Chùa Hoằng Ân tọa lạc tại xã Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong số rất ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội đã nghìn năm tuổi.
Chùa do các Thiền sư thuộc phái Tào Động trụ trì, được xây dựng từ thời nhà Lê. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ.
< Cổng trước của chùa Hoàng Ân.
Ngoài vai trò của các tăng, ni, Phật tử thì việc gìn giữ những di tích này còn có sự góp phần của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo.
Chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) được Thiền sư Ngộ Ấn tạo dựng, ban đầu chỉ là một am thờ Phật, sau dựng thành chùa và có tên là Báo Ân tự (chùa Báo Ân).
< Cổng chùa Báo Ân năm 1884.
Trải qua một Athời gian dài Báo Ân Tự vừa là nơi thờ Phật cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư. Theo văn bia ghi lại vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1628) chùa được xây dựng lớn bởi công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái Hoàng đế Nguyễn Hoàng, vợ chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657), sau đó chùa được đổi tên thành chùa Long Ân. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhân chuyến tuần du ra Bắc, Vua đã đến thăm chùa, lúc này chùa được đổi tên thành Sùng Ân tự. Năm Tân Sửu (1841) Vua Thiệu Trị đến thăm chùa Sùng Ân cho tu sửa lại chùa và đổi thành chùa Hoằng Ân.
Ngay từ khi ra đời chùa đã là một danh lam của kinh thành Thăng Long, chùa cũng từng là nơi ngự giá, thăm viếng của các bậc đế vương. Dưới thời Trần Anh Tông, Tam Tổ Huyền Quang từ núi Yên Tử cũng chọn nơi đây để giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Triều Nguyễn vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị đều chọn chùa là nơi dừng chân vãn cảnh.
Những nếp nhà cổ của chùa Hoằng Ân nép mình dưới tán cây cổ thụ tạo thêm sự thanh u. Không lộng lẫy nhưng từ những bức tượng Phật, cách bài trí trong chùa….
< Lầu chuông chùa được tu sửa lại.
Tất cả đều mang một vẻ đẹp khác biệt, gương mặt Quan Thế Âm Nam Hải thuần hậu, áo cà sa nhiều nếp, Phật trong tư thế thiền tọa chân chống chân buông giẫm trên đài sen nhỏ.
Mỗi tượng Phật có một dáng thiền khác nhau. Ba pho tượng Át Nam Tôn Giả, Hộ Pháp Tam Châu, Giám Trai Sứ Giả. Các chùa khác đều tạc ba pho tượng này ở tư thế ngồi, nhưng ở chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) tạc ở tư thế đứng.
< Những khu mộ tháp cổ, trầm mặc bên những thân cây cau, cây mộc, cây nhãn.
Theo TT. Thích Đạo Minh, trụ trì chùa cho biết: chùa chính gồm Tiền Đường và hậu cung: có 5 gian lợp ngói, bờ nóc và bờ dài chạy thẳng, chính giữa đắp hổ phù đội mặt trời. Phía trước hiên là hai cột trụ trên nóc đắp hình búp sen. Kiến trúc chùa chủ yếu làm theo lối bào trơn đóng bên với hình thức chồng giường, con nhị kèo ngồi xa nách. Gian giữa có hệ thống cửa bức bàn. Các mảng chạm kỹ lưỡng với những mảnh chạm điển hình nơi xứ Huế. Nền chùa và Hậu cung được lát gạch Bát Tràng.
Hậu cung 3 gian xây liền với Tiền Đường tạo cho chùa chính có dạng chuôi vồ. Ngôi chính điện này trước đây được xây trên gò tam cấp, đến nay vẫn còn nguyên vẹn, chưa có sửa chữa gì, gần đây vào năm 2002 được sự quan tâm của các cấp chính quyền chùa đã nâng cấp xung quanh như: xây tường bao khuôn viên, đường vào và xây kè hồ. Chùa trước đây nuôi dấu cán bộ, có hầm nằm trong khuôn viên nhà Tổ, mỗi khi có địch đến, nhà sư liền gõ mõ, đập gậy làm tín hiệu báo cho chiến sĩ ta.
