Trong dọc dài hơn 14.000 cây số của “con đường mang dáng hình đất nước”, mấy trăm cây số đường tuần tra biên giới khu vực Thanh Hóa – Nghệ An đã được mở hơn 3 năm qua ở nơi mà năm xưa, cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

Đệ nhất biên ải đặc lộ

Trong chuyến đi của chúng tôi tới cung đường đầu mùa xuân 2012 này, có lẽ nhà báo Huy Thịnh ở báo Hà Nội Mới, người từng vượt Trường Sơn đi chiến đấu năm xưa là có nhiều tâm trạng nhất và cảm nhận được rõ nhất sự thay đổi của Trường Sơn.

Ấy vậy mà sau một tuần vượt dốc, luồn rừng, anh phải thốt lên: “Ngày trước bom đạn quân thù chặn lối phải chui lủi dưới sườn dốc mà vượt Trường Sơn, giờ mở đường tuần tra biên giới dọc theo sống núi, ai ngờ vẫn khó khăn chồng chất. Trường Sơn vẫn là Trường Sơn, thật là “đệ nhất biên ải đặc lộ” vì nhiều cái khó, cái khổ, cái đặc biệt quá.

Chưa tới Trường Sơn, từ Cửa khẩu Na Mèo tới huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi con đường còn ở cấp độ “ít khổ” nhất, đã thấy bộn bề những khó khăn. Từ thành phố Thanh Hóa ngược phía Tây gần 200km, xuyên qua những vòng cua tay áo lưng chừng núi trập trùng, chiếc Land Cuiser dã chiến gầm cao đến được “cổng trời” Cửa khẩu Na Mèo mù sương thì đã hơn 20 giờ tối.

Dọc đường, nhà báo lần đầu lên tuyến đã phải mấy lần “lắc đầu lè lưỡi” đầy cảm phục khi nghe một câu chuyện tình cảm động. Cô gái Lưu Thị Vân, nhân viên Trung tâm giống cây trồng Hà Nội đã nhiều lần từ Hà Đông đi xe máy vượt Na Mèo vào Quan Sơn thăm chồng, rồi thấy anh em trên tuyến khổ quá, Vân còn tình nguyện ở lại cả tuần làm chị nuôi cho đơn vị. Và cũng chính nhờ những chuyến đi tuyệt vời ấy, chị đã có được thiên thần nhỏ…

Tại Thanh Hóa, tuyến đường dài gần 140km, đi qua 3 huyện: Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh đều trong danh sách 63 huyện nghèo nhất Việt Nam. Đường đi qua một xã có cái tên là lạ: “Bát Mọt”, một trong những xã giáp biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa mà xa xôi đến nỗi có lúc, có nơi, trên biển báo người ta còn ghi nhầm thành xã… “Bắt Mọt” (!). Đường vào nơi đây trơn lầy, nhão nhoẹt khi trời mưa, một bên là sườn núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào và một bên là vực thẳm.

Ba năm trước, khi con đường chưa mở, một trận bão từng làm hơn 100 điểm sạt lở, khiến Bát Mọt bị cô lập mấy ngày liền, đồng bào bị đói phải chờ mì ăn liền cứu trợ. Anh Đinh Văn Khoa, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty 319.1 (Tổng công ty 319) kể: “Mấy tháng rồi lúc nào cũng mưa bay hoặc sương mù mịt, cưỡi xe máy lên tuyến nhiều lúc bọn em vẫn phải chủ động… ngã trước kẻo không sẽ lao ngay xuống vực”. Ngó ra sau lán, thấy đầy vỏ gói mì ăn liền, Khoa phân trần: “Mỗi lúc mưa nhiều thì nó là thức ăn cơ bản, chủ yếu và duy nhất!”.

Đại tá Nguyễn Công Linh, Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý dự án 47 “bật mí” cho chúng tôi một câu chuyện cách đây hai năm, đoàn cán bộ quản lý của Ban do anh Vũ Đức Thắng, Trưởng phòng thi công cùng nhà thầu gồm 4 người đi kiểm tra một gói thầu ở Thanh Hóa. Đường trơn, dốc hiểm, xe trượt lao xuống vực, ai cũng cầm chắc chết mà không hiểu “âm phù dương trợ” thế nào, cả 4 người văng ra ngoài, chỉ xây xát nhẹ. Tại một gói thầu khác, Thượng tá Phạm Đức Minh, Giám đốc Công ty TK21 (Quân khu 3) cho hay: Đồng đội của anh cũng từng một lần bị tai nạn, xe văng nhiều vòng trên công trường lao xuống vực nhưng đã may mắn thoát chết. Có lần, không rõ qua kênh thông tin nào, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã biết và hỏi Giám đốc Ban Quản lý dự án 47 về một vụ tai nạn 4 người thoát chết với nhiều trăn trở, dặn dò vượt khó, bảo đảm an toàn cho bộ đội.

