Chùa bao giờ cũng có một cái tên. Tên nghiêm trang, thành kính. Ấy vậy mà nhiều khi dân gian không chịu gọi (thậm chí không nhớ, không biết) tên chính thức của chùa, mà chỉ thích gọi tên do mình… tự đặt, nhiều cái tên nghe mà giật mình.

< Chùa Chơn Nguyên ở chân núi Kỳ Vân, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặt tiền chùa đơn sơ thế này, không có tên thì làm sao biết là chùa Chơn Nguyên?

1. Tên loài vật:

< Khỉ ở sân chùa Chơn Nguyên nhiều như thế này. Khách viếng chùa mua chuối cho khỉ ăn và chụp hình, vậy nên người ta quen gọi là… chùa Khỉ!

Nhiều nhất có lẽ là… tên loài vật: Chùa có nhiều con gì thì đặt tên con đó cho chùa. Như chùa Dơi ở Sóc Trăng, chùa Cò ở Trà Vinh, chùa Khỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Hic, như cái chùa Khỉ chẳng hạn, Hai Ẩu vô chùa lạy Phật đàng hoàng mà… hổng biết chùa tên gì. Hỏi cả đoàn người đang khấn vái sì sụp thì ai cũng nói tên chùa này là… chùa Khỉ vì có khá nhiều khỉ giỡn chơi đầy ở chùa. Mãi 2 năm sau, tình cờ đọc tài liệu mới biết tên chùa là chùa Chơn Nguyên.

2. Tên thức ăn:

< Chùa Bún Riêu, tức là chùa Phước Hải. Cần nói thêm là khuôn viên chùa rất rộng rãi, thoáng mát và có nhiều vườn tượng đẹp, rất đáng để tham quan.

Trường hợp nữa là gọi theo tên thức ăn. Điển hình là chùa Bún Riêu và chùa Bánh Xèo. Hai chùa này khá quen thuộc với một số khách đi du lịch Vũng Tàu, vì nằm trên quốc lộ 51.

Chùa Bún Riêu nằm bên hông công ty Vedan. Chùa này có món bún riêu (dĩ nhiên là bún riêu chay!) rất ngon, và đãi miễn phí cho tất cả mọi khách viếng chùa. Ăn bún riêu xong, khách lại được đãi miễn phí nước rau má. Vậy nên chùa còn có tên là… chùa Rau Má. Các bạn có đi Vũng Tàu nhớ ghé đây dùng món bún riêu khỏi tốn tiền nhé.

< Ngôi ni viện Thiện Hòa tráng lệ thế này được dân gian gọi là… chùa Bánh Xèo (chú ý: ăn… bánh xèo thì vô gian bên, không phải vô chánh điện)

À quên, tên của chùa là… là gì nhỉ? Nhớ rồi, chùa Phước Hải. Nhưng khi các bạn đi tìm cứ hỏi chùa Bún Riêu là người ta biết ngay, nói chùa Phước Hải có khi không biết đó!

Bạn đồng hành của chùa Bún Riêu là chùa Bánh Xèo. Chùa này nằm trong khuôn viên chùa Đại Tòng Lâm mà có lẽ nhiều người đã biết khi đi Vũng Tàu. Đặc sản ở đây là bánh xèo (chay), và cũng miễn phí luôn. Tên thiệt của chùa là Ni viện Thiện Hòa chớ không phải là… Bánh Xèo…

3. Miễn sao tên dễ đọc:

< Một góc chùa Sà Lôn.

Ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang có rất nhiều chùa Khmer, tên Khmer thì dài và khó nhớ. Dân gian đâu sá chi chuyện khó đọc, khó nhớ đó, cứ đọc đại là xong. Có thể kể ra vài thí dụ:

* Chùa Sà-lôn:

Ngôi chùa này có tên đầy đủ là Seraysockhum sănkummiênchay Sà Lôn (xin thưa là Hai Ẩu copy và paste chớ cũng không gõ nổi cái tên chùa này!). Hai chữ cuối dễ đọc nhất, nên dân gian gọi là chùa Sà Lôn.

Ngoài ra chùa trang trí hầu hết bằng miểng chén đĩa, nên dân gian bèn chế thêm cho chùa một cái tên còn dễ nhớ hơn tên Sà Lôn nữa: Chùa Chén Kiểu.

Chùa ở ấp Đại Thành, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (trên quốc lộ 01, đường đi từ Sóc Trăng tới Bạc Liêu).

* Chùa Xà Tón:

Thiệt tình chữ Xà Tón không có nghĩa gì hết, tên chùa theo tiếng Khmer là Xvay-tôn.

Dân Nam bộ vui tính và… lười biếng, đọc Xà-tón cho nó gọn!
Chùa này ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đó nghen!

* Chùa Mã Tộc:

Tức là chùa Dơi ở Sóc Trăng. Ủa, sao dơi mà lại là Mã (ngựa)?? Thật ra Dơi không phải tên chùa (chỉ vì chùa có nhiều dơi), Mã Tộc cũng không phải tên chùa luôn! Tên chính thức của chùa là Ma-ha-túp (tiếng Khmer).

< Chùa Dơi (Mã Tộc – Ma-ha-Túp).

Dân gian thấy chữ Ma-ha-túp khó đọc, nên chế ra chữ Mã tộc đọc cho dễ! Bạn đi đến Sóc Trăng hỏi thăm chùa Dơi thì người ta biết ngay, hỏi chùa Mã Tộc có thể biết, còn hỏi chùa Ma-ha-túp chắc… hổng biết!

4. Có sao nói vậy

Dân gian vốn lười đọc tên chữ văn hoa, mà thích thấy sao nói vậy. Có thể kể 2 thí dụ:

< Chùa… Tổ Đỉa.

* Ở Bến Cát, Bình Dương có một ngôi chùa có tên rất… rùng rợn, đó là chùa Tổ Đỉa. Nếu chùa này là cái tổ (ổ) của con đỉa thì quả là ớn lạnh, còn nếu là bệnh tổ đỉa thì cũng rất đáng… tránh xa! Hic, vậy mà không phải vậy, tên chùa rất mỹ miều, là chùa Long Hưng.

Chuyện là vầy: Chùa do thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu khai sơn vào thế kỷ 18. Đầu tiên dân gọi là chùa Tổ (ông tổ khai sơn ra chùa). Trước đây vùng này là bưng biền, nhiều đỉa, thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu có tài trị đỉa cho người dân làm ruộng được thuận tiện. Dân kính cẩn gọi ông là… Tổ Đỉa, còn chùa thì thôi kêu là… chùa Tổ Đỉa cho tiện!

< Phật… Cô Đơn.

* Ở Bình Chánh, TP. HCM có một ngôi chùa gọi là chùa Phật cô đơn. Hic, đúng là dân gian, Phật mà kêu là… cô đơn. Tên chính thức là Bát Bửu Phật Đài. Đây là một tượng Phật cao 7 met, dựng trước ngôi chùa Thanh Tâm. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn tàn phá, còn lại Phật đài. Dân thấy Phật ngồi một mình, nên gọi là Phật… cô đơn!

NISAVA TRAVEL! – Theo Hai Ẩu (Vncgarden), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *