Theo tỉnh lộ 668 hướng về phía Tây, cách trung tâm thị xã Ayun Pa 10 km, địa phận xã Chư Băh, là điểm vui chơi, giải trí Suối Đá (Thác Dốc). Trong thật tế: Suối Đá gồm cả Suối Đá 1 và Suối Đá 2, cách nhau khoảng 3 km nên thường gọi chung là Suối Đá.
Xuất phát khoảng 10 giờ sáng từ thị trấn huyện, đi xe khoảng 15 phút trên con đường đất hoang sơ và để xe lại bìa rừng, khách lội xuống các bậc đá khoảng chừng 1km là gặp con suối chảy qua các ghềnh đá nhấp nhô tạo thành một khung cảnh rất đẹp, nên thơ.
Từ trên núi cao, dòng nước len theo sườn dốc đổ về tạo thành con suối cao hơn 6 mét, rộng 10 mét phun nước trắng xóa. Dưới chân thác, các tảng đá bị bào mòn theo thời gian nổi lên như những quả trứng gà, những hình thù kỳ bí, độc đáo.
Từ thượng nguồn đi dọc về phía hạ nguồn, có nhiều phiến đá bị dòng thác bào mòn tạo ra các bậc cấp tự nhiên, mặt đá bào phẳng như những chiếc bàn nhiều kích cỡ, không chiếc nào giống chiếc nào được nhiều du khách chọn làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn.
Hai bên suối, người làm du lịch thiết kế nhiều chiếc chòi dân dã, xinh xắn lơ lửng trên những chạc cây to. Chòi làm bằng gỗ lợp tranh càng thêm vẻ hoang sơ. Một chiếc cầu treo dài hơn 50 mét chênh vênh giữa hai ngọn núi làm nơi du khách thưởng ngoạn phong cảnh từ trên cao. Dọc các lối đi, nhiều loài hoa dại tranh nhau đua sắc tạo nên các gam màu bắt mắt.
Vào mùa mưa, nước lớn nên phong cảnh nơi đây càng hùng vĩ, tiếng nước đổ âm vang cả núi rừng trong khi mùa khô nước ít, du khách có thể đi lại dưới suối và có thể câu cá thư giãn. Nơi đây còn hấp dẫn các bạn trẻ thích khám phá bằng hành trình xuyên rừng, hòa mình vào thiên nhiên, nghe chim hót và thác nước vang vọng.
Cũng như Suối Đá 1, Suối Đá 2 là điểm mới được phát hiện và hình thành điểm tham quan, du lịch do một hộ tư nhân đăng ký với xã để đầu tư, quản lý nằm trong chuỗi du lịch Suối Đá.
Nơi đây cũng là đá với đá, chung quanh là rừng khộp thưa thớt. Không biết, có ngụ ý gì với khu thiên nhiên kỳ thú này, người quản lý khu Suối Đá 2 đã sưu tầm mấy chục cái cối đá cũ đem về trưng bày ngay cổng vào khu du lịch. Mùa này Suối Đá 2 nước còn đục, chảy rì rào qua bao ghềnh đá. Phía trên có một thác nước phủ toàn đá, cao độ 3 mét.
Những dòng nước bạc rơi như pháo hoa trông thích mắt. Phía dưới thác là một vực thẳm khá sâu, người ta bắc một chiếc cầu treo bằng tre nứa chông chênh khiến ai đi qua cũng rùng mình. Nhưng đó là cảm giác thú vị khi con người muốn khám phá tự nhiên.
Trong các dịp lễ, rất nhiều người, nhất là học sinh chọn Suối Đá làm nơi nghỉ ngơi vui chơi, sum họp. Không chỉ người dân khu vực Đông Nam tỉnh biết đến cảnh quan Suối Đá, mà khách thập phương cũng tìm đến. Cái đẹp tự nhiên là một vốn quý của tạo hóa mà con người cần biết tôn trọng, giữ gìn, kể cả người quản lý và khách du lịch, tham quan.
Ngày nay khi nền văn minh nhân loại đạt đến đỉnh cao thì con người lại muốn tìm về với thiên nhiên, sống hòa hợp, gắn kết hơn với những gì vốn có. Ayun Pa đang phấn đấu để khai thác tốt nhất những gì mình đã và đang có.
Nằm khỏa thân nghìn năm bên suối,
Đá lặng thầm úp mặt giấu tên.
Dấu chân ai bên đời đánh thức,
Mắt nai nhìn đá hát khúc thiên thai.
NISAVA TRAVEL! tổng hợp từ Báo Gia Lai
Ayun Pa – Một vùng thiên nhiên kỳ thú