Lên đỉnh Pu Vai Lai Leng ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi con đường có đoạn đi qua cột mốc L10 -M1, càng thấy đường tuần tra thật là “đặc lộ”, là con đường xuyên qua những kỷ lục. Thứ nhất, đường xuyên qua đỉnh núi cao 2711m, cao nhất dãy Trường Sơn, cao thứ nhì Việt Nam, chỉ sau đỉnh Phan Xi Păng (3143m), thật xứng danh là “nóc nhà của Trường Sơn”. Thứ hai, đường đi qua huyện Kỳ Sơn, thuộc phủ Trà Lân “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” từng đi vào Bình Ngô đại cáo bất hủ của Nguyễn Trãi, nay Kỳ Sơn là một trong 9 huyện khó khăn nhất của đất nước. Tại đây, sự gian khổ dường như cũng tăng lên cùng với độ cao.

Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có lần kể với tôi: Cách đây 4 năm, khi cấp trên giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 12 thực hiện gói thầu trên đỉnh cao nhất của dãy Pu Vai Lai Leng, thay cho một gói thầu ít khó khăn hơn so với dự kiến ban đầu, anh rất băn khoăn. Trên toàn dải Trường Sơn, ở Tây Nguyên, Binh đoàn 12 cũng đã thi công một cung đường nằm trên đỉnh Ngọc Linh, cao nhất dãy Trường Sơn Nam với vô vàn khó khăn, gian khổ.

Tuy nhiên, khi gặp Thiếu tướng Hoàng Kiền thì mới hay việc “điều chỉnh” này có căn nguyên của nó. Thiếu tướng Hoàng Kiền nói: “Thời chiến tranh, Binh đoàn 12 từng rất anh hùng khi mở đường Trường Sơn. Nay thời bình, nếu Binh đoàn chỉ thi công những đoạn dễ làm thì đơn giản quá. Giao nhiệm vụ cho các anh hai cung đường khó khăn nhất, cao nhất chính là một điểm nhấn để Binh đoàn 12 lập chiến công mới “trên đỉnh Trường Sơn”. “Y phục xứng kỳ đức”, từ đó tới nay, Binh đoàn 12 luôn dẫn đầu, vượt khó trên cung đường lịch sử.

Những cuộc trường chinh mới

Lại là những cuộc trường chinh mới. Trên đỉnh Trường Sơn hôm nay, có rất nhiều người lính từng là con em của Bộ đội Trường Sơn năm xưa nay lại tiếp bước cha anh mở đường như Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng của Tổng công ty 789, Thiếu tá Nguyễn Văn Tháp, Nguyễn Xuân Hùng của Công ty 491 (Binh đoàn 11), Trung úy Nguyễn Trọng Tuấn của Công ty 185 (Binh đoàn 12). ở đây, cũng có nhiều đơn vị đã làm cuộc trường chinh “lên rừng, xuống biển”.

Đó là những người lính Trung đoàn Công binh Hải quân 131 chuyên “vác đá xây Trường Sa” nay lại lên rừng mở đường. Kề cạnh họ là “người anh em”, cánh bộ đội Nhà máy 49 của Binh chủng Công binh cũng một thời sát cánh xây dựng nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam. Đội ngũ đại diện chủ đầu tư, ngoài tướng Hoàng Kiền mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập còn phải kể đến Thượng tá Trần Ngọc Tuyên, Trưởng phòng Thi công 2, từng là bộ đội Trung đoàn Công binh Hải quân 83 có 10 năm tham gia xây dựng Trường Sa, nay lại được giao đặc trách, lăn lộn đôn đốc thi công cung đường Thanh Hóa – Nghệ An.