Chùa Hoằng Ân hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý: gồm có 2 quả chuông đồng (Quả lớn được đúc thời vua Lê Hiển Tông (1743), cao 1,5m, đường kính 0,8m; vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán “Long Ân Tự chung”, Quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn); 33 tấm bia từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20; 30 Pho tượng có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Hệ thống tượng tròn của chùa còn khá đầy đủ với những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quan âm Nam Hải, các Pho tượng Tam Thế, A Di Đà tạc vào thế kỷ 17- 18. Tượng Di lặc là một trong những tượng đẹp nhất của chùa, với tư thế ngồi tự nhiên, nét mặt cười hoan hỉ….
Thầy trụ trì cho biết, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thế hệ sư trụ trì, các thế hệ tăng ni, Phật tử vẫn lưu giữ nguyên vẹn góp phần gìn giữ giá trị tượng phật cổ.
Nghiên cứu, đánh giá những di sản văn hóa tại chùa Hoằng Ân, Trung tâm Bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Tôn giáo. Giám đốc trung tâm, ông Trần Khánh Dư đánh giá cao công việc lưu giữ những di sản văn hóa tôn giáo của chùa.
Đặc biệt chùa có khu mộ tháp lô xô cao thấp, trầm mặc, là nơi an nghỉ của các bậc Hòa thượng, Cao tăng Thạc đức có công trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước: HT. Thích Trí Độ, HT. Thích Tam An, HT. Thích Mật Ứng, HT. Phạm Ngọc Đạt (hiệu Bình Lương) là ân nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ người hoạt động ở Thái Lan. Đặc biệt hơn nữa chùa Hoằng Ân còn là nơi đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Đức Nhuận tu hành và an nghỉ (HT Thích Đức Nhuận là người có công đầu thống nhất Phật giáo 2 miền Nam Bắc, quy tụ và đoàn kết tăng ni, phật tử ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam). Hiện nay trong khu nhà Tổ có tạc tượng thờ các vị Hòa thượng này.
Với sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Tôn giáo nên các di tích trong chùa dù đã được tu sửa, song những điêu khắc kiến trúc cổ và các hiện vật vẫn còn nguyên vẹn. Theo tâm nguyện và vai trò gìn giữ những di sản văn hóa tôn giáo độc đáo của ngôi chùa này cũng như đối với Pháp chủ Thích Đức Nhuận, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Tôn giáo, ông Trần Khánh Dư tin rằng với giá trị lịch sử – văn hóa những thư tịch văn bia cổ và các hiện vật giá trị khác và thế đắc địa mà thiên nhiên ban tặng, nhìn ra Hồ Tây mênh mông, chung quanh là những vườn cây trữu quả, chùa Hoằng Ân là một trong những điểm văn hóa – du lịch của thành phố thu hút khách muôn nơi. Trong thời gian tới cùng với các nhà nghiên cứu khoa học sẽ sớm cho xuất bản cuốn sách chi tiết về ngôi chùa nơi lưu giữ những di sản văn hóa tôn giáo.
< Nắng chiều Hồ Tây nhìn từ chùa Hoằng Ân.
Ngôi chùa của làng Quảng Bá tĩnh lặng. Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm từng giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm ở đây. Đây cũng là nơi tôn thờ Đạo giáo. Công chúa Ngọc Tú bỏ phủ chúa Trịnh Tráng ra đây tu trì. Nhiều cán bộ cách mạng đã chọn ngôi chùa làm cơ sở an toàn để hoạt động chống Pháp giành độc lập dân tộc…Hiện nay, trong chùa còn dạy chữ thư pháp và dạy võ cho học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Không chỉ ghi giữ nhiều dấu tích lịch sử của Phật giáo và cả Đạo giáo, của những chuyện đời thăm thẳm, của lòng thương yêu con người, yêu quê hương đất nước, đồng hành cùng dân tộc. Mà giờ đây ngôi chùa còn là nơi ghi dấu những con người hết mình gìn giữ những giá trị tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Theo Trí Dũng (BTGCP)
NISAVA TRAVEL!