(DNSG) – Cô bạn làm thơ ở Long An gọi điện bảo nước đã tràn đồng, mau mau đi xuyên Đồng Tháp Mười không thì lỡ cơ hội. Giọng cô bạn nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng mà có lý khi lũ về như là một hiện tượng bất thường, bởi con người cứ hun nóng trái đất nên nó “hổng chịu”, trả lại bằng mưa nắng, lạnh lẽo, bức bối vô chừng.
Rồi trên dòng chính thượng nguồn sông Mê Kông, tức sông Lan Thương, Trung Quốc đã xây 8 đập thủy điện và sẽ cắt con sông này ra ít nhất 4 khúc nữa. Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đã có trên 10 nhà máy thủy điện, có thể tiếp tục chặn dòng Mê Kông để lấy năng lượng. Kết quả là nơi hạ nguồn – sông Tiền và sông Hậu cùng lưu vực 40.548km² của nó chịu hậu quả nặng nề, đặc biệt là ngày càng thiếu vắng những con nước son, con nước bạc với phù sa và nguồn lợi thủy sản.
Mất mùa lũ, những làng nghề nổi tiếng như làng sản xuất lọp Cồn Cốc (An Giang), Thới Mỹ (Cần Thơ), làng đan lưới Tân Lợi 2 (Cần Thơ), làng làm lưỡi câu Mỹ Hòa (Long Xuyên), làng đóng xuồng Rạch Bà Đài (Đồng Tháp) – để phục vụ mùa lũ cũng dần mất.
Mùa mưa mấy năm trời sông Tiền và sông Hậu thi thoảng mới có một tấc nước dâng, năm nay nước về muộn hơn một tháng, dù chỉ tràn đồng chứ không tràn qua con lộ 62 băng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, không tràn qua những con lộ nối lộ 62 với Tân Hưng, Tân Hồng, Tam Nông xuống Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, qua An Giang như con nước năm 2000, nhưng cũng phần nào giải cơn khát cho ruộng đồng và dân miền Tây suốt mấy năm qua, nhất là mùa hạn mặn chưa từng có vừa rồi.
NISAVA
Tôi cũng khát con nước bạc nên hay tin qua điện thoại, vội vã lên xe máy, chạy một mạch đến thành phố Tân An rước em cùng băng Đồng Tháp Mười, rồi xuống Tứ giác Long Xuyên – là hai “rún nước” bao đời từng điều tiết nước cho cả vùng châu thổ sông Cửu Long.
Thấy tôi mang dép râu (dép làm từ săm lốp ô tô, còn gọi là dép lốp, dép Bình Trị Thiên) – kỷ vật thời chiến tranh giữ nước, em bảo, dù có con nước lớn, nếu không xuống ruộng thì cứ yên tâm đi giày da vì miền Tây bây giờ đâu đâu cũng có đường nhựa như ở thành phố, không lo ướt chân. Tôi ậm ừ, rằng, cứ xí xọn giày cao gót rồi biết!
Chúng tôi không nôn nao ngóng lũ đến mức như dân miền Tây, nhưng ở thành phố, biết nước Mê Kông không về là lo cùng nỗi lo của bà con: vụ lúa đông – xuân không phù sa thì năng suất thấp, tốn kém thêm công cày bừa, làm cỏ, lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được dùng nhiều hơn, ô nhiễm đồng ruộng càng tăng, chuột bọ, sâu rầy không tài nào kiểm soát được, hàng vạn gia đình phải treo lưới, treo lọp, gác cần câu…
Vậy nên dù đã chạy xe tà tà trên lộ 62, lâu lâu chúng tôi vẫn dừng lại để ngắm cho thỏa thích màu nước bạc lai láng trên những cánh đồng mà mấy năm rồi chỉ có nước mưa xăm xắp vừa đủ gieo cấy.
Tôi thắc mắc tại sao mùa nước mà không thấy xuồng giăng lưới, cũng không thấy ai dở lọp, cô bạn nhà thơ bảo khi ánh hồng sáng sớm lụi dần trên đồng nước cũng là lúc dân mưu sinh vùng lũ đem thủy sản đánh bắt được bỏ mối cho vựa dọc các tuyến lộ.
Cô bạn còn dẩu cái môi đỏ chê tôi, “nội cái chuyện đơn giản là chẳng mấy ai đi giăng lưới, đặt lọp, đặt trúm sau khi mặt trời lên khoảng con sào mà không biết thì đừng nhận mình là kẻ thấu hiểu đất Chín Rồng”.
NISAVA
Tôi chưa kịp “phản đòn” bằng cách đố nữ thi sĩ sản vật mùa nước nổi thứ gì làm đồ nhậu lạ miệng nhất thì đã đến trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Mộc Hóa ở ngã ba sông Vàm Cỏ Tây – Ba Hồng Minh, xung quanh bây giờ là bao la đồng nước.
Vẫn là tình người hồn hậu như thuở khai phá Đồng Tháp Mười chua phèn, đưng lác, muỗi mòng, bữa cơm mà Ban Tuyên huấn Huyện ủy Mộc Hóa mời chúng tôi chỉ duy nhất món “lẩu nước nổi”, ngon lạ lùng. Lẩu nước nổi – cái tên nghe lạ mà quen bởi lũ về mới có bông điên điển, bông súng, hẹ nước thấm đẫm chất mắm đồng thơm nồng, bắt cơm hao bún.
Trừ mắm, những lươn, những cá, những tôm và gần chục loại rau cho nồi lẩu đều từ đồng nước nổi quanh cái lán lợp lá dừa nước ngay bên văn phòng UBND huyện. Lúc nãy tôi định đố nữ nhà thơ sản vật mùa nước nổi thứ gì làm đồ nhậu lạ miệng nhất là muốn nói đến hẹ nước, bởi cây điên điển bây giờ đã có nơi trồng ven sông hay dưới bưng trấp, có bông bán quanh năm, cây súng cũng được thả giống, lai rai có bông, còn hẹ nước là một loại rong, lá hình bẹ, chỉ mọc khi con nước bạc về, rộ lên khoảng tháng là tàn.
Mờ sáng, chúng tôi theo một lão nông có tên Năm Đất Phèn ở xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) trên chiếc xuồng ba lá để thăm chừng trúm lươn. Ông Năm đặt trúm lươn dọc theo con rạch còn nhận biết được nhờ những ngọn trâm bầu và bằng lăng chưa bị nước nhấn chìm.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ống trúm của ông Năm làm bằng bẹ chuối. Ông giải thích: “Mấy năm rồi nước không về, trúm đan bằng tre để lâu bị mục, năm nay nước về bất ngờ vì trễ cả tháng, để kịp bắt lươn, qua học tập bà con bên Phong Điền, Cần Thơ làm trúm bằng bẹ chuối, vừa nhanh, vừa tiện, vài bữa hư thì thay, chỉ dùng lại cái hom”.
NISAVA
Theo ông Năm Đất Phèn, trúm làm bằng bẹ chuối giữ mùi mồi lươn (làm bằng cua, ốc, cá nhỏ băm) lâu hơn. Cá chết vì lưới, lươn chết vì mồi. Hèn chi trúm nào cũng có vài ba con lươn vàng ươm, một đoạn rạch đã lưng lửng rổ.
Thấy dư dật đồ nhậu, ông Năm Đất Phèn bảo tôi chèo xuồng hướng về cái nhà nằm thoi loi giữa đồng, còn ông quơ vội ít hẹ nước và bông súng. Ông bảo năm nay con nước đẹp, không cao quá để khỏi chạy lũ, cũng không thấp quá để có cá tôm lai rai, dư thì bán. Sản vật mùa lũ bây giờ không nhiều như trước, phù sa cũng ít, nhưng có còn hơn không.
Nước lũ ngập căn nhà giữa đồng không mông quạnh của ông Năm gần nửa mét, nhưng vật dụng làm đồ nhậu đã được để trên những cái giàn chắc chắn. Ông Năm phân công cô bạn nhà thơ của tôi lo món rau, tôi làm lươn, còn ông sau khi đã thả một tay lưới ngay cửa nhà để bắt cá linh thì nhóm bếp trên cái sạp bằng cây tràm. Cô bạn ngồi thu lu trên sạp tràm nhìn tôi lội nước chụp ảnh, tủm tỉm cười, chắc là thấy sự lợi hại của đôi dép râu!
Lươn nướng chấm muối ớt quả là bắt mồi. Rượu đế ngà ngà say, ông Năm mới “tiết lộ” cái biệt danh Đất Phèn. Thì ra ông là dân gốc miền Hạ Long An lên khai phá Đồng Tháp Mười ngay sau ngày hòa bình lập lại, 1975. Mấy mươi năm trời Đồng Tháp Mười nhuộm chàng trai trắng trẻo thư sinh chưa đến tuổi 30 thành một lão nông da mốc đen, tóc xác xơ bạc, mà cũng nhờ vậy ông có cả trăm công ruộng, nên được bà con ghép cho cái “thương hiệu” Đất Phèn sau tên thứ.
NISAVA
Rồi ông trở thành công dân An Giang do “ham gái” mà phải ở rể, như ông tự thú. Nhờ vậy mà ông hiểu rất kỹ những mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười, ở Tứ giác Long Xuyên.
Ông kể ông có quen biết Bảy Nhị Chủ tịch tỉnh An Giang trước đây – người khởi sự đề án khai thác lợi thế mùa nước nổi để phát triển kinh tế, nhờ vậy mỗi mùa nước, hai tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp đã tạo ra giá trị sản xuất hơn 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần cả triệu lao động.
Dần dần lũ không về, hoặc lũ lệch, chính ông Bảy Nhị thấy trước đó là tổn thất và mối đe dọa rất lớn cho miền Tây, nên sau đề án sống chung với lũ, ông lại có đề án phát triển nông thôn Nam bộ nếu mất mùa lũ.
NISAVA
Ông Năm Đất Phèn nói trước dây ông mê cái công trình thoát lũ ra biển Tây của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mà trục chính là kinh Vĩnh Tế – T5 – Tuần Thống. Nếu không phải là ông Kiệt thì chưa biết bao giờ phèn trong cái rốn Tứ giác Long Xuyên được rửa sạch để có vựa lúa như ngày nay.
Nhưng ông Năm lại không đồng ý với ông Kiệt chi hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng những cụm tuyến dân cư vượt lũ, bởi theo ông, dân sống chung với lũ quen rồi, nước quá lớn thì lên xuồng tấp vào gò đất nào đó hay tá túc nhà bà con dọc các con lộ là ổn. Vì thế mà ông không dở cái nhà giữa đồng và nhờ vậy mà có chỗ ở và chỗ nhậu hết chê!
Cũng theo ông Năm Đất Phèn, có tầm nhìn xa như ông Kiệt, ông Nhị cũng không thể ngờ sông Mê Kông bị chặn dòng nhiều đến mức không còn mấy không gian cho thủy sản phát triển, không còn mấy nước cho hạ lưu. Vì thế mà những đê ngăn lũ ngày nào giờ mà đóng cống thì lượng nước ít ỏi của dòng Mê Kông sẽ không còn chảy vào đồng, dù có con nước đẹp như năm nay.
Cao Lãnh – Long Xuyên, tháng 10/2016
Theo Phương Hà (Doanh Nhân Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!