Cũng là những cuộc trường chinh mới của các lữ đoàn công binh từ vị thế “tay ngang” mà lớn lên cùng con đường. Chuyện ở các lữ đoàn công binh vượt sông 249, 239 là một ví dụ. Đêm ấy, chúng tôi được ngủ lại trong rừng Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) cùng bộ đội Lữ đoàn 249, được nghe Trung tá Nguyễn Hữu Hữu, Phó tham mưu trưởng, Chỉ huy trưởng công trường tâm sự: “Đường tuần tra biên giới đã thật sự nâng tầm các đơn vị công binh chúng tôi nhiều lắm. Từ chỗ chỉ biết huấn luyện vượt sông, bắc cầu phao, giờ đã giỏi làm cầu, làm đường. Làm ăn tốt thì đơn vị mạnh, nhà cửa khang trang, thiết bị được hiện đại hóa, đời sống anh em cải thiện nhiều”.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 47 thì hầu hết các đơn vị công binh với cách tổ chức quy củ, quản lý điều hành tốt, đều làm ăn có lãi và nhờ con đường, họ đã có lưng vốn hiện đại hóa thiết bị, nâng cao kinh nghiệm và năng lực. Trên tuyến đường ở khu vực Đồn 503 Yên Khương, có tới 7 gói thầu của các đơn vị công binh đều được bố trí liền nhau. Đại tá Nguyễn Công Linh cho biết: “Bố trí như thế là cũng có ý để anh em công binh gần nhau mà thi đua, hơn nữa lại đều là “anh em trong nhà”, có thể “chia lửa” giúp nhau cùng tiến bộ. Và họ đã thi đua, đã “chia lửa”. Giao thông cách trở, nếu ra tận Ngọc Lặc mua đá thì giá thành từ 370.000 đồng /m3 đội lên tới gần 1 triệu đồng /m3. Thế là cánh công binh bàn nhau, nếu anh đầu tư khai thác đá tại chỗ, tôi sẽ mua lại của anh, tiện cả đôi đường, lại hạ giá thành con đường, tăng thêm hiệu quả.

Vào lán nào, trại nào cũng thấy những chiếc xe máy được anh em gọi là “xe thương binh”. Xe còn mới đăng ký mà “thân thể” đã tàn tạ, cong vành, hỏng bánh, nhiều chiếc nằm chỏng chơ bên lán. Trên độ cao 1300m mù sương, Trung tá Trịnh Ngọc Hùng, Chỉ huy trưởng công trường của Lữ đoàn 239 cho biết: ở Hà Nội, dân du lịch thích lên Mẫu Sơn, Sa Pa tìm băng tuyết còn dọc tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, bộ đội mở đường thấy tuyết là chuyện thường ngày bên lán. Lạnh quá, dầu thường bị đóng băng nên nổ máy rất khó, người muốn làm mà máy lại nghỉ. ở đây, đúng là phải “chắt từng tia nắng trong mây” để làm việc.

Tại công trường trên đỉnh Pu Vai Lai Leng, người lính phải bước vào một cuộc chinh chiến thực sự với thiên nhiên. Đại tá Phan Tiến Long, Trưởng ban điều hành dự án kể: Nơi “nóc nhà Trường Sơn” này, trứng luộc không chín, gạo mang dưới xuôi lên nấu cơm không chín, phải mua gạo của đồng bào Mông. Bộ đội muốn tăng gia trồng rau thì rau cải không sống nổi, chỉ trồng được rau má. Nước ngọt cũng thiếu, phải nhờ đồng bào gùi nước lên mà mỗi ngày một người cũng chỉ gùi được 2 can 20 lít.

Đường công vụ vận chuyển xăng dầu, vật liệu cũng không có, phải nhờ đường bên nước bạn Lào ở những chỗ có thể. Còn nếu đi theo đường từ Quốc lộ 7B lên, một mét khối đá sẽ mất cả triệu đồng tiền vận chuyển.

Khó về vật chất nhưng còn khổ cả về tinh thần. Sương mù là kẻ thù của đồ điện tử, ti-vi, đầu thu hỏng liên tục mà đêm trong rừng sâu núi cao thật dài và buồn, không điện thoại, hiếm sách báo, chỉ còn chiếc ti -vi lại hỏng, người lính chỉ còn nằm thao thức cùng tiếng chim bắt cô trói cột não nề…

Nhiều gian khó bộn bề nhưng chất Trường Sơn như vẫn cuộn chảy trong mỗi người lính. Trên toàn tuyến đường tuần tra biên giới Thanh Hóa, Nghệ An cho đến mùa xuân này, 100% các cung đường đã được thông tuyến và tỷ lệ thi công đã đạt hơn 50%. Dự kiến đến cuối năm 2012, cung đường biên cương phía Tây của Tổ quốc qua hai tỉnh này sẽ hoàn thành, lá cờ hồng mừng thắng lợi sẽ tung bay từ Cửa khẩu Na Mèo tới đỉnh Pu Vai Lai Leng hùng vĩ…

NISAVA TRAVEL! – Theo Nguyên Minh – Quang Thái (QĐND), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *