai bộ vì có năm hàng cột. Tất cả hệ thống cột đều đứng trên đá táng hình quả bí.

Hình thức liên kết cột trong mỗi bộ vì cơ bản là liên kết kèo. Bản chất kỹ thuật của lối liên kết này không phải hiếm gặp mà khá phổ biến  ở đình làng Đà Nẵng nói chung đình An Ngãi Đông cũng có xà cò cong nằm song song phía cây đòn đông và bộ phận cánh dơi trụ trốn đỡ lấy giao nguyên, đứng trên chân tôm. Mái đình lợp ngói âm dương. Nóc mái gắn trang trí hình”lưỡng long triều nguyệt” theo thế hồi long. Các bờ góc gắn các hình tượng khác trong tứ linh và hình giao long. Ở hai đầu bít đốc đều đắp nổi hình dơi và phong cảnh, hoa lá. Tất cả các trang trí trên đều được đắp khảm sành sứ.

Trong nội điện, sát vách tường phía sau xây ba khám thờ: Giữa thờ các vị thẩn trong tín ngưỡng truyền thống, hai bên tả hữu thờ những bậc tiền hiền và hậu hiền có công khai phá, phát triển làng An Ngãi Đông trong quá trình lịch sử, có những câu đối bằng chữ Hán ngưỡng vọng công đức thần thánh, tiền nhân.

Chính ngay giữa gian xây một hương án, tạo các ô bậc trang trí hình đầu rồng (chính giữa) và tứ quý, tứ hữu. Bước qua khoảng sân, trước chính điện, nằm trên trục thần đạo là bức bình phong. Mặt ngoài đắp nổi hình hổ, mặt trong đắp hình long mã khảm sành. Ngoài ra còn có ô nhỏ trang trí hoa lá và tứ hữu.

Cũng như các đình làng khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hằng năm nhân dân làng An Ngãi Đông đều tổ chức cúng tế thần linh, sinh hoạt hội hề tại đình làng như lễ tế Xuân, tế Thu, lễ Kỹ Kỳ an…

Trong tất cả những ngày lễ nói trên, qui mô nhất là đại lễ ngày 16 tháng 4 (âm lịch). Đây thực sự một kỹ lễ hội trong năm của dân làng. Vào dịp này, ngoài các nghi thức tế tự trang nghiêm, còn có các hoạt động vui chơi giải trí dành cho toàn thể dân làng với những hình thức phong phú đa dạng.

Với đầy đủ đặc tính của một thiết chế văn hoá làng xã Việt, đình làng An Ngãi Đông thực sự là một trung tâm tín ngưỡng, văn hoá của cộng đồng dân làng địa phương. Đó là nơi hội tụ và phản chiếu những giá trị sắc thái văn hoá cổ truyền của nhân dân An Ngãi Đông. Đình làng An Ngãi Đông được công nhận là di tích Lịch sử- Văn hoá cấp thành phố ngày 07/8/2010.

Theo Đà Nẵng.gov
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *